Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhân lực quy hoạch và quản lý đô thị được đào tạo hiện nay của nước ta nhìn chung đã đáp ứng phần nào những yêu cầu của công tác quản lí đô thị. Song, để có sự chuyển biến cơ bản gắn với chuyển đổi tư duy quản lý và phát triển đô thị thì phải có những nhân lực mới. Những nhân lực này phải được đào tạo bài bản. Chương trình đào tạo được xây dựng với tầm nhìn mới, nhận thức mới về quản lý phát triển đô thị trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự đan xen nhiều chiều của các yếu tố đa ngành tác động lên các thực thể đô thị.
|
PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh phát biểu tại lễ ra mắt. |
Trước đòi hỏi của thực tiễn, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho hay, với thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực và khả năng huy động sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, Đại học quốc gia Hà Nội đã giao cho Khoa Các khoa học liên ngành làm đầu mối xây dựng Chương trình đào tạo thạc sĩ Quản lí phát triển đô thị.
Từ đầu năm 2017, một tổ công tác đã được thành lập, cùng với sự tham gia của nhiều nhà khoa học đến từ các lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Sau 3 hội thảo chuyên môn lớn, nhiều cuộc trao đổi tham vấn chuyên gia và họp thẩm định các cấp, đến tháng 3/2018, chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lí phát triển đô thị đã chính thức được ĐHQGHN kí quyết định ban hành.
“Chương trình sẽ được tổ chức đào tạo thí điểm khóa đầu tiên vào tháng 9/2018 với chỉ tiêu dự kiến 40 học viên/ khóa. Trong các năm tiếp theo, Khoa Các khoa học liên ngành sẽ mở rộng quy mô đào tạo, hướng tới cung cấp nhân lực cho các đô thị trong cả nước. Sau hai khóa đào tạo, chương trình sẽ được tổng kết, làm cơ sở đề xuất đưa vào danh mục đào tạo chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, bà Minh thông tin.
Đáng chú ý, đây sẽ là chương trình đầu tiên ở Việt Nam đào tạo các cán bộ quản lí làm việc về đô thị theo tư duy và cách tiếp cận liên ngành. Chương trình mang nhiều ý nghĩa thực tiễn, có tính ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội, hướng tới kỳ vọng đến năm 2020, Việt Nam sẽ có đội ngũ nhân lực liên ngành đầu tiên về quản lí phát triển đô thị.
Dẫn thông tin từ TS. Trần Quốc Thái - Cục phó Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh cho biết, Việt Nam hiện có 813 đô thị và tỉ lệ đô thị hóa cũng đang tăng rất nhanh, khoảng 37,5%. Chỉ riêng hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM đã có dân số đô thị chiếm xấp xỉ 30% dân số đô thị trên toàn quốc. Điều này sẽ tạo nên áp lực vô cùng lớn lên hệ thống công trình cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và không gian sống; đòi hỏi các kiến trúc sư, các nhà xây dựng, các nhà quản lí phải nắm bắt, đáp ứng được xu hướng thực tế và nhu cầu sống của cộng đồng.
Đặc biệt, theo PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh, đô thị hóa Việt Nam lại xảy ra nhiều thập kỷ trước công nghiệp hóa trong khi các nước phát triển đã khẳng định quy luật đô thị hóa là hệ quả, là con đẻ của công nghiệp hóa. “Nghịch lý phát triển đó làm cho đô thị ở Việt Nam luôn đối đầu với rất nhiều thách thức”, bà nhận định.
Cùng trăn trở về vấn đề đô thị hóa, PGS.TS Nguyễn Hồng Thục - Viện trưởng Viện nghiên cứu định cư – cho biết, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ đô thị hoá khá nhanh trong khu vực Đông Nam Á. Chỉ chưa đầy một thập kỷ nữa, 40% dân số cả nước sẽ sống trong đô thị. “Việt Nam bắt buộc phải phát triển một hệ thống các thành phố và đô thị có khả năng cạnh tranh và linh hoạt trong chống chịu và phục hồi các không gian kinh tế công nghiệp và dịch vụ. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển đô thị”, PGS.TS Nguyễn Hồng Thục nói thêm.