Với sự hỗ trợ của Dự án sáng kiến rừng ngập mặn cho tương lai (MFF), mật ong, nấm của người dân địa phương được gắn logo, mang thương hiệu VQG Xuân Thủy.
Phục hồi nghề nuôi ngao quảng canh
Trải qua lịch sử gần 200 năm, vùng đất ngập nước ở cửa sông ven biển thuộc VQG Xuân Thuỷ hiện nay chứng kiến nhiều thay đổi cả theo chiều hướng tích cực cùng với những biến cố tiêu cực khác. Những năm 70 của thế kỷ XX, khi hệ thống rừng ngập mặn bị phá bỏ, vùng bãi bồi thuộc địa phận hai xã Giao Long và Giao Hải bị biển xâm lấn mạnh mẽ, làm mất đi phần lớn diện tích đất bãi bồi tương ứng với địa phận quản lý hành chính của hai xã này. Nghề nuôi hải sản ở huyện Xuân Thủy hình thành từ thập niên 80 của thế kỷ trước.
Năm 1986, UBND huyện Xuân Thuỷ triển khai đắp Đập Vọp ngăn Sông Vọp để lấy đường tiến công ra Cồn Ngạn, quai đắp bờ đầm nuôi trồng quảng canh các loài hải sản bản địa như: tôm rảo, cua bể và rong câu chỉ vàng. Phong trào làm đầm tôm cũng phát triển mạnh mẽ vào đầu những năm 90 khi có chủ trương xuất khẩu thuỷ sản sang các nước châu Âu và Đông Bắc Á.
Hàng ngàn ha rừng ngập mặn trên các bãi bồi ở Cồn Ngạn và Cồn Lu đã được chuyển đổi mục đích từ phòng hộ ven biển sang nuôi trồng thuỷ sản. Cùng lúc với việc nuôi tôm là phong trào ồ ạt nuôi ngao thương phẩm. Các hộ dân đã lấn chiếm đất vùng bãi bồi còn hoang hoá ở khu vực cuối cồn Lu và cồn Ngạn chuyển sang nuôi ngao quảng canh.
Đập Vọp lúc đầu đã giúp dân địa phương mở mang bờ cõi, tiến dần ra biển để nuôi trồng và khai thác nguồn lợi thuỷ sản. Tuy nhiên, do Đập Vọp tạo sự ngăn cách của hai nguồn nước: nước ngọt từ sông Hồng và nước mặn từ biển Giao Hải nên đã làm mất đi cân bằng sinh thái ở khu vực.
Phía đầu sông Hồng (đông Đập Vọp) vì quá ngọt nên lau sậy phát triển mạnh chỉ có các loài tôm, cá tạp ở hệ sinh thái ngọt lợ (có giá trị kinh tế thấp) thích ứng được. Phía tây Đập Vọp bị mặn hoá nên chỉ có loài hà thích ứng, phát triển mạnh, rừng ngập mặn bị lụi đi nhiều vì hà bám nên hiệu quả nuôi trồng thuỷ sản ở khu vực không cao.
Cò lạo di cư về Vườn vào cuối năm |
Năm 2002, Đập Vọp được thông bằng Cầu Vọp, đồng thời với việc mở hàng loạt kênh cấp thoát nước chạy dọc Cồn Ngạn, hệ thống nước được điều hoà hợp lý hơn. 2004 là năm được mùa ngao giống tự nhiên giúp cho cộng đồng địa phương có được nguồn thu nhập khá lớn (hàng trăm tỷ đồng từ sản phẩm ngao các loại).
Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây do việc canh tác bất hợp lý cộng với các yếu tố khách quan khác như: ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nghề nuôi trồng thuỷ sản nói chung ở khu vực bị suy giảm mạnh. Nhiều đầm tôm và vây vạng làm ăn kém hiệu quả, thất thu, bỏ đầm trống hoặc làm cầm chừng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nghề nuôi trồng thuỷ sản và an sinh xã hội ở khu vực.
Hiện nay, sau khi phục hồi lại rừng sú vẹt, nghề nuôi ngao quảng canh tại khu vực vùng đệm VQG Xuân Thủy phát triển mạnh. VQG Xuân Thủy có diện tích rừng là 15.100ha, trong đó có 7.100ha vùng lõi, 8.000ha vùng đệm, dân số vùng đệm dưới 50.000 người. Khoảng 500 hộ dân đã nhận khoán mặt nước để nuôi ngao trắng. Hiện diện tích mặt nước nuôi ngao là 1.500ha.
Là nơi cuối nguồn sông Hồng, hàng ngày phải hứng chịu các nguồn thải từ hệ thống các con sông đổ về như dư lượng thuốc trừ sâu từ nông nghiệp, các chất thải, hóa chất các khu công nghiệp, nước thải sinh hoạt… Tuy nhiên, do khả năng thanh lọc của rừng ngập mặn đáng ghi nhận nên dù nhiều nơi khác, người dân lao đao vì ngao chết hàng loạt do ô nhiễm môi trường thì vùng nuôi ngao ở Xuân Thủy vẫn đảm bảo.
Hai năm qua, việc nuôi trồng ổn định, sản lượng cao, thu nhập người dân ổn định. Việc nuôi ngao phát triển đã tạo sinh kế cho nhiều gia đình như lao động làm thuê, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nuôi trồng thủy sản như vây lưới, cọc tre, người buôn bán thủy hải sản, dịch vụ đi biển, dịch vụ du lịch.
Sản vật mang thương hiệu “VQG Xuân Thủy”
Anh Vũ Quốc Đạt - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế, VQG Xuân Thủy cho biết: “Rừng ngập mặn (RNM) có lịch sử hình thành khá phức tạp. Ban đầu chỉ là phong trào trồng vẹt (trang) tự phát để phòng hộ đê biển, sau đó địa phương đã nhận được các tài trợ nhỏ của Chính phủ và các tổ chức quốc tế. Hiện khu vực Cồn Lu và Cồn Ngạn có lịch sử hình thành khoảng trên 100 năm.
Hai cồn bãi này được người dân địa phương khai thác nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên với mục đích tự cấp tự túc là chính. Cồn Mờ (Cồn Xanh ngày nay) có lịch sử hình thành khoảng trên 20 năm. Rừng bảo tồn tốt nên tài nguyên thủy sản dưới tán rừng phát triển tốt.
Rừng đất ngập nước là hệ sinh thái rừng cố định phù sa, ngăn ngừa tác động của sóng biển và thiên tai. RNM còn là nơi ươm giống của nhiều loài thủy hải sản, nơi trú ngụ của các loài chim di cư, cung cấp thức ăn cho các loại chim đặc biệt là chim di cư”.
Rừng ngập mặn cửa Ba Lạt. Ảnh: VQG Xuân Thủy |
Khai thác thủy sản thủ công dưới tán rừng ngập mặn là lực lượng phụ nữ, cao điểm khoảng 500 người, thời tiết thuận lợi cho việc khai thác từ tháng 5-tháng 8. Các sản vật của rừng sú, vẹt VQG Xuân Thủy là ốc hương, cáy mật, hến, ngao đỏ, cua rèm, cá bống bớp. Người dân chủ yếu bắt ốc hương, cáy và hến.
Chị Đinh Thị Tươi (33 tuổi, ở xóm 21, xã Giao Thuận, huyện Giao Thủy) cho biết: “Tôi đi bắt cáy mật từ năm 16 tuổi, đến nay đã có thâm niên 20 năm. Nghề bắt đòi hỏi phải có kỹ năng riêng, gọi là có nghệ riêng, không phải ai cũng làm được vì con cáy rất nhanh. Khi thấy động nó tụt ngay vào lỗ. Việc đi bắt theo con nước, nước rút thì đi, nước lên thì về. Một tháng đi khoảng 20-25 ngày. Đi đêm thì tập hợp nhóm 2-3 người đi gần nhau.
Ở đây an ninh tốt, có biên phòng, công an, kiểm lâm, cán bộ quản lý bảo vệ VQG. Loại cáy con, bỏ không bắt, chúng tôi chỉ bắt loại trưởng thành từ 20-30 con/ kg, 4 con cáy đã nấu được một nồi canh. Ngày nhiều, ngày ít, trung bình mỗi ngày bắt khoảng 3 kg, lúc nhiều bắt được 5-7 kg. Giá cáy 90-100 nghìn đồng/kg nên thu nhập khoảng 300 nghìn đồng. Ngày bắt được nhiều, thu nhập từ 500-700 nghìn đồng.
Ở 3 xã vùng đệm, có nhiều phụ nữ tần tảo đã nuôi hai con học đại học bằng nghề bắt ốc, bắt cáy như bà Đinh Thị Nữ (xóm 17, xã Giao Thiện), bà Phạm Thị Phượng (xóm 20, xã Giao Thiện). Nghề bắt cáy chủ động về thời gian, không phải đi làm ăn xa, đi làm thuê, có điều kiện gần gũi, chăm sóc con cái, gia đình, làm ruộng, thu nhập ổn định ở mức khá.
Anh Vũ Quốc Đạt cho biết thêm: “VQG Xuân Thủy có 220 loài chim, trong đó có hơn 150 loài chim nước, hơn 50 loài chim di cư. Hiện Vườn đón lượng khách du lịch lớn trong và ngoài nước. Chim di cư về Vườn từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, nên người nước ngoài thường đến Vườn vào cuối năm khi chim di cư trở về để xem chim. Lượng khách du lịch nội địa đến vào mùa hè, đi xem hệ sinh thái đất ngập nước và thưởng thức những món ăn hải sản địa phương”.
Ông Nguyễn Viết Cách - Giám đốc VQG Xuân Thủy cho biết: “Tạo ra các sản phẩm bản địa như một cách để giảm tải áp lực khai thác đối với tài nguyên thiên nhiên VQG Xuân Thủy. Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Dự án sáng kiến rừng ngập mặn cho tương lai (MFF), Dự án Quảng bá thương hiệu cho sản phẩm địa phương với logo “VQG Xuân Thủy” đã chọn mật ong và nấm làm hai sản phẩm được dán nhãn để quảng bá rộng rãi. 42 nhà sản xuất và hộ gia đình địa phương đã tham gia vào việc tạo ra các sản phẩm được lựa chọn cũng như phát triển hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt. Nhờ sự quảng bá của VQG Xuân Thủy, giá của mật ong và nấm được dán nhãn, có logo “VQG Xuân Thủy” đã tăng 25%”.