Làm giàu từ lá trầu không

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dịp năm mới, khi nhu cầu thờ cúng của người dân tăng cao thì các hộ dân trồng trầu không ở Nghệ An lại tất bật cho mùa thu hoạch. Có những hộ, mỗi ngày thu về cả triệu đồng.
Làm giàu từ lá trầu không

Cây trầu không được trồng ở đất Nghi Ân, TP Vinh (Nghệ An) từ bao giờ, chẳng ai rõ. Chỉ nhớ rằng, từ xưa hầu như nhà nào cũng trồng dăm gốc trầu lấy lá để ăn và thờ cúng vào dịp lễ, Tết. Những năm gần đây, trầu không trở thành một loại cây trong phát triển kinh tế hộ gia đình.

Tuy nhiên, do đây là loại cây khó chăm sóc, dễ sâu bệnh, đặc biệt sau dịch COVID-19, thị trường nước ngoài “đóng băng” nên diện tích trồng trầu không thu hẹp. Hiện còn vài chục gia đình duy trì trồng loại cây dây leo này.

Với diện tích rộng khoảng 1.500m2, gia đình bà Nguyễn Thị Hoa (56 tuổi) được xem là một trong 3 hộ dân trồng trầu không nhiều nhất xã. Trung bình mỗi năm vườn trầu không cho gia đình bà thu nhập từ 200 đến 250 triệu đồng.

Bà Hoa chia sẻ, vườn trầu của gia đình đã có tuổi đời gần 30 năm. Tất cả lá trầu đều có giá trị kinh tế. Trầu lá đẹp thì bán phục vụ nhu cầu cúng bái của người dân, giá dao động 1.000-1.500 đồng/lá, có thời điểm lên tới 3.000 đồng/lá. Loại lá xấu thì bán cho các cơ sở chiết xuất tinh dầu, làm dược liệu với giá 28.000-30.000 đồng/kg. Lá trầu không được thu hoạch đều trong năm, mỗi tháng 2 lần vào dịp ngày Rằm và cuối tháng âm lịch. Tuy nhiên, vào dịp tháng 6, tháng 7, tháng 10 và Tết Nguyên đán, mức tiêu thụ tăng do nhu cầu về trầu cúng lễ, trầu cưới tăng cao.

Thời “vàng son” của lá trầu không Nghệ An là thời điểm việc xuất khẩu sang thị trường Đài Loan thuận lợi, khoảng năm 2015 - 2016. Với lá dày, to, mặt nhẵn bóng không tỳ vết, trầu không Nghi Ân được thương lái thu mua để xuất khẩu với giá ở giai đoạn cao điểm lên tới 180.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến thị trường này bị đóng cửa nên lá trầu không hiện chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa.

Trầu không được mệnh danh là loại cây trồng một lần, thu hoạch cả đời. Tuy nhiên, vì là loại cây “khó tính”, không chịu được hạn, lạnh, ngập úng và dễ nhiễm nấm, do đó việc trồng, chăm sóc và thu hoạch đều tỉ mỉ, kỳ công. Thường mỗi gia đình sẽ giữ cho mình một bí quyết riêng trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Trong đó, phải chú trọng phòng ngừa nấm bệnh, nhiệt độ cho cây. Đặc biệt, với cây trầu, không được sử dụng phân chuồng chưa ủ hoai mục để bón.

Ông Phạm Hồng Thái, chủ hộ trồng trầu nhiều bậc nhất xã Nghi Ân cho hay, loại cây này nếu nhiễm nấm thì chỉ có cách nhổ, vứt bỏ để tránh lây sang các cây khác. Bởi vậy, người trồng trầu thường giãn khoảng cách giữa các hàng cây để vừa có không gian cho cây ra lá, đảm bảo chất lượng, số lượng, vừa tránh lây lan bệnh tật. Nhiệt độ lý tưởng cho sự sinh trưởng, phát triển của cây trầu không là 20-30 độ C. Bởi vậy, ông Thái đã trồng trầu trong nhà lưới, tưới nước hoặc phủ lá khô dưới gốc để điều chỉnh nhiệt độ cho cây tùy theo mùa, vừa cung cấp dưỡng chất và chống xói mòn cho gốc.

Theo các hộ dân, dịp ra Tết Nguyên đán, đặc biệt là Rằm tháng Giêng là cao điểm của mặt hàng này, khi người dân đi cúng bái, lễ chùa đông. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, gia đình các chủ vườn trầu không đều tất bật hái lá, rửa, xếp trầu để giao cho khách. Do đó, mỗi ngày họ có thể thu tiền triệu từ loại lá này.

Đọc thêm