Thúc đẩy người lao động phi chính thức tham gia đóng bảo hiểm - là nội dung chính của tọa đàm chủ đề “Giảm nguy cơ “lọt lưới an sinh” do Báo Kinh tế & Đô thị cùng Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án An sinh Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 23/4. Tọa đàm trong khuôn khổ chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” nhằm nêu ra các vấn đề cơ bản về quyền lợi cho người lao động chính thức, phi chính thức và nữ lao động.
|
Tọa đàm chủ đề “Giảm nguy cơ “lọt lưới an sinh”. Ảnh PV |
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay cả nước có tổng số hơn 33 triệu lao động phi chính thức, trong đó chỉ 0,2% được đóng bảo hiểm bắt buộc, 1,9% đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, còn lại 97,9% không tham gia loại bảo hiểm nào, dẫn đến tình trạng “lọt lưới an sinh” ở phần không nhỏ người lao động. Điều đó đồng nghĩa với việc họ phải chịu rất nhiều thiệt thòi vì không được bảo vệ đầy đủ với hệ thống pháp luật về lao động. Trong khi đó, những người lao động phi chính thức chiếm một vị trí rất quan trọng trong việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế.
Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ông Đỗ Ngọc Thọ nhận định thu nhập của người dân Việt Nam còn thấp, nhiều người lao động chưa hiểu hết ý nghĩa, giá trị của việc tham gia BHXH tự nguyện. Trong khi đó, trong thời đại nền kinh tế tự do ngày càng phát triển mạnh mẽ, người lao động tự do ngày càng nhiều, đa dạng các ngành nghề khác nhau như shipper công nghệ, bán hàng online, bán hàng rong, thu gom rác tự do, freelancer..., BHXH sẽ trở thành một một sự hỗ trợ thu nhập cho người lao động khi họ bị giảm, mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào Quỹ BHXH
Mặc dù Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ cho người lao động phi chính thức từ năm 2018, tuy nhiên số lượng người tham gia đóng bảo hiểm vẫn còn hạn chế. Các chuyên gia trong buổi tọa đàm đã đưa ra rất nhiều nguyên nhân khiến người lao động tự do chần chừ tham gia BHXH như: Thu nhập cá nhân, chính sách BHXH chưa thật sự hấp dẫn, lợi nhuận của các doanh nghiệp..., cũng như đề cập một số giải pháp để thu hút người lao động phi chính thức tham gia an sinh xã hội, đảm bảo quyền lợi về lâu về dài.
Theo đó, điều đầu tiên, phải tạo sự hấp dẫn, đảm bảo chính sách an sinh, bảo hiểm, trợ cấp cho người yếu thế, người lao động phi chính thức cần hấp dẫn hơn. Thứ hai, trách nhiệm của doanh nghiệp, cần tuân thủ luật tham gia BHXH. Thứ ba, tạo công ăn việc làm, nâng cao tay nghề cho người lao động. Đặc biệt, các gói bảo hiểm ngắn hạn cần được dần dần thực hiện để đáp ứng kịp thời nhu cầu hiện tại của người lao động phi chính thức.
Cuối cùng, cần phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm an sinh, xã hội cho người lao động phi chính thức để đảm bảo công bằng, bình đẳng cho mỗi cá nhân.