Tuy nhiên, mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% vào năm theo chỉ đạo của Chính phủ là không đơn giản. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có giải pháp gì để thực hiện được mục tiêu này? Câu trả lời sẽ được Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng chia sẻ dưới đây.
Thưa bà, dường như vẫn còn các con số khác nhau về nợ xấu và không phải không có lý do để dư luận nghi ngại về tính xác thực của các con số này?
- Trước hết, phải nói rằng các số liệu về tiền tệ, tín dụng là những con số thay đổi hàng ngày, thậm chí hàng giờ vì trên thực tế hệ thống ngân hàng là trung gian tài chính, một bên nhận tiền gửi của doanh nghiệp (DN) và người dân, một bên lại cho DN và người dân vay. Con số nợ xấu cũng vậy, nó phát sinh hàng ngày nên các số liệu công bố và các thời điểm khác nhau là khác nhau.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng |
Số liệu nợ xấu do TCTD báo cáo thường theo số liệu nợ xấu phân theo số ngày quá hạn, một số TCTD đánh giá trên cơ sở kết hợp với đánh giá định tính về khả năng trả nợ của khách hàng. Trên thực tế, cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng có đánh giá nợ xấu trên cơ sở khắt khe và chặt chẽ hơn, chẳng hạn nếu một khách hàng vay ở nhiều ngân hàng mà có một khoản vay tại một ngân hàng bị quá hạn thì tất cả các khoản vay ở các ngân hàng còn lại cũng sẽ được tính vào nợ xấu...
Như vậy, số liệu nợ xấu theo kết quả giám sát của NHNN thường cao hơn số liệu nợ xấu theo báo cáo của các TCTD và được NHNN sử dụng trong công tác quản lý, giám sát hoạt động ngân hàng. Rõ ràng có thêm số liệu của cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng là một công cụ hỗ trợ tích cực hơn cho quá trình đánh giá và xử lý nợ xấu.
Trong quá trình xây dựng đề án xử lý nợ xấu hệ thống TCTD, NHNN đã báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đầy đủ tình hình nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, thời gian qua, NHNN thường xuyên báo cáo Thủ tướng, Quốc hội và các cơ quan chức năng có thẩm quyền số liệu nợ xấu theo báo cáo của TCTD và số liệu nợ xấu qua giám sát của NHNN cũng như tình hình, tiến độ xử lý.
Tuy nhiên, với quy định mới chặt chẽ hơn về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro được áp dụng từ ngày 01/6/2014 cùng việc tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của NHNN thì số liệu nợ xấu do các TCTD báo cáo đã phản ánh chính xác, minh bạch hơn chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng và chênh lệch giữa số giám sát của NHNN với số liệu báo cáo của TCTD được thu hẹp dần.
Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai các giải pháp gì để đạt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2015 về dưới 3%, thưa bà?
- Để đạt được mục tiêu tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2015 ở mức khoảng 3% tổng dư nợ cho vay của hệ thống các TCTD, thời gian tới, NHNN tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các TCTD theo hướng: Tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu, nhất là quy định về mua, bán, xử lý nợ, tài sản bảo đảm, trách nhiệm của người đi vay và quyền hạn của chủ nợ; hoàn thiện chức năng, tăng cường tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực, phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), trong đó có việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường; phát triển mạnh thị trường mua bán nợ, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua bán nợ xấu; yêu cầu các TCTD công khai, minh bạch về nợ xấu và kết quả xử lý, thực hiện các giải pháp kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu gia tăng; tăng cường thanh tra, giám sát về nợ xấu, chất lượng tín dụng và việc thực hiện quy định pháp luật về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro; tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong xử lý các vấn đề liên quan và hỗ trợ tổ chức tín dụng, VAMC trong xử lý nợ xấu, nhất là hoàn thiện hồ sơ pháp lý, thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm.
Đồng thời với các giải pháp nêu trên, việc tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu DN nhà nước, tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường là những điều kiện rất quan trọng để thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn khoảng 3%...
Xin cám ơn bà!