Bám ruộng có mà… đói?
Nhiều cánh đồng thôn Kim Bôi, xã Đông Thanh (Đông Sơn, Thanh Hóa) đã bị bỏ không cấy vụ mùa nhiều năm. Đồng đất màu mỡ nhưng chẳng còn hấp dẫn người dân như xưa nữa. Ông Nguyễn Xuân Ninh, Bí thư kiêm Trưởng thôn Kim Bôi, chia sẻ một nghịch lý: “Bây giờ nhìn ra ruộng đồng buồn lắm, cánh người già làm tuốt việc cấy hái. Lũ trẻ chẳng đứa nào ngó ngàng tới đồng ruộng. Không ít người còn bảo, thời buổi này có dở hơi mới làm ruộng. Biết là trồng lúa chẳng lời lãi gì nhưng chúng tôi già rồi, lương không có nên đành bám ruộng. Nếu cả bọn trẻ cũng bám ruộng thì…đói”.
|
Tình trạng cánh đồng để không cho cỏ mọc có ở nhiều địa phương... |
Ông Ninh nhẩm tính: “Ngày trước, mỗi vụ cấy có khi kéo dài cả tháng trời, nay chỉ dăm ba ngày là xong nhưng tất tần tật đều phải thuê. Mỗi sào cấy hai vụ/năm cần 400 nghìn đồng tiền cày bừa, gần 500 nghìn đồng giống lúa, 700 nghìn đồng phân bón, 800 nghìn đồng thuê cấy và nhổ mạ, 400 nghìn đồng thuê gặt; 200 nghìn đồng mua thuốc bảo vệ thực vật, chưa kể công phơi sấy. Vị chi đầu tư cũng đã mất ba triệu đồng/sào/năm.
Bình quân mỗi sào cả năm cũng chỉ thu được năm tạ, bán giỏi lắm được 3,5 triệu đồng. Thành ra, nếu làm một héc-ta lúa mà được mùa chỉ lãi khoảng 10 triệu đồng/năm, chưa bằng hai tháng lương công nhân. Nếu Nhà nước còn thu thuế nông nghiệp thì có lẽ không còn chút lãi”.
Ông Ninh cũng đưa ra so sánh, hai vợ chồng con gái ông đều làm công nhân, thu nhập khoảng 9 - 10 triệu đồng/tháng. Cậu con trai sau khi học đủ thứ nghề thì quyết “ly nông bất ly hương” bằng nghề sửa chữa điện thoại, trừ chi phí mỗi tháng cũng có dăm ba triệu để dành.
Thôn Kim Bôi có 400 hộ dân, 1.700 nhân khẩu, có 63ha đất lúa và bỏ hoang 10 héc-ta. Trong đó người trong thôn chỉ cấy khoảng 37ha, còn lại là người xã khác đến mượn đất. Tình trạng tương tự đã diễn ra ở 11 huyện của Thanh Hóa. Năm 2017 các cơ quan chức năng đưa ra con số thống kê trên toàn tỉnh có hơn 1.100ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang.
Để lấy tư liệu cho bài viết, chúng tôi đã khảo sát thực tế tại một số địa phương của tỉnh Hà Nam. Tại xã Nguyễn Úy, huyện Kim Bảng (Hà Nam), cả cánh đồng rộng mênh mông cũng chỉ có dăm ba người nông dân chăm bón lúa.
Trước kia Nguyễn Úy là một trong các xã có truyền thống trồng cây vụ đông trên đất hai lúa. Nhưng nay những cánh đồng “bờ xôi, ruộng mật” đang bị bỏ hoang ngày một nhiều.
Ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: Chúng tôi nhìn những diện tích đất vốn rất màu mỡ của quê mình đang bị bỏ hoang phí, cũng rất xót xa. Nhưng giờ tuổi cao, sức yếu, nhà lại chỉ có hai ông bà già nên không thể làm gì hơn được. Vợ chồng chúng tôi bây giờ cũng chỉ cấy được vài ba sào để lấy thóc ăn.
|
Tập trung dồn điền đổi thửa, tăng năng suất là cách để người dân mặn mà với đồng ruộng |
Vài năm trở lại đây, ở xã Nhân Khang (Lý Nhân, Hà Nam) cũng xảy ra tình trạng bỏ ruộng. Vụ mùa năm 2019, Nhân Khang có gần 30 héc-ta dù đây là vụ lúa chính trong năm. Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Nhân Khang cho biết: Sản xuất vụ mùa luôn bấp bênh nên người dân chỉ cấy một vụ để lấy thóc ăn. Dù chính quyền địa phương vẫn tích cực vận động gieo cấy, nhưng người dân cứ bỏ.
Mặc dù Lý Nhân được xác định là huyện trọng điểm về nông nghiệp của tỉnh Hà Nam nhưng đây lại là một trong những huyện có diện tích đất lúa bị bỏ hoang nhiều nhất tỉnh. Nếu năm 2016 toàn huyện cả hai vụ người dân chỉ bỏ 30ha, thì đến vụ mùa năm 2018 và 2019 đã tăng lên hơn 100ha.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam, chỉ tính riêng vụ mùa năm 2019, toàn tỉnh có hơn 300ha đất nông nghiệp hai vụ lúa bỏ hoang. Còn tại Hà Nội, diện tích bỏ hoang năm 2019 lên đến hơn 7.900ha, chiếm 95% là đất sản xuất lúa.
Tình trạng này cũng đang diễn ra tại địa bàn các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Hỏi lãnh đạo các cấp về nguyên nhân, thì được chỉ ra: Do khó khăn về khô hạn đầu vụ, úng ngập cuối vụ; một số diện tích xen kẹt trong các khu đất đã được quy hoạch hoặc công trình thủy lợi bị chia cắt, hỏng hóc; lao động nông nghiệp chuyển đi làm trong các khu công nghiệp…
Cơ hội để thay đổi tư duy sản xuất
Qua thực tế, có những ý kiến rất đáng lưu tâm, đó là việc người dân bỏ ruộng có một tác động tích cực, khiến chúng ta phải nhìn nhận lại về cơ chế quản lý và sử dụng đất đai, đồng thời đòi hỏi chính sách đột phá về nông nghiệp. Đơn cử tại Phù Ninh (Phú Thọ), nhiều năm gần như 100% người dân bỏ không cấy lúa vụ mùa.
Những năm đầu chính quyền vất vả vận động người dân gieo cấy, nhưng rồi "dân bỏ mãi cũng thành quen", lãnh đạo cấp xã cho rằng: "Khi người dân đầu tư mười đồng mà không có đồng lãi nào thì có ép họ cũng không làm".
Chủ tịch UBND xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh) Nguyễn Tiến Hưng và không ít người dân còn đưa ra những lập luận đầy thực tế: Xưa phải dùng trâu bò kéo cày, người dân có ít sự lựa chọn về công việc nên phải bám đồng ruộng, dù vất vả. Nay họ lựa chọn việc nhàn, thu nhập cao hơn.
Ngược thời gian trở lại năm 2010, tình trạng bỏ ruộng diễn ra khá rầm rộ và đến năm 2013, Bộ NN&PTNT chỉ đạo, yêu cầu Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố thống kê thực trạng, đồng thời tổ chức 3 Đoàn khảo sát ở một số tỉnh trọng điểm. Trong số 45 tỉnh có báo cáo, thì 20 tỉnh có hiện tượng bỏ ruộng, 09 tỉnh có hiện tượng trả ruộng.
Khi đó, lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT, cho hay: Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tất yếu sẽ diễn ra quá trình phân công lại lao động nông thôn. Việc hộ có ruộng đi làm việc khác có thu nhập cao hơn sẽ là tất yếu. Tuy nhiên, trong điều kiện nước ta, đất chật, người đông, lao động nông thôn dư thừa nhiều, thu nhập của người nông dân còn thấp thì việc bỏ ruộng, trả ruộng là không hợp lý. Người nông dân bỏ ruộng là trái với bản chất của họ, nhưng qua đó cũng phản ánh nhiều chính sách đối với nông nghiệp, nông dân còn bất cập.
Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã đưa ra một số kiến nghị, như về phía địa phương phải có quy hoạch sản xuất theo định hướng phát triển lợi thế về địa lý, thị trường, tập quán để quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh. Các tỉnh, huyện phải khẩn trương làm hoặc điều chỉnh quy hoạch phù hợp để làm căn cứ cho các xã quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Việc quy hoạch phải gắn với đầu tư hạ tầng tương thích bảo đảm phát triển bền vững. Trên cơ sở định hướng đó, người dân sẽ yên tâm hơn khi đầu tư sản xuất.
Lãnh đạo đơn vị cũng kiến nghị với Chính phủ và Bộ NN&PTNT, tăng cường quản lý nhà nước với các vật tư đầu vào thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp, chống hàng giả, hàng nhái kém chất lượng; Đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, tham gia xây dựng những vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ, nhằm tạo ra liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với nông dân. Đây phải được coi là giải pháp có tính quyết định nhất để tăng thu nhập bền vững cho nông dân.
Tuy việc dồn điền đổi thửa có tiến triển tốt nhưng hiện tượng người dân bỏ ruộng vẫn diễn ra. Trong khi đó chính sách cụ thể tác động vào đối tượng người bỏ ruộng thì chưa phát huy tác dụng. Điều đáng nói, từ đó Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn không tiếp tục có những nghiên cứu, khảo sát vấn đề nông dân bỏ ruộng để có thêm kiến nghị xác thực. Ngay như Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đến nay vẫn chưa có đánh giá tổng thể về lĩnh vực này. Đối tượng trực tiếp bị ảnh hưởng là người nông dân vẫn loay hoay giữa bỏ một phần ruộng và tìm một công việc có thu nhập cao hơn, hoặc tiếp tục “ôm” ruộng để “ôm” nghèo...