Làm rõ giải pháp, lộ trình thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế

(PLVN) - Đây là ý kiến được đưa ra tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” với Chính phủ diễn ra cuối tuần qua.
Hình ảnh tại cuộc làm việc. (Ảnh: MT)
Hình ảnh tại cuộc làm việc. (Ảnh: MT)

Theo Báo cáo của Chính phủ, tính đến thời điểm ngày 31/12/2023, tổng số lượng đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) của các cơ quan Trung ương và địa phương là 47.596, giảm 846 đơn vị, tương ứng giảm 1,75% so với năm 2021. Về quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giai đoạn 2015 - 2021, tổng biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2021 giảm 11,67% so với năm 2015. Đội ngũ viên chức sau khi sắp xếp, tinh giản biên chế đã yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Giai đoạn 2022 - 2026, thực hiện số biên chế sự nghiệp theo Kết luận số 40-KL/TW, số biên chế sự nghiệp do Chính phủ quản lý đã giảm 14,84% so với số biên chế giao năm 2021; thấp hơn 5.791 biên chế so với số Bộ Chính trị đã phê duyệt. Số lượng cấp phó cơ bản đã đáp ứng tiêu chí quy định và giảm theo lộ trình đối với các ĐVSNCL có sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập.

Tuy nhiên, giai đoạn 2018 - 2021, việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL hầu hết là do sáp nhập, hợp nhất cơ học các ĐVSNCL thuộc các ngành, lĩnh vực để giảm số lượng đầu mối, dẫn đến chưa thực sự có sự thay đổi về cơ chế hoạt động và chất lượng dịch vụ cung ứng. Một số nơi sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn máy móc, cào bằng, chưa thực sự gắn với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.

Thảo luận tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát nêu rõ, Nghị quyết số 19-NQ/TW đề ra mục tiêu đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% ĐVSNCL so với năm 2021; giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021 và 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ làm rõ giải pháp, lộ trình của Chính phủ để bảo đảm thực hiện các mục tiêu theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW, đặc biệt là đối với việc giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong bối cảnh biên chế sự nghiệp giáo dục vẫn được Bộ Chính trị tăng cho giai đoạn 2022 - 2026 và kết quả chuyển đổi đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần còn đạt thấp trong giai đoạn hiện nay.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định nêu rõ, quá trình giám sát vừa qua cho thấy, mặc dù có khó khăn, nhất là tác động bất lợi của đại dịch COVID-19 kéo dài từ năm 2019 đến nay nhưng kết quả đạt được là tích cực. Các ĐVSNCL được sắp xếp, tổ chức lại, tinh giản đầu mối và biên chế, tăng tính tự chủ, công khai, minh bạch; phát huy được vai trò chủ đạo, nâng cao chất lượng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của Nhân dân trong cả nước. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch QH nhìn nhận, công việc vẫn còn một số hạn chế nhất định.

Phó Chủ tịch QH đề nghị Thường trực Đoàn giám sát tiếp thu đầy đủ ý kiến tại cuộc làm việc, hoàn thiện dự thảo Báo cáo và dự thảo Nghị quyết, trong đó chú ý đánh giá đúng kết quả, tồn tại, nguyên nhân một cách thực tế, khách quan, trung thực; tiếp tục rà soát các công việc phải làm, các văn bản phải ban hành phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đọc thêm