Làm rõ đặc thù dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp

(PLVN) -Sáng 18/6, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã chủ trì Hội đồng nghiệm thu đề án khoa học: “Xây dựng tiêu chí, mô hình, quy trình và phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp”. Đề án do T.S Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện.
Làm rõ đặc thù dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp

Phát biểu tại Hội đồng nghiệm thu, T.S Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết đề án được thực hiện trong 2 năm với 14 chuyên đề, 2 bài báo, 1 báo cáo khảo sát. Nội dung đề án đặt ra 4 nhiệm vụ là xây dựng tiêu chí đo lường, xây dựng mô hình đo lường, qui trình đo lường và phương pháp đo lường. 

Theo đó, nhóm nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chí đo lường trên cơ sở 5 yếu tố cơ bản của quá trình cung ứng dịch vụ công và gắn với dịch vụ công đặc thù của Bộ Tư pháp. Cụ thể đề xuất 92 tiêu chí đo lường sự hài lòng, trong đó có 70 tiêu chí đề xuất mới và 22 tiêu chí đo lường theo Đề án của Bộ Nội vụ và 9 tiêu chí bổ trợ khác. Trên cơ sở 101 tiêu chí, nhóm nghiên cứu xây dựng Ngân hàng câu hỏi để đánh giá sự hài lòng.

Về mô hình, nhóm nghiên cứu xác định với dịch vụ công do Bộ tư pháp trực tiếp giải quyết, thời gian thực hiện là đo lường thường xuyên qua Cổng dịch vụ công của Bộ tư pháp. Với dịch vụ công do Bộ Tư pháp quản lý nhưng không trực tiếp giải quyết, việc đo lường tập trung vào các tiêu chí để thực hiện vai trò của Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý nhà nước, tham mưu xây dựng chính sách. Việc này được thực hiện hàng năm và định kỳ khảo sát lại để kiểm chứng những cải thiện trong cung cấp dịch vụ công. 

Theo Đề án, trên cơ sở đề xuất của Nhóm nghiên cứu về tiêu chí, mô hình, qui trình và phương pháp đo lường, cần sớm nghiên cứu, tham mưu trình Lãnh đạo Bộ ban hành Đề án. Việc đo lường cần thực hiện định kỳ hàng năm để thúc đẩy các cơ quan nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ công, chất lượng phục vụ người dân, đặc biệt đảm bảo yêu cầu cải cách hành chính của Chính phủ là trên 80% người dân, tổ chức hài lòng vào năm 2020. 

 

Phản biện tại hội đồng, T.S Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý cho rằng về tổng quan, triển khai Đề án này rất phù hợp trong điều kiện hiện nay. Xu hướng chung của thế giới là hướng tới đo lường sự hài lòng với Thủ tục hành chính đặt ra. T.S Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm lý lịch Tư pháp quốc gia cũng đánh giá căn cứ nêu ra trong Đề án hết sức xác đáng. 

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Bổ trợ Tư pháp nhận định công trình được nghiên cứu bài bản cả về lý luận và số lượng... Hầu hết thành viên Hội đồng nghiệm thu đều ghi nhận, đánh giá cao nội dung, cấu trúc của Đề án khoa học. Ngoài ra, TS Chu Thị Hoa, Viện Khoa học pháp lý cho rằng đề án đưa ra đặc thù của dịch vụ công của ngành Tư pháp, một số dịch vụ công còn gắn với qui trình tố tụng nên đề nghị cần nghiêm túc, cẩn trọng hơn so với các dịch vụ công khác. 

 

Sau khi nghe các ý kiến phản biện, nhận xét của Ủy viên Hội đồng…, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng Ban chủ nhiệm đề tài đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ được giao, đề cương được phê duyệt, quá trình thực hiện Dự án nghiêm túc. Chất lượng nghiên cứu nhìn đã đáp ứng được yêu cầu theo quy định. Quá trình nghiên cứu để xây dựng Đề án, Ban chủ nhiệm đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu phù hợp, huy động được lực lượng cán bộ tham gia nghiên cứu đông đảo. 

Thứ trưởng chũng chỉ ra những ưu điểm của Đề án, đặc biệt là các đề xuất giải pháp thực hiện Đề án, kiến nghị cụ thể. Kết quả nghiên cứu của đề án với tính chất là một công trình xây dựng khoa học, thể hiện hoạt động nghiên cứu công phu nghiêm túc của Nhóm nghiên cứu... 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua ý kiến của phản biện, của Hội đồng, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị Ban chủ nhiệm tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện một số nội dung: Phương pháp, tiêu chí, mô hình, quy trình đo lường sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp. “Cần làm rõ tính đặc thù của các dịch vụ công, từ đó có những đề xuất, cách thực hiện phương pháp tổ chức thực hiện. Việc chúng ta áp dụng kết quả nghiên cứu này với Bộ Tư pháp và các Bộ ngành khác có khác nhau gì khác không?. Báo cáo cần chỉ rõ”, Thứ trưởng Tịnh nói. 

Đọc thêm