Cán cân thương mại bị lệch khá lớn
Theo Bộ Công Thương, hiện Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Với nhiều điểm tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán cũng như vị trí địa lý thuận lợi, thị trường Trung Quốc vẫn là một thị trường lớn và đầy tiềm năng đối với Việt Nam.
Trung Quốc có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh như: hàng nông lâm sản gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su, chè, rau quả nhiệt đới; hàng thủy sản tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá da trơn đông lạnh và cá da trơn phi lê đông lạnh…
Thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2015, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 66,6 tỷ USD, nhưng xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 17,1 tỷ USD, trong khi nhập khẩu lên tới con số 49,5 tỷ USD, cán cân thương mại bị lệch khá lớn.
Theo Bộ quản lý về thương mại, Trung Quốc đang tỏ ra tận dụng khá tốt thị trường của Việt Nam trong khi các nhà xuất khẩu Việt Nam lại chưa tìm ra phương cách hữu hiệu để chiếm lĩnh thị trường to lớn này. Chính sách thuế quan, quy định về kiểm nghiệm, kiểm dịch của nước bạn và sự thiếu hiểu biết của các nhà sản xuất, xuất khẩu trong nước đang được cho là nguyên nhân cản trở các nhà xuất khẩu Việt Nam xâm nhập sâu thị trường này.
Đấu pháp nào “sân khách”?
Theo ông Đào Việt Anh, Trưởng Đại diện Văn phòng Xúc Tiến thương mại (XTTM), Bộ Công Thương tại Trùng Khánh, đặc trưng quan hệ thương mại Việt - Trung là có vị trí địa lý thuận lợi với đường biên giới trên bộ dài 1406 km, tiếp giáp giữa 7 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam với tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây nên vận tải hàng hóa tiện lợi, tiết giảm được nhiều chi phí.
Ngoài ra, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu kinh tế rất rõ như: Trung Quốc có nhu cầu lớn đối với các mặt hàng nông thủy sản nhiệt đới của Việt Nam và xuất khẩu các sản phẩm máy móc công nghiệp phù hợp với nhu cầu và tiềm lực tài chính của doanh nghiệp Việt Nam.
Theo vị này, đặc trưng của thị trường Trung Quốc là văn hóa tiêu dùng và nhu cầu đối với các sản phẩm nông thủy sản rất đa dạng. 32 tỉnh,thành của nước bạn đều có nhu cầu khác nhau đói với từng loại sản phẩm cụ thể nên muốn thâm nhập sâu thị trường này thì cần phải có những định hướng chiến lược cho từng ngành hàng đối với từng vùng miền của nước bạn.
Cụ thể, với mặt hàng gạo nên quan tâm tới thị trường của các tỉnh như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Bắc Kinh, Trùng Khánh, Chiết Giang vì các tỉnh này có nhu cầu lớn đối với cả gạo cao cấp và gạo phổ thông dùng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm.
Với sắn và các sản phẩm sắn cần tập trung khai thác, nâng cao thị phần tại Quảng Tây, Vân Nam nhằm tận dụng ưu thế vị trí địa lý, chi phí vận chuyển và sự linh hoạt của phương thức thương mại biên giới. Bên cạnh đó, cần tập trung thâm nhập, khai thác thị trường khu vực miền Đông, trong đó có tỉnh Giang Tô với cửa khẩu Trấn Giang, nơi thông quan mặt hàng sắn lát khô nhiều nhất Trung Quốc.
Cũng theo đại diện Văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc, khu vực Tây Nam bảo gồm cả Quảng Tây và Vân Nam và miền Trung, Trung Quốc là các địa phương không có ngành sản xuất giày dép thông thường và yêu cầu đối với chất lượng sản phẩm không quá cao, do vậy các sản phẩm giày dép Việt sẽ có cơ hội thâm nhập thị trường khi được tập trung thúc đẩy xuất khẩu sang khu vực các thị trường này.
Đối với mặt hàng thủy sản, ông Anh cho biết, hiện mặt hàng này được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường khu vực miền Đông như: Thượng Hải (đường hàng không), Chiết Giang (đường biển) và Quảng Tây (đường bộ). Do vậy đây cũng là các thị trường chúng ta cần duy trì thị phần. Ngoài ra, Vân Nam cũng là địa phương có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thủy sản lớn. Tuy nhiên, do khó khăn về khâu vận chuyển và thời gian thông quan nên Việt Nam chưa khai thác được hiệu quả thị trường này.
Để khai thác thị trường Trung Quốc hiệu quả, ông Đào Việt Anh lưu ý các DN cần thông qua hệ thống Thương vụ, chi nhánh Thương vụ và Văn phòng xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương đặt tại Trung Quốc cũng như cơ quan thương vụ của Trung Quốc đặt tại Việt Nam để tìm kiếm các đối tác phù hợp và có uy tín tại Trung Quốc.
Ngoài ra, cần xác minh thực lực và uy tín của các DN Trung Quốc nhất là các đối tác được tìm kiếm qua hình thức internet. Mọi giao dịch đều phải thực hiện bằng hình thức hợp đồng theo thông lệ thương mại quốc tế với các điều khoản về giao dịch và giải quyết tranh chấp được thống nhất chặt chẽ và có tính ràng buộc cao.
“Nên có sự tìm hiểu về các quy định xuất nhập khẩu của Chính phủ Trung Quốc đối với các hàng hóa mà DN có kế hoạch hợp tác, giao dịch với đối tác Trung Quốc nhất là những sản phẩm như thực phẩm, nông sản, thủy sản vì đây là những sản phẩm chịu sự kiểm soát ngặt nghèo về vấn đề kiểm dịch”, ông Anh khuyến cáo.
Cán cân thương mại tiếp tục mất cân bằng
Trong năm nay, thống kê của Hải quan Trung Quốc, tính đến hết tháng 7, tổng kim ngạch thương mại song phương 2 nước đã đạt 52,26 tỷ USD, trong đó Trung Quốc tiếp tục ở thế “thượng phong” khi xuất khẩu sang Việt Nam đạt 33,52 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ Việt Nam chỉ đạt 18,74 tỷ USD, xuất siêu của Trung Quốc lên tới 14,78 tỷ USD.