Khoảng cách giàu – nghèo ngày càng lớn
Trong những năm gần đây, thu nhập trung bình tăng và số người nghèo giảm đều và rõ rệt. Gần 30 triệu người đã vượt chuẩn nghèo chính thức từ thập niên 1990 và chỉ số phát triển con người của Việt Nam tăng đáng kể. Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp vào năm 2009 và cũng đạt hầu hết các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Tuy vậy, bất bình đẳng về kinh tế lại đang tăng. Mức độ thay đổi khoảng cách giàu nghèo trong xã hội giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất khá lớn.
Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam tăng trong hai thập kỷ qua và đáng chú ý là số người giàu đang chiếm phần lớn thu nhập. Từ năm 2004, khoảng cách về thu nhập giữa nhóm 20% người giàu nhất và các nhóm khác đang gia tăng và số người siêu giàu cũng tăng. Năm 2014, 210 người siêu giàu (có tài sản trên 30 triệu USD) ở Việt Nam có tổng tài sản khoảng 20 tỷ USD (tương đương 12% GDP cả nước).
Các chuyên gia kinh tế ước tính, thu nhập trong một năm của nhóm 210 người siêu giàu dư sức để đưa 3,2 triệu người thoát nghèo, chấm dứt nghèo cùng cực trên cả nước… Người giàu nhất Việt Nam có thu nhập một ngày cao hơn thu nhập của người nghèo nhất trong 10 năm. Trong một giờ, người giàu nhất Việt Nam có thu nhập từ nguồn tài sản cao hơn gần 5.000 lần thu nhập của nhóm 10% nghèo nhất chi hàng ngày cho các nhu cầu thiết yếu. Báo cáo tài sản năm 2016 của Công ty Knight Frank – một trong những công ty tư vấn tài sản hàng đầu thế giới cũng ước tính, số người siêu giàu ở Việt Nam sẽ tăng đáng kể, đến năm 2025 có thể lên đến 403 người.
Nhóm nghèo nhất bị “lề hóa”
Vấn đề nghiêm trọng của các dạng bất bình đẳng là bất bình đẳng kinh tế sẽ đi kèm với bất bình đẳng về tiếng nói và cơ hội, khiến nhóm nghèo nhất bị “lề hóa”, không được tiếp cận với các dịch vụ công như y tế và giáo dục do thu nhập thấp và đôi khi bị phân biệt đối xử... Người nghèo cũng có xu hướng sử dụng các dịch vụ y tế ít hơn người khá giả, trong khi các nhóm thu nhập cao hơn có thể sử dụng nhiều loại dịch vụ nội và ngoại trú và cũng có nhiều cơ hội khám và điều trị hơn.
Các hộ nghèo tuy đã được Nhà nước hỗ trợ thông qua cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí song các chi phí trong quá trình khám chữa bệnh ngoài danh mục bảo hiểm vẫn thực sự là gánh nặng cho các hộ nghèo.
Cùng với bất bình đẳng kinh tế là sự duy trì tình trạng bất bình đẳng giới. Lao động nam có thu nhập trung bình cao hơn 33% so với lao động nữ, được quyền kiểm soát đất đai, tài sản có giá trị, chưa có nhiều nữ lãnh đạo trong lĩnh vực kinh doanh và chính trị dù Nhà nước đã có nhiều chính sách để khuyến khích, tạo cơ hội “trao quyền cho phụ nữ” trong các lĩnh vực. Ngoài ra, thực tế đã cho thấy nhiều trường hợp, một hay hai trẻ trong gia đình, thường là trẻ em gái, phải “hy sinh con đường học hành của mình” vì kinh tế gia đình.
Thậm chí, trong cộng đồng doanh nghiệp, sự bất bình đẳng kinh tế cũng thể hiện rõ khi DN nhỏ và vừa “DNNVV, đặc biệt là DN siêu nhỏ chịu rất nhiều thiệt thòi so với các DN “đại gia”, nhất là thuế, phí vẫn là gánh nặng khiến các DN này không phát triển được” - bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nhận định. Theo Bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, nghèo đói và bất bình đẳng không phải là vấn đề tất yếu. Mô hình kinh tế của Việt Nam thời kỳ sau đổi mới đã rất thành công trong việc tạo ra mức tăng trưởng cao, trong khi vẫn giúp phần lớn người dân Việt Nam thoát nghèo và có cuộc sống khá giả hơn.
Tuy nhiên, khung chính sách hiện hành chưa đủ để giải quyết các dạng bất bình đẳng đang ngày càng phổ biến trong xã hội Việt Nam, như bất bình đẳng theo vùng, giữa các giới và nhóm dân tộc, và các dạng chênh lệch về tiếng nói và cơ hội. Nghĩa là chính sách giảm nghèo chưa tính đến khoảng cách giàu - nghèo, hệ thống thuế chưa công bằng và tiến bộ trong giải quyết vấn đề bất bình đẳng, bỏ sót nhóm đối tượng có thu nhập cao…
Cần cái nhìn mới về bất bình đẳng
Như vậy các dạng bất bình đẳng vẫn tồn tại, thậm chí mở rộng cùng với sự phát triển kinh tế nếu Nhà nước không tập trung cải cách hiệu quả bốn trụ cột của khung chính sách về bình đẳng, bao gồm hệ thống thuế, “xã hội hóa” các dịch vụ công, chi tiêu công cho y tế và giáo dục và chính sách cho người lao động. Các chính sách hiện hành của Việt Nam theo bốn lĩnh vực này cho thấy cả điểm mạnh và những điểm cần cải thiện. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, điểm yếu nhất cần khắc phục là thể chế để đảm bảo bình đẳng trong xã hội và kinh tế.
Lấy hình ảnh trên một chuyến bay, ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, dù ở mức giá nào, mọi người trên chuyến bay đều được thụ hưởng những điều kiện cơ bản như nhau. Như vậy bình đẳng trong xã hội cũng cần đảm bảo cho mọi người, nhất là những người yếu thế, người nghèo cũng có điều kiện được hưởng các các dịch vụ xã hội, phúc lợi xã hội như nhau để giảm khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội.
Các chuyên gia nước ngoài đánh giá, mô hình tăng trưởng của Việt Nam tương đối bình đẳng, có lợi cho mọi thành phần xã hội và hướng tới người nghèo có thể phát triển bền vững lâu dài. Các chính sách kinh tế và xã hội hiệu quả, gồm đầu tư công cho nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và giáo dục là những yếu tố quan trọng để đạt mục tiêu “giảm nghèo bền vững”. Tuy nhiên, các dạng bất bình đẳng vẫn đang tồn tại, đe dọa đến cơ hội cho những người nghèo, người yếu thế trong xã hội và mục tiêu giảm nghèo. “Nếu không có cách tiếp cận mới sẽ dẫn đến tình trạng lợi ích tiếp tục được tích lũy vào nhóm giàu và bỏ qua nhóm nghèo” –Tổ chức Oxfram khuyến nghị.
Do đó, “để ngăn chặn nghèo và giảm nghèo mạnh hơn nữa, Chính phủ cần nhìn nhận tất cả các dạng bất bình đẳng về kinh tế và cơ hội đang gia tăng tại Việt Nam và có các biện pháp chính sách để giảm bất bình đẳng. Nếu không, những người nghèo nhất và những người thiệt thòi, sẽ không được hưởng lợi từ thành quả phát triển kinh tế” - bà Lefur phát biểu.
Qua những phân tích đa chiều về bất bình đẳng. để giảm thiểu khoảng cách giàu - nghèo đang gia tăng nghiêm trọng hiện nay, Việt Nam cần thực hiện ngay các chính sách tiến bộ về quản trị nhà nước, hệ thống thuế, chi tiêu công, dịch vụ công, quyền của người lao động và sự tham gia của người dân. Nhu cầu này ngày càng cấp thiết khi tăng trưởng kinh tế ngày càng tạo hiệu ứng bất bình đẳng trong xã hội, xuất phát từ sự phân hóa giàu – nghèo.
Nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, bất bình đẳng kinh tế đang cản trở công cuộc giảm nghèo. Ước tính có trên 240 triệu người trong khu vực có thể thoát nghèo cùng cực trong 20 năm qua nếu tăng trưởng không đi kèm tăng bất bình đẳng. Mức độ bất bình đẳng có thể khiến nhóm nghèo nhất có khả năng không thoát nghèo.