Lạm phát thấp có giảm lãi suất và tăng giá hàng ?

(PLO) - Tại một báo cáo phân tích, đánh giá kinh tế Việt Nam mới được phát hành hôm  3/3, Ngân hàng HSBC tại Việt Nam đã dự báo lạm phát  ở Việt Nam chỉ tăng 1% trong 5 tháng tới và mức tăng của cả năm cũng chỉ 2,8%.
Từ 16/3 sẽ tăng giá điện. Ảnh minh họa
Từ 16/3 sẽ tăng giá điện. Ảnh minh họa
Báo cáo triển vọng kinh tế 2015 do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC)  công bố trước đó cũng dự báo lạm phát năm nay chỉ đạt khoảng 3%, thấp hơn  nhiều so với mục tiêu lạm phát 5% mà Nghị quyết của Quốc hội đặt ra cho năm 2015.
Lạm phát tăng thấp
Theo NFSC, lạm  phát  cơ  bản  (dựa  trên  CPI  so với  cùng  kỳ  loại  trừ  giá  lương  thực,  thực phẩm,  giá  hàng  hóa  cơ  bản  và  dịch  vụ công) đã giảm xuống 2,6% sau 4 tháng  (từ  tháng 9 đến tháng 12/2014)  ổn định quanh mức  3%. Kết  quả  này  cùng  với  việc  lạm phát cơ bản bình quân các năm qua giảm mạnh, NFSC nhận  định  lạm  phát cơ bản năm 2015 sẽ ở mức khoảng 3%. 
“Trong  điều  kiện  các  yếu  tố  khác không đổi,  NFSC  dự báo việc giảm giá dầu thô năm 2015 sẽ tác động làm CPI bình  quân  năm  2015  giảm  khoảng  1,1 điểm phần trăm so với lạm phát bình quân năm 2014 và đạt khoảng 3%”- Báo cáo của NFSC viết.
Các chuyên gia của HSBC trong báo cáo của mình cũng nhận định rằng, nhu cầu trong nước đang phục hồi, mặc dù với tốc độ từ từ. Đáng chú ý, theo HSBC, lạm phát đã tăng chậm hơn ở mức 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng này đưa ra dự báo lạm phát toàn phần sẽ duy trì ở mức dưới 1% trong 5 tháng tới trước khi đạt mức tăng 2,8% so với năm ngoái vào cuối năm 2015.
Cơ hội cho nhà điều hành
Với dự báo CPI năm 2015 tiếp tục đà suy giảm với CPI bình quân và CPI lõi ở mức 3% trong năm 2015, NFSC cho rằng đây là cơ hội để Chính phủ và các cơ quan, ban ngành xem xét điều chỉnh giá của một số mặt hàng mà không tạo biến động lớn trên thị trường và nền kinh tế. Mặt khác, NFSC cũng cho rằng, giá xăng dầu giảm là cơ hội giảm chi phí vận tải (là chi phí đầu vào quan trọng); việc sớm giảm chi phí vận tải  có tác dụng lan tỏa tốt trong nền kinh tế đối với cả sản xuất và tiêu dùng.  
Còn HSBC lại tính đến khả năng Ngân hàng Nhà nước có thêm đợt cắt giảm lãi suất với mức giảm 0,5% và thời điểm “có thể ngay trong tuần này”. Theo tính toán của HSBC, cơ quan điều hành có thể giảm lãi suất thị trường mở (OMO) thêm 0,5%, về 4,5% để giảm bớt chi phí vốn, tạo ra các điều kiện tín dụng nới lỏng hơn. “Nếu Ngân hàng Nhà nước cắt giảm thêm lãi suất, điều đó sẽ không thúc đẩy áp lực lạm phát đáng kể khi sản lượng vẫn còn dưới mức tiềm năng”- báo cáo phân tích.
Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước vẫn không giảm lãi suất, HSBC cho rằng có thể do ngân hàng trung ương đang điều hành thận trọng vì giá dầu đang khá bấp bênh. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khuynh hướng tăng lãi suất trong năm nay. Thêm nữa là nhu cầu trở nên ổn định và nửa năm sau 2015 sẽ có các hiệu ứng giá cả không thuận lợi chờ đợi. Tuy nhiên, các chuyên gia HSBC vẫn kỳ vọng động thái trên có thể được thực hiện ngay trong tuần này.
Không dễ…?
Trao đổi với PLVN, TS.Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, lãi suất giảm là điều rất cần cho doanh nghiệp, nhưng dư địa thực tế không nhiều, và đây cũng là nút thắt với nền kinh tế. 
“Theo tôi, hạ lãi suất khó có thể diễn ra trên diện rộng mà chỉ thông qua vận động một số ngân hàng thực hiện và đối với một số đối tượng vay vốn, khó có thể căng đều việc hạ lãi suất cho tất cả. Để hạ lãi suất cũng cần có các biện pháp hỗ trợ như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với tiền gửi VND cho các ngân hàng thực hiện hạ lãi suất. Như vậy, tùy theo trường hợp cụ thể thì vẫn có dư địa…” - ông Cung phân tích.
Còn đề xuất tăng giá điện của Tập đoàn Điện tực Việt Nam (EVN), tại cuộc họp báo Chính phủ mới đây, chính Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết đã có đầy đủ những điều kiện để có thể điều chỉnh giá điện vào thời điểm trước Tết, nhưng xét đến việc có thể ảnh hưởng tâm lý người dân và doanh nghiệp nên Thủ tướng chỉ đạo không tăng giá điện. 
Còn sau Tết, theo đề xuất của EVN, tùy theo thẩm quyền, nếu tăng từ 7-10%, Bộ Công Thương sẽ xem xét và quyết định, báo cáo Thủ tướng trong tháng 3/2015; còn nếu trên 10% thì EVN trước tiên sẽ báo cáo Bộ Tài chính, khi có ý kiến của EVN và Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét.
Trước thắc mắc giá điện không giảm khi giá dầu đã giảm mạnh, đại diện Bộ Công Thương cho rằng điện sản xuất qua xăng dầu chỉ chiếm  0,55% sản lượng điện nên giá dầu trên thế giới giảm không tác động đến yếu tố cấu thành giá điện, trong khi có nhiều yếu tố làm ảnh hưởng đến giá điện tăng như giá than, giá khí, thuế tài nguyên…, thậm chí tỷ lệ hao tổn điện năng vẫn rất lớn.
Việc tăng giá điện chỉ còn là thời gian và theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, việc tăng giá lần này thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Công Thương vì các phương án đề nghị điều chỉnh giá điện của EVN lần này nằm trong phạm vi từ 7% đến dưới 10%. 
Trước diễn biến giá dầu trên thế giới và có nhiều dự báo cho rằng giá xăng dầu trong nước sẽ điều chỉnh tăng, tuy nhiên theo các chuyên gia, điều này cũng “không vấn đề” vì giá xăng dầu đã liên tục giảm sâu trong thời gian qua.
“Việc tăng giá các mặt hàng đầu vào của sản xuất, dẫu không ảnh hưởng đến chỉ số lạm phát nhưng dù sao cũng sẽ tác động đến doanh nghiệp. Quan trọng với các nhà điều hành là tăng bao nhiêu, tăng như thế nào và tăng vào thời điểm nào để không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…”- một chuyên gia khuyến cáo.

Đọc thêm