Có thể bị kiện bất cứ lúc nào
Trong 7 tháng của năm 2019, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối diện với 7 vụ việc khởi xướng điều tra mới, trong đó thị trường Ấn Độ dẫn đầu với 4 vụ việc, Hoa Kỳ 2 vụ việc, Malaysia 1 vụ việc.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đang tiến hành xử lý 7 vụ việc PVTM (5 vụ việc chống bán phá giá, 2 vụ việc trợ cấp) khởi xướng điều tra với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bộ Công Thương cũng đang tiếp tục xử lý 7 vụ việc bắt đầu từ năm 2018, 4 vụ việc rà soát biện pháp PVTM đã áp dụng, trong đó có những vụ việc có kim ngạch xuất khẩu lớn như cá tra, tôm.
Đối với các vụ việc giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại thế giới, trong 7 tháng qua, Bộ Công Thương cũng đang xử lý 3 vụ việc, trong đó 1 vụ đã kết thúc với kết quả tích cực (Indonesia hủy bỏ biện pháp áp dụng với tôn lạnh), 2 vụ việc đang trong quá trình tham vấn (chương trình thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ và phương pháp tính biên độ trong vụ việc Hoa Kỳ rà soát chống bán phá giá đối với cá tra).
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong các vụ việc mà Bộ xử lý thời gian qua, Bộ đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhiều hoạt động như cập nhật danh mục các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM, cảnh báo sớm nguy cơ bị kiện để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý, báo cáo lãnh đạo Bộ có ý kiến với cơ quan quản lý, cơ quan điều tra của nước ngoài (như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Philippines…) đề nghị đối xử khách quan với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, thông qua đó bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam.
Gần đây, vụ việc Hoa Kỳ đưa ra biện pháp PVTM đối với các sản phẩm thép Việt Nam có nguồn gốc Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) cho thấy nguy cơ bị áp dụng các biện pháp PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể đến bất kỳ thời điểm nào, dù trước đây, loại hàng hóa vẫn được phía Mỹ chấp nhận.
Sẽ có danh mục hàng hóa cảnh báo sớm
Đại diện Cục PVTM cho rằng, trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang gia tăng, đặc biệt đối với nhiều nhóm sản phẩm như thép, nhôm, nông sản, thủy sản… để giảm thiểu khả năng bị áp dụng biện pháp PVTM cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, ngay cả khi Việt Nam phát triển được chuỗi sản xuất tại chỗ (ví dụ như đối với thép, nhôm), nếu xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh, đột biến thì ngoài biện pháp chống lẩn tránh, không loại trừ khả năng nước nhập khẩu sẽ điều tra chống bán phá giá và trợ cấp với sản phẩm của Việt Nam như đã làm trước đó với một số nước khác.
Do đó, Bộ Công Thương đã có kế hoạch triển khai Đề án 824, trong đó chú trọng vào công tác theo dõi, giám sát và cảnh báo với những mặt hàng có nguy cơ cao, đồng thời lên kế hoạch tiếp tục triển khai kiểm tra thực tế các trường hợp nghi ngờ lẩn tránh xuất xứ, thắt chặt việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (đối với các thị trường đòi hỏi xuất xứ).
Được biết, Cục PVTM sẽ hoàn thành dự thảo cập nhật Danh mục hàng hóa cảnh báo sớm theo Đề án 824 gồm 13 mặt hàng xuất khẩu sang 3 thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và Canada và sẽ có hình thức thông báo phù hợp với các cơ quan chức năng ngay trong tháng 8 để cùng theo dõi, giám sát. Danh sách này cũng sẽ được mở rộng cả về mặt hàng và thị trường tùy theo tình hình thực tiễn.
Theo đại diện Cục PVTM, bên cạnh việc tăng giá trị gia tăng trong nước, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần theo dõi kỹ để cánh báo sớm nếu như xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường gia tăng nhanh đột biến, để đảm bảo hàng hóa Việt Nam không bị áp dụng các biện pháp PVTM. Để thực hiện hiệu quả việc cảnh báo này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính).
Đại diện Cục PVTM đặc biệt lưu ý, các doanh nghiệp, hiệp hội cần thận trọng khi xem xét mở rộng đầu tư, nhất là mở rộng để sản xuất phục vụ xuất khẩu các mặt hàng đã bị nước nhập khẩu áp dụng biện pháp PVTM với nước thứ 3. Khi phát hiện xuất khẩu các mặt hàng liên quan từ Việt Nam tăng nhanh, nước nhập khẩu có thể tiếp cận theo hướng điều tra chống lẩn tránh, độc lập với điều tra về xuất xứ.
Trong trường hợp này, hàng hóa có thể đáp ứng yêu cầu về xuất xứ nhưng vẫn bị kết luận là lẩn tránh và bị áp thuế cao. “Do đó, việc thận trọng và nghe ngóng tình hình số liệu xuất khẩu là đặc biệt quan trọng trong tình hình hiện nay”, đại diện Cục PVTM khẳng định.