Tranh cãi quanh một đề văn
Mới đây, đề thi môn Ngữ Văn cuối học kì 1 (2020 - 2021) dành cho học sinh khối 11 trường THPT Trần Văn Ơn (TP.HCM) đã gây bất ngờ, dẫn đến nhiều chỉ trích và ồn ào trong dư luận. Mạng xã hội nổ ra cuộc tranh luận có sự tham gia của các học sinh và người trưởng thành.
Cụ thể, đề thi môn Ngữ văn ở trường THPT Trần Văn Ơn đã trích một phần khá dài trong lời bài hát “Đom Đóm”, ca khúc vừa phát hành của Jack đang gây sốt cộng đồng mạng gần đây: “Em đi mất rồi, còn anh ở lại/ Người giờ còn đây không? Thuyền này còn liệu sang sông/Buổi chiều dài mênh mông, lòng người giờ hòa hay đông/ Hồng mắt em cả bầu trời đỏ hoen/ Ta như đứa trẻ ngây thơ, quên đi tháng ngày ngu ngơ/ Người là ngàn mây bay, mình là giọt sầu chia tay/ Người cạn bầu không say, còn mình giãi bày trong đây/ Này gió ơi, đừng vội vàng, lắng nghe được không?”.
Từ đó, đề thi đã đưa ra yêu cầu làm 4 câu hỏi nhỏ để xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích, tìm biện pháp tu từ trong một câu hát cũng như trình bày suy nghĩ về thông điệp ca khúc truyền tải.
Trước đây, những đoạn văn được trích dẫn trong các đề thi đều là những đoạn trích trong các tác phẩm kinh điển, có giá trị văn chương, nghệ thuật cao. Những năm gần đây, việc đưa các sản phẩm âm nhạc của giới trẻ vào đề văn được coi là một sự đổi mới, cởi mở, và không ít lần được khen ngợi. Nhưng đối với đề bài trích lời bài “Đom Đóm” trên, nhiều ý kiến phê phán.
Đề thi văn đang gây tranh cãi. |
Bài hát tuy đang “nổi” trên mạng xã hội, nhưng khó có thể khen ngợi về giá trị nghệ thuật của phần lời bài hát, nhất là phần được trích dẫn trong đề văn, chưa kể đến cách hành văn rối rắm, có đoạn vô nghĩa. Đề bài yêu cầu phân tích biện pháp tu từ được dùng trong câu “Hồng mắt em cả bầu trời đỏ hoen” và xác định ý nghĩa của hai câu hát cuối cùng được coi là “đánh đố” học sinh.
Đề thi nên “mở” đến mức nào?
Những năm gần đây, nhiều ca sĩ trẻ hiện nay như Sơn Tùng MTP, Hoàng Thùy Linh, Jack và K-ACM, Chi Pu, Đen Vâu… từng được nhắc đến trong đề văn dưới dạng phân tích sản phẩm âm nhạc, hoặc phân tích phát ngôn của ca sĩ.
Không thể phủ nhận hướng đề “mở” như thế cũng nhận được nhiều hứng thú từ các em học sinh. Nó khiến các em không bị đóng khung đề tài trong những tác phẩm văn học đã quá quen thuộc trước đó, khơi gợi trong các em cảm hứng từ những điều các em đang say mê, thích thú hàng ngày như các bài hát yêu thích, các thần tượng. Đồng thời, kiểu đề văn này cũng khiến các em cảm thấy môn văn gần gũi với cuộc sống hơn.
Nhiều đề bài có tính hay, sáng tạo cũng nhận được khen ngợi từ cộng đồng. Cách đây vài tháng, một đề văn lớp 7 đã yêu cầu nghị luận hai câu nói của Sơn Tùng M-TP: “Ước mơ và đam mê, ai giúp mình được ngoài bản thân” và “Cứ đi đi, phải đi thì mới biết mình đi đến đâu/Chúng ta sinh ra để thành công, đừng do dự, đừng ngần ngại”.
Hay như đề kiểm tra văn của khối lớp 7 một trường ở Lào Cai: “Điều tuy rất phi thường nhưng thật ra rất nhỏ bé. Điều nhỏ bé phi thường luôn nằm ở trong ta” được trích từ bài hát “Điều phi thường nhỏ bé” của tác giả DTAP...
Tuy nhiên, việc ca khúc và ca sĩ được “ồ ạt” đưa vào các đề văn tạo cảm giác cách làm này dường như đang ngày càng bị lạm dụng, thiếu chọn lọc. Như đề thi môn Ngữ Văn- Lớp 10 một trường ở Phú Thọ lấy Chi Pu, một ca sĩ bị tranh cãi về khả năng ca hát ra làm đề tài, yêu cầu hóa thân vào Chi Pu để nêu cảm xúc sau ra album.
Hay như một đề văn lấy lời bài hát Việt Nam “Tôi “do K-ICM và Jack hát, khiến không ít học sinh bày tỏ bối rối vì sự tối nghĩa của hai câu “Thề khó khăn gian nguy nào/Hiên ngang bước chân ta về”.
Đành rằng, cách thức ra đề mở, mới mẻ, sáng tạo, bước ra khỏi những quy tắc cũ là một xu hướng đáng ghi nhận trong giáo dục hiện nay, nhưng có thể thấy, điều quan trọng nằm ở cách chọn lọc những gì để ra đề. Nhiều câu hát có phần lời sai ngữ pháp, thiếu chất thơ, thiếu tính nghệ thuật, cổ súy cho sự ủy mị, ướt át quá mức trong tình yêu nam nữ… có thể ảnh hưởng không tốt đến nhận thức, tư duy và thị hiếu thẩm mỹ của các em về lâu dài.