Dư chấn hậu covid
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng “đóng băng” trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với những phản ứng nhanh nhạy, kịp thời cùng sự vào cuộc quyết liệt, nhất trí của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong phòng chống dịch bệnh, trở thành điểm đến an toàn, tin cậy trong mắt bạn bè thế giới.
Thông điệp “Việt Nam điểm đến an toàn” cùng một loạt các chính sách kích cầu từ ngành du lịch được bung ra. Những chủ trương, chính sách của Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch vượt bão Covid -19 cũng là lực đẩy quan trọng để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hồi phục, nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng và hứa hẹn đây vẫn là một kênh đáng để đầu tư với khả năng sinh lời cao.
Tiềm lực bất động sản nghỉ dưỡng ở Phú Quốc, Vân Đồn
Vân Đồn, Phú Quốc, đang được coi là thị trường tiềm năng rất lớn, do khả năng khai thác dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng cao, nhiều lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi thuế…
Phân tích tiềm năng của hai thị trường này, PGS. TSKH Võ Đại Lược khẳng định Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) là hai thị trường trọng điểm, giàu tiềm năng. Quảng Ninh sở hữu một di sản trời ban đó là Vịnh Hạ Long – Kỳ quan thiên nhiên thế giới. Trong khi đó, chúng ta cũng có Phú Quốc - Đảo Ngọc sở hữu những bãi biển tuyệt đẹp.
Điểm giống nhau của hai khu kinh tế này là đều có thể phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, và giá trị bất động sản nghỉ dưỡng chắc chắn sẽ còn tăng cao, nhất là khi khai thác tốt luồng khách quốc tế, những du khách sẵn sàng chi nhiều tiền để hưởng thụ các dịch vụ đẳng cấp, tiện ích trong các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp trên 5 sao.
Điểm khác nhau là khu Vân Đồn có nhiều tiềm năng trong tương lai hơn, khi vừa có thể phát triển các dịch vụ du lịch khám phá Vịnh Hạ Long, vừa phát triển du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm; còn khu kinh tế Phú Quốc lại phát triển theo hướng dịch vụ du lịch biển. Đây đều là những tiềm năng mang lại giá trị kinh tế to lớn của 2 khu kinh tế.
TS. Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia- cũng nhận định bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai như Vân Đồn, Phú Quốc chắc chắn sẽ có nhiều tiềm năng phát triển và tăng giá.
TS. Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. |
Căn cứ Quyết định số 266 của Thủ tướng chính phủ, Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng đây chính là điểm tựa pháp lý cơ bản để kinh tế Vân Đồn phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản du lịch.
Làm gì để phát triển?
Cần những giải pháp gì để có thể khai thác những thị trường tiềm năng này? PGS. TSKH Võ Đại Lược cho rằng: Thứ nhất, cần có quy hoạch phát triển tốt. Căn cứ vào thực tế phát triển của nhiều quốc gia thì các khu vực quan trọng như Vân Đồn, Phú Quốc cần phải thuê các tổ chức quy hoạch phát triển hàng đầu thế giới thực hiện, vì họ có kinh nghiệm thực tế chuyên quy hoạch cho các khu kinh tế quan trọng, họ có các tập đoàn xuyên quốc gia tin tưởng vào năng lực quy hoạch của họ, do vậy các tập đoàn lớn sẵn sàng đầu tư vào.
Thứ hai, cần mở cửa hơn nữa và mời các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới tham gia phát triển các khu này.
Thứ ba, phát triển dịch vụ du lịch phải đa dạng, không chỉ tắm biển, tham quan, mà phải là các đô thị thể thao, hội họp, triển lãm, mua sắm, an dưỡng… Chính sự đa dạng của các ngành dịch vụ này mới tạo ra sức hấp dẫn du khách. Để phát triển dịch vụ du lịch đa dạng, nhất thiết phải tổ chức và đẩy nhanh tốc độ xây dựng các tổ hợp kinh doanh bất động sản du lịch đa công năng, đa tiện ích, đặc biệt là tại các khu kinh tế chưa có hạ tầng du lịch phát triển như Vân Đồn.
Tổ hợp nghỉ dưỡng phải bao gồm khách sạn quốc tế, căn hộ nghỉ dưỡng; Dãy nhà phố thương mại; Công viên rừng; Quần thể tiện ích dịch vụ và Tổ hợp các công trình phức hợp vui chơi đáp ứng mọi nhu cầu giải trí của du khách và mang đến trải nghiệm văn hóa đặc sắc; Bến thuyền du lịch…
“Chắc chắn, những mô hình phát triển phức hợp “Hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ đẳng cấp quốc tế” khai thác đa chiều, trải nghiệm 04 mùa sẽ là mắt xích quan trọng làm nên sự tăng trưởng nhanh và bền vững cho các khu kinh tế đặc biệt như Vân Đồn hay Phú Quốc.” – ông phân tích.
Cũng theo PGS. TSKH Võ Đại Lược, cần thực hiện chế độ miễn thị thực rộng rãi cho các khách du lịch đến hai khu đô thị trên, đồng thời nghiên cứu và xây dựng và thực hiện cơ chế quản trị hiện đại…
“Tiềm năng phát triển của hai khu kinh tế Vân Đồn và Phú quốc là rất lớn, nhưng những tiềm năng này chỉ có thể được khai thác tốt mang lại hiệu quả nếu hội tụ được nhân tài trong nước và quốc tế với các cơ chế phù hợp.” – ông nói.
PGS.TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - nhận định thời điểm này là một cơ hội khó tìm để đạt được sự thay đổi căn bản trong nền kinh tế nói chung và du lịch nói riêng: “Đây là cơ hội để chung ta “thay máu”, cần lợi dụng thời cơ để bứt phá. Du lịch nghỉ dưỡng cũng phải tận dụng cơ hội này.”
PGS.TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. |
Với riêng lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, ông cho rằng muốn phát triển du lịch nghỉ dưỡng kiểu mới, cần có tiêu chuẩn khác, đẳng cấp khác. Không nên đi theo lối cũ. Cần mạnh dạn đầu tư cho những cơ hội mới, những doanh nghiệp mới có tiềm năng.
Góp ý riêng với Vân Đồn, ông đề nghị phải đưa Vân Đồn trở thành điểm sáng, biểu tượng Quốc gia, phải nâng tầm thành đẳng cấp cao, thu hút những nhà đầu tư chuyên nghiệp nhất, phải mời những người có tiềm lực về tài chính. Vân Đồn không thể làm du lịch cộng đồng.
“Muốn Vân Đồn trở thành thương hiệu của Việt Nam thì nơi đây buộc phải thu hút du khách đẳng cấp. Nói điều này không phải thể hiện sự quá tầm với Vân Đồn mà thực sự Vân Đồn rất xứng đáng trong bối cảnh bình thường mới như hiện nay. Vân Đồn đã thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp nhất, đổ rất nhiều nguồn lực để kiến tạo ra bộ mặt mới. Muốn Vân Đồn trở thành biểu tượng du lịch quốc gia, cần phải có sự thay đổi mang tầm tư duy mới.” – ông nói,
Tìm lời giải cho bài toán phát triển du lịch nghỉ dưỡng, PGS.TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề nghị các cấp chính quyền địa phương cần theo dõi sát sao, xúc tiến tích cực và thường xuyên đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cũng như thanh tra, kiểm tra, giám sát, chế tài việc thực hiện cơ chế, chính sách, quy hoạch và sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp cần nhạy bén, sáng tạo và nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương đường lối, cơ chế, chính sách cũng như các yêu cầu thực tiễn.
TS. Lê Xuân Nghĩa lại nhìn góc độ phát triển bất động sản nghỉ dưỡng trên lợi ích của nhà đầu tư. Theo ông, hiện nay, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong việc cấp giấy chứng nhận sở hữu các dự án bất động sản nghỉ dưỡng nên hạn chế cơ hội của các nhà đầu tư vào phân khúc này. Với vấn đề nước ngoài sở hữu thì cần bàn luận sớm để có thể mở rộng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào bất động sản nghỉ dưỡng ở các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai.
Ông Nghĩa đề nghị hiệp hội bất động sản nên đề nghị với Bộ xây dựng, các nhà bất động sản ngồi lại để hoàn thiện các vấn đề pháp lý. Theo ông, để phát triển, lấy niềm tin cần gỡ 5 vấn đề: quyền về tài sản, phân hối lợi nhuận, thanh khoản và sự minh bạch về tài chính.
Tọa đàm bàn về Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19 diễn ra dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức.