Ngổn ngang gỗ bên đường
Trong ngày 2/8/2017, khi PV đến tiểu khu 293 (xã Cư M’lan) để tìm hiểu thực tế thì phát hiện nhiều ngọn đồi bị “cạo trọc”, nhiều cánh rừng bị triệt hạ không thương tiếc. Theo một người dân tại hiện trường, khoảng 3 tháng trở lại đây, mỗi ngày có khoảng 10 - 15 người mang theo cưa lốc tới cắt hết những cây thân gỗ trên địa phận tiểu khu 293. Đến nay rừng không còn, cây lớn, cây nhỏ đổ ngổn ngang.
Qua quan sát PV ghi nhận được, hầu hết các cây thân gỗ đều bị cưa hạ; rừng chỉ còn lại những bụi rậm và lớp thực vật thân mềm. Trên tiểu khu 293 có hàng chục con đường hằn sâu vết xe máy cày cỡ lớn. Lần theo dấu vết xe, có thể bắt gặp rất nhiều điểm tập kết gỗ (chủ yếu là gỗ Dầu) nằm la liệt ven các trục đường lớn trong rừng. Có nhiều điểm tập kết gỗ ngay cạnh Quốc lộ 29, nhiều người qua lại nhưng vẫn không bị phát hiện, xử lý.
Ngoài hiện trạng rừng bị phá tràn lan, XLPL còn ghi nhận rất nhiều diện tích trong lòng tiểu khu 293 đã bị người dân lấn chiếm để canh tác. Tại đây, nhiều chòi lán được dựng lên, nhiều quả đồi đã được trồng mì, trồng ngô. Thậm chí, có nhà dân còn trồng điều và tập kết hàng loạt cây giống trong khu vực lấn chiếm.
Băng qua một đoạn đường dài, tìm vào một nhà dân ven suối để hỏi thăm, người được hỏi cho biết, họ đã canh tác trong lòng tiểu khu 293 nhiều năm nay nhưng không có ai cấm cản, nhắc nhở.
Khi có mặt tại hiện trường, ông Bùi Xuân Long, kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Cư M’lan phân bua rằng, do diện tích quá rộng, lực lượng ít nên kiểm lâm địa bàn và cả tổ công tác của Ban Nông - Lâm nghiệp xã Cư M’lan không kiểm soát hết địa bàn, để xảy ra tình trạng phá rừng. “Xã Cư M’lan có khoảng 10 tiểu khu, tương đương với 10 ngàn ha đất lâm nghiệp, rừng. Tuy nhiên, chỉ có 5 cán bộ thuộc Ban Nông - Lâm xã và tôi phụ trách tuần tra, kiểm soát. Chúng tôi đi tuần chỗ này thì họ phá chỗ kia, lực lượng tham gia phá rừng lại rất đông nên anh em bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn”, ông Long nõi.
Nói về hàng loạt điểm tập kết gỗ xung quanh tiểu khu 293, ông Long cho biết sẽ báo cáo cấp trên, thuê xe, thuê nhân công vào hiện trường, đưa gỗ tang vật về trụ sở để xử lý.
|
Nhiều điểm tập kết gỗ ven đường trong tiểu khu 293, xã Cư M’lan. |
Trách nhiệm của ai?
Được biết, vào năm 2011, UBND tỉnh Đắk Lắk có Quyết định cho Công ty TNHH Anh Quốc (gọi tắt là Công ty Anh Quốc) thuê lại gần 1.200 ha đất, rừng tại tiểu khu 293 để thự hiện các dự án trồng cao su, trồng rừng, quản lý và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, phía Công ty Anh Quốc đã có nhiều vi phạm về luật đất đai. Do đó, đến cuối tháng 2/2017, UBND tỉnh Đắk Lắk có Quyết định số 404/QĐ-UBND, thu hồi gần 1.200 ha đất tại tiểu khu 293 của Công ty Anh Quốc giao lại cho huyện Ea Súp quản lý.
Đồng thời, quyết định trên cũng yêu cầu thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất, chấm dứt mọi hoạt động của công ty Anh Quốc trong vùng dự án.
Ngoài việc giao lại gần 1.200 ha đất nói trên cho UBND huyện Ea Súp quản lý, Quyết định 404 cũng yêu cầu UBND huyện Ea Súp phải chỉ đạo UBND xã Cư M’lan tăng cường công tác quản lý và bảo vệ diện tích đất, rừng theo quy định; thường xuyên kiểm tra, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất, rừng trên diện tích được giao; xử lý hoặc kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với hành vi xâm hại đất, rừng theo quy định của pháp luật.
Đến ngày 24/4/2017, UBND huyện có Quyết định 1428/QĐ-UBND, giao lại cho UBND xã Cư M’lan quản lý toàn bộ diện tích gần 1.200 ha đất tại tiểu khu 293 mà UBND tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi của Công ty Anh Quốc.
Quyết định này nêu rõ: “UBND xã Cư M’lan chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ quỹ đất được giao, không để tình trạng lấn chiếm xảy ra; xử lý nghiêm các trường hợp đã lấn chiếm, chuyển nhượng đất trái phép theo quy định của pháp luật…”.
Theo ông Võ Đình Dũng, cán bộ phụ trách Nông - Lâm nghiệp xã Cư M’lan, để xảy ra tình trạng phá rừng như trên, xã phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, xã chỉ được bàn giao đất, rừng “trên giấy tờ”. Bởi vậy, ông mong muốn được cấp tỉnh đánh giá lại thực địa tại tiểu khu 293, xem phía Công ty Anh Quốc đã để mất bao nhiêu rừng, bao nhiêu đất bị người dân lấn chiếm…rồi mới bàn giao cho xã.
Theo ông Dũng, thống kê sơ bộ cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2017, hơn 70 ha rừng trên địa bàn xã bị phá. Ông Dũng trao đổi: “Chúng tôi đã có báo cáo, yêu cầu cấp tỉnh, huyện đánh giá lại thực địa, hiện trạng rừng rồi bàn giao cho xã quản lý. Thế nhưng, cho đến nay, việc này vẫn chưa được thực hiện. Trên thực tế, Công ty Anh Quốc đã để mất rất nhiều rừng, nếu cấp trên không đánh giá thực trạng mà giao lại cho xã quản lý thì còn rất nhiều bất cập”.
|
Một khu vực đất rừng bị người dân lấn chiếm. |
Quản lý lỏng lẻo
Trong báo cáo số 33 ngày 28/4/2017 của UBND xã Cư M’lan thể hiện, do buông lỏng quản lý, để cho người dân vào lấn chiếm đất nên năm 2014, Công ty Anh Quốc đã để mất hơn 205 ha đất, rừng. Từ năm 2014 đến nay, tình hình phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên các dự án (trong đó có dự án của Công ty Anh Quốc) diễn biến hết sức phức tạp. Các đối tượng dùng máy cày, máy múc khai phá đất cả ban đêm nhưng đến nay chưa có số liệu thống kê cụ thể.
Do đó, UBND xã Cư M’lan đề nghị cấp trên phải làm rõ trách nhiệm để mất đất, rừng của Công ty Anh Quốc; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành thống kê, rà soát đất bị lấn chiếm, đối tượng lấn chiếm và diện tích rừng còn lại đến thời điểm thu hồi, bàn giao.
Theo một lãnh đạo UBND xã Cư M’lan, thời điểm bàn giao, phía Công ty Anh Quốc không có mặt, không gửi tài liệu thống kê về thực trạng đất, rừng được giao quản lý trước đó. “Công ty này đã làm mất rất nhiều đất lâm nghiệp, đất rừng. Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn chưa làm rõ những vi phạm của Công ty Anh Quốc để xử lý theo quy định. Hiện nay, xã cũng chưa đánh giá, thống kê được bao nhiêu diện tích bị người dân lấn chiếm, bao nhiêu hộ lấn chiếm. Thật sự, cấp trên giao đất, rừng như thế này khiến phía xã gặp rất nhiều khó khăn”, lãnh đạo xã Cư M’lan trao đổi.
Để vấn đề khách quan hơn, PV đã liên hệ làm việc với UBND huyện Ea Súp vào chiều 2/8. Tuy nhiên, cán bộ tại đây cho biết lãnh đạo huyện đi công tác nên hẹn làm việc vào dịp khác.
Trước đó, vào ngày 01/6/2017, UBND huyện Ea Súp đã có Báo cáo số 153 BC/UBND gửi đến UBND tỉnh Đắk Lắk và các ban ngành liên quan. Theo báo cáo này, hiện trạng khu đất tại thời điểm thu hồi, bàn giao về cho địa phương quản lý có biến động rất lớn so với hiện trạng trong hồ sơ của các công ty (trong đó có Công ty Anh Quốc) thuê đất. Thực trạng một số hộ dân đã lấn chiếm đất để canh tác, sản xuất nông nghiệp, khiến rừng bị suy giảm lớn về diện tích và trữ lượng lâm sản. Nguyên nhân là do phía các công ty quản lý lỏng lẻo, để các đối tượng phá rừng, chiếm đất trái phép.
Trên cơ sở đó, UBND huyện Ea Súp đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk đánh giá lại hiện trạng diện tích đất, đất rừng trước khi bán giao lại cho địa phương quản lý; xử lý trách nhiệm của các công ty thiếu trách nhiệm, quản lý lỏng lẻo, để mất đất, mất rừng…