Lạm phát thấp không hẳn là điều đáng mừng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Diễn biến giá cả 6 tháng đầu năm 2021 cho thẩy khả năng kiểm soát chỉ số giá (CPI) cả năm dưới 4% như mục tiêu đề ra là trong tầm tay. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, tình trạng lạm phát thấp do tổng cầu yếu hiện nay không hẳn là điều đáng mừng….
Nhiều nhận định cho thấy mực tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm nay là trong tầm tay.
Nhiều nhận định cho thấy mực tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm nay là trong tầm tay.

CPI cả năm dưới 3% ?

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), CPI 6 tháng đầu năm nay tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong các năm từ 2016 đến nay. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm chỉ tăng 0,87% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Tại Hội thảo “Diễn biến thị trường giá cả Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2021” do Học viện Tài chính tổ chức sáng nay (2/7), TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính phân tích: CPI tháng 6/2021 tăng 0,19% so với tháng trước và tăng 1,62% so với tháng 12/2020. Như vậy trong vòng 6 tháng qua, CPI tăng trung bình khoảng 0,27%/tháng.

“Nếu tốc độ này được duy trì trong thời gian còn lại của năm. Lạm phát so với cùng kỳ năm trước sẽ tăng từ mức 2,41% hiện nay lên mức 3,28% vào tháng 12/2021, đồng thời lạm phát trung bình của năm 2021 sẽ ở mức 2,12%. Còn trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh và CPI giả định tăng trung bình 0,5%/tháng thời gian tới, lạm phát so với cùng kỳ của tháng 12/2020 sẽ ở mức 4,71%, nhưng lạm phát trung bình cũng chỉ ở mức 2,53%” - Chuyên gia này nhận định.

Với những giả định trên, TS Nguyễn Đức Độ cho biết ông tiếp tục duy trì dự báo đã đưa ra từ đầu năm là lạm phát trung bình trong năm 2021 sẽ chỉ vào khoảng 2% và chắc chắn sẽ dưới mức 3%, bất chấp giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu trên thế giới tiếp tục tăng mạnh.

Sau khi dẫn một loạt nhân tố làm tăng và kiềm chế tốc độ tăng của CPI 6 tháng cuối năm Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, PGS.TS Nguyễn Bá Minh cùng đưa ra dự báo CPI của Việt Nam bình quân năm 2021 so với năm 2020 sẽ tăng ở mức 2,5% (+-0,3%).

Không đưa ra con số dự báo cụ thể, đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, về mặt “con số” thì rủi ro lạm phát trong năm 2021 là không lớn. Theo ước, CPI mỗi tháng cuối năm còn dư địa trên 1% để đảm bảo bảo mục tiêu kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra…

80% vui, 20% lo…

Nhìn vào CPI 6 tháng đầu năm 2021, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chia sẻ, con số đó chỉ vui 80% còn 20% là lo.

“Ở Việt Nam có những mặt hàng có giá vô lý. Thịt lợn là một ví dụ. Cớ thời điểm giá thịt lợn tại chuồng xuống 60- 65 nghìn đồng/kg, nhưng giá thịt trong siêu thị vẫn rất cao…” - Nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nói và ông dẫn chứng giá 1 kg sườn non ở một siêu thị có giá hơn 287.000 đồng trong khi ở ngoài chỉ có 160.000 đồng.

“Đây là sự thất bại tạm thời của hệ thông phân phối. Người chăn nuôi, trồng trọt không được hưởng lợi, giá bán ra quá thấp, thậm chí vứt cho trâu bò ăn, trong khi người têu dùng ở thành phố phải bỏ chi phí khá cao…” - ông Phú nói.

Thậm chí, theo chuyên gia này có những nhà sản xuất chỉ thay đổi sản phẩm một chút và đưa ra mức giá mới nhưng thực chất là tăng giá mà cả người tiêu dùng thông thái cùng không biết, TCTK cũng không biết. “Do đó, con số của TCTK đưa ra chỉ đúng khoảng 60- 70%!” - Chuyên gia này thẳng thắn nhận định.

Hay như do dịch COVID-19, việc bán hàng online tăng mạnh nhưng hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Một số sàn thương mại điện tử như Ladaza, Shopee…. còn không cho khách hàng kiểm tra hàng trước khi thanh toán.

“Các trang này thông báo công khai. Như thế là vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng Bộ Công Thương cũng không có ý kiến gì…” - ông Phú phản ánh.

Theo nhận định của chuyên gia này, 6 tháng cuối năm khả năng CPI sẽ không tăng cao vì thực tế giá nhiều mặt hàng đã tăng cao rồi. “Như thế có thể yên tâm đạt được theo đúng mục tiêu kiểm soát CPI dưới 4%” - ông Phú nói, song vẫn chưa hết băn khoăn về hệ thống phân phối “1 kg thịt lợn qua 5 cầu, 1 viên thuốc qua 7 cầu”, mà “mỗi cầu chỉ chiết khấu 10% thì thôi rồi…” - lời ông Phú.

Phân tích thực trạng lạm phát thấp hiện nay và cả năm 2021, TS Nguyễn Đức Độ cho rằng có nguyên nhân chính là do cầu tiêu dùng trong nước rất yếu.

Dẫn số liệu của TCTK, chuyên gia này cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 3,55% sơ với cùng kỳ năm trước sau khi loại trừ yếu tố giá, tức là thấp hơn đáng kể mức tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế là 5,64%.

Hơn nữa, chỉ số này của năm 2020 đã giảm tới 5,77% so với cùng kỳ năm 2019, nên có thể suy ra là tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn còn thấp hơn giá trị tuyệt đối so với mức của năm 2019, tức là đã giảm trong 2 năm qua.

“Các con số này cho thấy sự tác động tiêu cực của dịch COVID-19 tới thu nhập, đời sống của người dân là rất lớn!” - TS Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh.

Chuyên gia này cũng phân tích thêm: Lạm phát cơ bản thấp cũng với sự sụt giảm của giá thực phẩm đã cân bằng hết tất cả các tác động của giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng trong thời gian qua.

“Như vậy, tổng cầu chủ yếu do COVID-19 là nguyên nhân cơ bản giữ cho lạm phát tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp trong bối cảnh giá các hàng hóa cơ bản trên thế giới tăng cao. Mục tiêu kiềm chế lạm phát trung bình ở mức dưới 4% trong năm 2021 chắc chắn sẽ đạt được. Mặc dù vậy, tình trạng lạm phát thấp do tổng cầu yếu hiện nay không hẳn là điều đáng mừng…” - Chuyên gia này phát biểu.

Đọc thêm