Lâm Đồng: Vì sao đề xuất từ chối dự án sân golf nghìn tỷ?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Một doanh nghiệp đề xuất thực hiện dự án tổ hợp sân golf và du lịch nghỉ dưỡng hơn 2.500 tỷ đồng tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, các sở, ngành ở địa phương đã chỉ ra hàng loạt điểm chưa phù hợp từ quy hoạch đến năng lực tài chính.
Cty CP Golden City muốn triển khai dự án sân golf, nghỉ dưỡng ở Lâm Đồng.

Cty CP Golden City muốn triển khai dự án sân golf, nghỉ dưỡng ở Lâm Đồng.

Không phù hợp nhiều quy hoạch

Sở KH&ĐT Lâm Đồng vừa chủ trì, phối hợp các Sở TN&MT, Xây dựng, Công Thương, Tài chính… thẩm định dự án tổ hợp sân golf và du lịch nghỉ dưỡng Đạ Sar của Cty CP Golden City.

Theo đề nghị thực hiện dự án, địa điểm thực hiện dự án thuộc một phần tiểu khu 145B, 114A địa bàn thị trấn Lạc Dương và xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, quy mô 90,29ha. Trong đó khu sân golf khoảng 71,6ha, khu nghỉ dưỡng khoảng 18,6ha. Dự án sẽ xây sân golf cao cấp 18 hố tiêu chuẩn quốc tế, kinh doanh sân golf và các dịch vụ liên quan sân golf. Tổng vốn đầu tư dự kiến 2.594,5 tỷ đồng, gồm vốn của Cty và vay ngân hàng. Thời gian thực hiện từ quý IV/2022 đến hết quý IV/2028, thời gian hoạt động 50 năm.

Theo Sở NN&PTNT, khu vực đề xuất thực hiện dự án của Cty Golden City có hiện trạng rừng tự nhiên núi đất lá kim trung bình khoảng 2,16ha, rừng tự nhiên núi đất lá kim giàu khoảng 0,71ha, đất đang sản xuất nông nghiệp khoảng 12,94ha, đất trống khoảng 0,02ha, đất không kiểm kê tài nguyên rừng khoảng 74,46ha.

Như vậy, trong diện tích đất đề xuất thực hiện dự án có khoảng 2,87ha đất rừng tự nhiên, không được sử dụng để thực hiện dự án sân golf theo khoản 3 Điều 6 Nghị định 52/2020/NĐ-CP về nguyên tắc đầu tư xây dựng, kinh doanh sân golf và Điều 14 Luật Lâm nghiệp 2017.

Xét về tính phù hợp quy hoạch, Sở KH&ĐT nêu rõ khu vực đề xuất dự án có nhiều loại quy hoạch khác nhau, trong đó với quy hoạch xây dựng có Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đã được Thủ tướng phê duyệt; Quy hoạch chung thị trấn Lạc Dương. Theo Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch, Sở KH&ĐT thẩm định theo quy hoạch tại Quyết định 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Đà Lạt và vùng phụ cận đến 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch 704).

Theo Quy hoạch 704 thì vị trí đề xuất thực hiện dự án là đất rừng phòng hộ. Còn theo Quyết định 1392/QĐ-UBND ngày 26/6/2019 của UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất huyện Lạc Dương đến 2020 thì vị trí đề xuất thuộc quy hoạch đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm; đất rừng phòng hộ, đất sông suối. Theo Quyết định 1214/QĐ-UBND ngày 20/12/2012 của UBND Lạc Dương phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới xã Đạ Sar, phần diện tích thuộc xã Đạ Sar được định hướng phần lớn là đất nông nghiệp và một phần đất rừng. Do đó, dự án đề xuất không phù hợp với các quy hoạch.

Một góc huyện Lạc Dương.

Một góc huyện Lạc Dương.

Cân nhắc tính hiệu quả kinh tế - xã hội

Khi đề xuất dự án, nhà đầu tư cho rằng dự án sẽ phát huy hiệu quả tích cực, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương (khoảng hơn 640 lao động), nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội, qua đó tăng các khoản thu ngân sách của địa phương (khoản nộp ngân sách trong thời gian thực hiện dự án khoảng 3.041,6 tỷ đồng).

Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT, hầu hết khu vực đề xuất dự án là đất sản xuất nông nghiệp, việc thực hiện dự án sẽ làm mất đi diện tích không nhỏ đang sản xuất nông nghiệp ổn định của người dân địa phương. Do đó, cần cân nhắc về hiệu quả đầu tư cũng như mức độ ảnh hưởng môi trường, ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt tại hồ Đan Kia Suối Vàng, trật tự an ninh tại địa phương… làm cơ sở xem xét chủ trương đầu tư dự án cho phù hợp với tình hình, nhu cầu thực tế.

Mặt khác, thống kê sơ bộ của nhà đầu tư cho rằng dự án tác động đến khoảng 500 hộ dân đang sử dụng đất; nhưng lại không đề cập đến phương án thỏa thuận, chi trả bồi thường, không đề xuất đơn vị thực hiện đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng với khu vực đề xuất dự án.

Theo Sở KH&ĐT, dự án trên có mục tiêu đầu tư là xây dựng sân golf và du lịch nghỉ dưỡng, thuộc trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo khoản 12 (bổ sung Điều 14b), Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP.

Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 8 Thông tư liên tịch 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thì một trong những điều kiện để được cấp có thẩm quyền quyết định đấu giá đất là khu vực dự kiến đấu giá có quy hoạch xây dựng chi tiết được phê duyệt.

Ngoài ra, theo khoản 4 Điều 108 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định dự án đầu tư có sử dụng đất phải lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu đáp ứng các điều kiện: “Phù hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng có tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/500 hoặc quy hoạch phân khu đô thị có tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/5.000”. Tuy nhiên theo Sở Xây dựng, khu vực đề xuất thực hiện dự án chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được duyệt. Do đó, dự án chưa đủ cơ sở để tiến hành lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Từ những nội dung thẩm định như trên, Sở KH&ĐT đề nghị UBND Lâm Đồng chưa chấp thuận đề xuất thực hiện đầu tư dự án tổ hợp sân golf và du lịch nghỉ dưỡng Đạ Sar của Cty Golden City; giao UBND Lạc Dương rà soát các nội dung về hiện trạng rừng, quy hoạch, đánh giá kỹ lưỡng mức độ tác động của dự án với đời sống nhân dân, ảnh hưởng với môi trường và một số nội dung khác liên quan...

Yêu cầu nhà đầu tư chứng minh năng lực tài chính

Thêm yếu tố nữa chưa đủ thuyết phục cơ quan thẩm định là năng lực tài chính nhà đầu tư. Cụ thể, Cty Golden City cho rằng đảm bảo về vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án. Tuy nhiên, hồ sơ không có tài liệu chứng minh khả năng huy động vốn theo đề xuất của Cty.

Sở Tài chính nêu quan điểm: “Theo văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư ngày 8/8/2022, Cty đề xuất nguồn vốn đầu tư từ vốn huy động là 2.205 tỷ đồng. Tuy nhiên, hồ sơ nhận được không có tài liệu chứng minh khả năng huy động vốn, do đó Sở Tài chính không có cơ sở để tham gia ý kiến”.

Sở Tài chính đề nghị Sở KH&ĐT yêu cầu Cty cung cấp hồ sơ chứng minh gồm ít nhất một trong các tài liệu như: Văn bản cam kết cho vay, cấp tín dụng, cam kết hỗ trợ tài chính của các tổ chức tài chính, ngân hàng… với nội dung ghi rõ cam kết hoặc chấp thuận cấp tín dụng cho Cty để thực hiện dự án.

Đọc thêm