Làm rõ những 'góc khuất' tố tụng 2 vụ án chấn động dư luận

(PLVN) - Những phát hiện mới đây của các chuyên gia Bộ Y tế về thiết bị lọc thận ở vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình đã gây xôn xao dư luận xã hội và không ít ý kiến đề nghị phải giám đốc thẩm vụ án này.
ảnh minh họa
ảnh minh họa

Rất công phu và trách nhiệm, các chuyên gia kỹ thuật Viện Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế đã tìm kiếm, phục chế thiết bị của hệ thống lọc thận nhân tạo tại BVĐK Hòa Bình (một tang vật của vụ án đã bị bán sắt vụn) và thực nghiệm lại toàn bộ quá trình chạy máy. Thực nghiệm này đã cho kết quả hoàn toàn khác với nguyên nhân gây ra cái chết của 8 bệnh nhân mà cơ quan điều tra đã kết luận: Do 3 van bị hỏng đồng thời khiến chất lượng nước bị nhiễm đa chất chứ không phải tồn dư hóa chất như chứng cứ đã buộc tội các bị cáo trong vụ án này.

Đáng chú ý là việc van hỏng là nguyên nhân gây ra những cái chết của bệnh nhân đã được các luật sư nêu lên tại phiên tòa yêu cầu xem xét nhưng ý kiến này đã không được những người tiến hành tố tụng của tỉnh Hòa Bình chấp nhận. Phát hiện mới này của các nhà khoa học ngành Y có thể làm thay đổi toàn bộ chứng cứ buộc tội đã dựa trên kết luận của cơ quan điều tra.

Tại một diễn biến khác mà dư luận cũng hết sức quan tâm là vụ án buôn lậu thuốc ung thư giả xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma vừa được Viện KSND TP HCM chuyển hồ sơ sang Tòa án để xét xử sơ thẩm lại từ đầu. Đáng chú ý là tình tiết chạy án bằng tiền “hoa hồng” hơn 10 tỷ đồng qua các phiên xử trước đây chỉ kết tội các bị cáo đưa hối lộ mà không truy cứu người nhận hối lộ là không công bằng và đây rõ ràng là một “lỗ hổng” của tố tụng khi bỏ lọt tội phạm.

Việc này không thể phục dựng chứng cứ như vụ án chạy thận ở Hòa Bình nhưng nhân chứng, vật chứng có đủ (số tiền hối lộ hơn 10 tỷ đồng đã sung công), hoàn toàn có thể “phục dựng” theo lô gic thông thường: Có người đưa ắt phải có người nhận.

Các “lỗ hổng”, “góc khuất” trong hoạt động tố tụng có thể lấp kín, làm sáng tỏ nếu người có trách nhiệm quan tâm, công tâm và kiên tâm theo đuổi đến cùng sự việc. Điều này góp phần quan trọng trong việc tìm ra và làm sáng tỏ các chứng cứ của vụ án, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, hiện thực hóa nguyên tắc “xử đúng người, đúng tội” và “không xử sai kẻ gian, không làm oan người ngay” đồng thời không để “lọt người, lọt tội”. Đó cũng là mục tiêu mà cải cách tư pháp hướng tới! 

Đọc thêm