Làm gì để thị trường xăng dầu hết nóng?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hàng loạt các hội thảo liên quan đến thị trường xăng dầu được tổ chức trong thời gian qua. Hàng loạt các câu hỏi cấp bách đã được gửi đi… với mục tiêu duy nhất, giảm nhiệt cho thị trường xăng dầu, đảm bảo chuỗi cung ứng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhận diện rõ căn nguyên đứt gãy để điều chỉnh

Theo ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc, chiết khấu vẫn là vấn đề nóng bỏng trong tình hình hiện nay vì doanh nghiệp bán lẻ (DNBL) gần như bỏ tiền túi ra để duy trì hoạt động do phải chịu chiết khấu dưới điểm hòa vốn. “Chúng tôi nghĩ tình trạng này chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn nhưng không ngờ đã kéo dài hơn 1 năm nay” - ông Tây chia sẻ.

Cũng theo ông Tây, tình hình tài chính của DNBL đang ở trạng thái suy kiệt, hoang mang. Một số DN đã sang nhượng ruộng vườn, đất cát, cầm cố tài sản để duy trì hoạt động kinh doanh phục vụ bình ổn thị trường theo mệnh lệnh hành chính của cơ quan chức năng. “Đây là một sự bức tử với chúng tôi” - ông Tây bức xúc. Đáng chú ý, theo ông Tây, sau khi cộng đồng DNBL lên tiếng, gửi đơn từ khiếu nại đi các nơi thì có chiết khấu ổn hơn dù giá xăng dầu thế giới vẫn tăng giảm, thị trường chưa có gì thay đổi.

“Do không quy định phân chia cụ thể định mức ở các khâu đầu mối - phân phối - bán lẻ nên khâu bán buôn đã gom hết phần định mức, chi phí về mình mà không chia sẻ cho bán lẻ. Tôi đề nghị Liên bộ nên thành lập 1 hội đồng để xử lý vấn đề phân chia chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức, xem DNBL được hưởng bao nhiêu %, để định hướng cụ thể trong nghị định sửa đổi. Chúng tôi cho rằng cần phải phân chia rõ ràng, cần phải dành cho DNBL khoảng 5-6% vì DNBL phải chi rất nhiều chi phí, lương nhân viên, đặc biệt các chứng chỉ và chi phí hao hụt xăng dầu đảm bảo để DNBL duy trì hoạt động trong mọi tình huống” - ông Tây kiến nghị.

Cùng ý kiến, ông Hoàng Trung Dũng - Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ đề nghị tìm hiểu ngọn nguồn căn nguyên của nguyên nhân đứt gãy thị trường xăng dầu. Ông Dũng nêu thực tế: “Khi có dự đoán giá xăng chuẩn bị đến kỳ điều hành là lập tức chiết khấu bị bóp nghẹt lại; Nếu giá tăng thì chiết khấu giảm dần. Cứ đến ngày điều chỉnh giá tăng thì hàng nghìn xe tec xếp hàng chờ lấy, có đợt chúng tôi xếp hàng 6 ngày không lấy được hàng dù đã chuyển tiền. Do đó cần phải làm thế nào để tránh tình trạng cục bộ. Chuyện đầu cơ, găm lại theo chu kỳ điều chỉnh của nhà nước là có thật bởi nếu giữ lại được hàng trong bồn thì giá tăng là có lãi nhiều”.

Ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Nai khẳng định: “Hậu quả của đứt gãy làm các DN điêu đứng là rõ ràng rồi; Chúng tôi cũng không khá hơn DNBL. Tôi cũng đã từng nói với DNBL rằng, “đúng là mình sắp không thể gồng gánh được nữa” nên rất mong chuyên gia kinh tế góp ý để DN được sống và hoạt động bởi giai đoạn thị trường vừa qua đúng là một bài học lịch sử về quản lý”.

Đáng chú ý, tại một hội thảo bàn về quản lý xăng dầu mới đây, ông Lê Văn Báu – Giám đốc Công ty Xăng dầu Bảo Dương đặt ra hàng loạt câu hỏi cho 2 vị Bộ trưởng Công Thương và Tài chính. Đây cũng chính là bức xúc kéo dài hàng năm nay của cộng đồng DNBL: “DNBL phải bỏ tiền túi ra để trả lương cho người lao động. Bộ trưởng có giải pháp nào cho trường hợp này hay không? DNBL lỗ vốn, không còn tiền tiếp tục kinh doanh, phải đóng cửa tạm thời. Có vi phạm pháp luật hay không? Kinh doanh không có thù lao tối thiểu thì bộ trưởng có làm được không”?

Chuyên gia hiến kế ổn định thị trường

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhận định, hiện nay, nhiều quy định nhà nước làm cho khái niệm kinh doanh tự do bị thu hẹp, trong khi phải mở ra cạnh tranh mới hiệu quả. Do đó, những quy định nhà nước hạn chế thị trường thì phải bỏ, phải thay đổi hệ thống cơ chế. “Đây là cơ hội tốt để đẩy nền kinh tế lên nấc cao hơn” – ông Thiên nói.

“Về giá, cần gắn với quy định trần giá, ảnh hưởng tới khái niệm chiết khấu, tạo ra vị thế độc quyền, nên có 1 số nhóm bị ảnh hưởng. Đã có giá trần còn giao cho DN đầu mối quyền định giá chiết khấu, nên làm thị trường xăng dầu vỡ. Đây là dịp để nhận diện, tháo gỡ thị trường, tạo cơ hội cho thị trường phát triển. Tôi ủng hộ giá sẽ cho doanh nghiệp quyết định, trước mắt có thể giai đoạn quá độ nào đó. Muốn xử lý được chuyện xăng dầu, quan niệm về ổn định vĩ mô phải được thay đổi” - ông Thiên thẳng thắn kiến nghị.

Ngoài ra, theo ông Thiên, Chính phủ có thể điều hành giá xăng dầu thông qua thuế. Giảm thuế thì giảm giá, có thể can thiệp ngắn hạn. Nếu xảy ra các cú sốc lớn như tăng giá mạnh thì có thể dùng quỹ dự trữ xăng dầu, không phải dùng tiền, bảo đảm nền kinh tế không bị sụp đổ. Đó là cách can thiệp giá và nguồn cung. Cùng với đó, cần bảo đảm điều kiện cạnh tranh, như điều kiện gia nhập và rút khỏi thị trường theo nghĩa thực của nó.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính nhận định, điều hành của Nhà nước vẫn át thị trường, trong khi đó Luật Giá không quy định việc Nhà nước điều hành giá, Nhà nước chỉ được bình ổn giá. “Chúng ta biến giá cơ sở thành tối đa. Chưa bao giờ có cạnh tranh. Chi phí định mức hiện đang cứng nhắc. Việc điều hành đang sai luật, nửa vời. Đề xuất sửa đổi, sắp xếp hệ thống lưu thông ở hệ thống ngang và ở hệ thống dọc. Năm 2022, hệ thống dọc đảm bảo được xăng dầu, cung ứng thường xuyên. Còn hệ thống ngang, được mua nhiều nguồn, cho mua bán tự do mới có thị trường, cạnh tranh” - ông Thỏa đề xuất.

TS Vũ Đình Ánh lại đánh giá, vấn đề lớn nhất của thị trường hiện nay là tạo ra sự đối đầu giữa đầu mối và phân phối - bán lẻ. Cốt lõi vấn đề thời gian qua là xung đột lợi ích. Vấn đề này phải khắc phục ngay dù sửa hay không sửa Nghị định 83, 95. “Thực tế cho thấy cơ quan quản lý đưa ra mức trần để các doanh nghiệp điều chỉnh cho phù hợp để cạnh tranh với nhau. Nhưng những năm qua, không ai cạnh tranh giá cả, mà nghiễm nhiên lấy mức trần làm giá bán. Quy định công khai rõ ràng về công thức xác định giá, tuy nhiên quy định vẫn đứng về phía doanh nghiệp đầu mối, chưa tính đến quyền của bên phân phối” - ông Ánh phân tích.

Do đó, theo ông Vũ Đình Ánh, các thương nhân phân phối không chỉ có quyền tiếp cận đầu mối, mà còn phải có quyền tiếp cận lẫn nhau. Tôi có cảm nghĩ chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến quyền của bên phân phối. “Chúng ta thấy tình trạng buồn là "đá bóng" cho nhau khiến phân phối chịu trận. Nhân dịp này, chúng ta yêu cầu sửa luôn cơ quan quản lý giá xăng dầu, cụ thể hơn là Bộ Tài chính chuyển về cho Bộ Công Thương. Tôi tin Bộ Công Thương sẽ có cách điều chỉnh giá nhịp nhàng, phù hợp hơn”.

Đọc thêm