(PLO) - Từ cuối tháng 1/2015 đến nay, tại cửa khẩu Tân Thanh (Văn Lãng, Lạng Sơn) bình quân mỗi ngày có từ 500 - 600 xe, tải trọng mỗi xe chở 20 đến 30 tấn hàng.
Số lượng này tăng đột biến so với trước kia khiến hoạt động xuất nhập khẩu bị ùn tắc đặc biệt là luồng dành cho hàng xuất khẩu: dưa hấu, thanh long.
Nông sản tắc, người dân khổ
Có mặt tại “hiện trường”, PV chứng kiến cảnh những chiếc xe tải lớn chở dưa hấu mang biển kiểm soát của các tỉnh phía Nam đang dồn ứ, rồng rắn kéo dài nhiều cây số. Một lái xe bức xúc: "Xe chở dưa hấu đến Lạng Sơn đã chờ bốn ngày, nhưng vẫn chưa xuất được hàng. Nếu còn kéo dài thì hàng xuống cấp. Chi phí một chuyến hàng quá lớn, lãi chẳng là bao, nhưng cũng đành phải chờ xuất hàng xong, gỡ chút vốn rồi mới về quê ăn Tết.
Một tiểu thương trú thị trấn Ðồng Ðăng (Lạng Sơn) đã nhiều năm chuyên làm mối lái cho các chủ hàng xuất khẩu hàng nông sản qua cửa khẩu này than phiền: Năm nào cũng vậy, cứ được mùa nông sản (dưa hấu, chuối, nhãn, vải thiều...) ở các tỉnh phía Nam, khi chở hàng ra đây để xuất khẩu thì lại xảy ra tình trạng ùn tắc, dẫn đến chất lượng sản phẩm xuống cấp, các tư thương nước ngoài lại tìm cách ép giá.
Qua tìm hiểu hiện tượng này nhiều năm trở lại đây, có thể thấy rằng, hàng nông sản chủ yếu xuất qua Cửa khẩu Tân Thanh, theo loại hình xuất khẩu tiểu ngạch (không theo các hợp đồng thương mại). Vì vậy, các doanh nghiệp, tư thương làm thủ tục đưa hàng sang Trung Quốc, sau đó mới tìm đối tác để bán nên việc tiêu thụ rất chậm. Mỗi ngày chỉ có một lượng nhất định xe chở hàng xuất khẩu có thể sang Trung Quốc.
Trao đổi ý kiến với PV, Chi cục trưởng Hải quan Tân Thanh Phùng Quang Hội cho biết: Do bến bãi chứa hàng phía nước bạn có hạn, trong khi các loại hàng nông sản xuất sang biên giới chủ yếu là nông sản tươi, với số lượng lớn.
Vào thời vụ, có ngày hơn nghìn xe chờ làm thủ tục xuất khẩu. Nhưng thực tế, phía Trung Quốc chỉ nhập được từ 250 đến 300 xe mỗi ngày. Vì vậy,, việc ùn ứ hàng nông sản tại cửa khẩu là khó tránh khỏi...
Giải pháp nào?
Hệ thống kho bãi, đường giao thông không thể đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa tăng cao khi vào mùa vụ cũng là nguyên nhân gây ùn tắc. Thậm chí gần đây, đường từ quốc lộ 4A vào Cửa khẩu Tân Thanh được mở rộng gấp bốn lần, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng lượng xe quá đông dồn về.
Thực tế, hồi giữa năm ngoái, khi lượng vải thiều qua Tân Thanh tăng đột biến, Lạng Sơn đã linh hoạt mở thêm Cửa khẩu Cốc Nam để “giảm nhiệt” và tình trạng ách tắc mới cơ bản được giải quyết.
|
Quy hoạch phát triển kho hàng ở cửa khẩu cũng là giải pháp làm giảm tình trạng ùn ứ. Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân quan trọng hơn là “tắc thị trường”. Những ai làm thương mại lâu năm với thị trường này đều hiểu chuyện “tắc thị trường” trong xuất khẩu nông sản xảy ra thường xuyên.
Có những lúc, những nơi phía bạn thay đổi, điều chỉnh về chính sách biên mậu, về mở rộng hay hạn chế nhập một số mặt hàng xuất khẩu.
Có thể sự điều chỉnh này không lớn và không kéo dài, nhưng do chúng ta thiếu sự linh hoạt để thích ứng; hay như chuyện phối hợp giữa các ngành và địa phương đôi khi không đồng thuận cũng dẫn tới “tắc”.
Trong những năm qua, UBND tỉnh Lạng Sơn nhiều lần gửi văn bản thông báo cho các tỉnh có lượng nông sản xuất khẩu lớn và cả Bộ Công Thương để khuyến cáo các nhà vườn, chủ hàng cần có kế hoạch thu gom, vận chuyển hợp lý, tuy nhiên nông sản vẫn dồn về Lạng Sơn cùng thời điểm với số lượng rất lớn, gây ách tắc.
Về lâu dài, không chỉ các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng (Hải quan, Biên phòng) ở địa phương đứng ra giải quyết mà còn cần sự chỉ đạo, phối hợp từ T.Ư đến các Bộ, ngành hữu quan.
Ngay từ đầu năm 2015, Chính phủ và các Bộ, ngành đã có những động thái tích cực: ngày 24/1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian thông quan tại hai cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).
Cụ thể, thời gian xuất nhập cảnh trong ngày: từ 7 giờ đến 19 giờ hiện nay điều chỉnh thành từ 7 giờ đến 20 giờ (giờ Hà Nội). Thời gian xuất nhập khẩu trong ngày từ 7 giờ đến 16 giờ 30 phút hiện nay điều chỉnh thành 7 giờ đến 18 giờ (giờ Hà Nội).
Trong tháng 1/2015, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu một số mặt hàng trái cây qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn theo dõi sát tình hình giao nhận hàng hóa với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là với đối tác tại các nước có chung đường biên giới; đồng thời thường xuyên trao đổi, liên hệ khách hàng nước ngoài để chủ động điều tiết việc thu mua, giao nhận hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong thời điểm hiện nay nhằm giảm ùn tắc và bảo đảm an toàn chất lượng hàng hóa.
Dư luận kỳ vọng với sự phối hợp đồng bộ này, cộng thêm sự tích cực của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, tình trạng ách tắc tại Lạng Sơn sẽ sớm được giải quyết.
Gần đây, việc “tắc” hàng nơi cửa khẩu không chỉ xảy ra ở Lạng Sơn, nhiều địa phương có đường biên giới tại miền Trung, miền Bắc cũng lâm vào tình trạng này. Hồi giữa năm 2014, tại Lào Cai, hoạt động xuất gạo thí điểm đơn phương của phía Việt Nam qua lối mở khu vực Bản Quẩn (Bảo Thắng, Lào Cai) bị hạn chế do phía Trung Quốc siết chặt dần.
Mới đây, hồi giữa tháng 1/2015, tại hai cửa khẩu quốc tế La Lay và Lao Bảo (Quảng Trị), hàng trăm xe chở gỗ nhập khẩu từ Lào về cũng gây nên tình trạng ùn tắc suốt gần nửa tháng qua. Chỉ đến khi Bộ Tài chính không còn yêu cầu kiểm tra 100% hàng hóa gỗ nhập khẩu mới giải tỏa được tình trạng này.
Bài toán ùn tắc nông sản tại cửa khẩu ở Lạng Sơn, nếu sớm tìm ra lời giải thì không chỉ riêng các doanh nghiệp xuất hàng qua Lạng Sơn được hưởng lợi mà còn có giá trị đối với các địa phương có đường biên giới xuất nhập khẩu, có thể vận dụng trong thực tiễn, khi những vấn đề tương tự xảy ra. /.