“Với lượng mưa như vậy, việc úng ngập cục bộ là bất khả kháng, nhưng công ty đã tổ chức lực lượng ứng trực bảo đảm thoát nước và vệ sinh môi trường. Vì vậy, sau 2 giờ, cơ bản các điểm ngập đã rút hết nước, giao thông ổn định” - ông Sương thông tin.
Trước câu hỏi vì sao Hà Nội đã đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng, nhưng cứ hễ mưa to là đường phố lại ngập? Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội trần tình: cuối năm 2016, dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2 đã hoàn thành, song mới chỉ giải quyết được áp lực thoát nước cho lưu vực sông Tô Lịch rộng 77,5km2.
Còn toàn bộ khu vực phía Tây và Tây Nam TP thuộc lưu vực sông Nhuệ chưa được đầu tư; việc thoát nước chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống kênh, mương nông nghiệp. Năm 2017, Sở Xây dựng nhận định Hà Nội còn 16 điểm úng ngập cố hữu khi xảy ra mưa lớn cường độ trên 50mm. Mùa mưa năm nay đã xóa được 3 điểm, nhưng lại phát sinh một số điểm khác ở khu vực vùng ven, vành đai hoặc mới đô thị hóa.
Về giải pháp lâu dài để tránh ngập úng ở Thủ đô mỗi khi có mưa lớn, lãnh đạo Công ty thoát nước cho hay, đơn vị đã báo cáo UBND TP tiếp tục đầu tư, xây dựng các dự án thoát nước, tuyến cống nhánh nối với các khu đô thị và tuyến đường vành đai; đẩy nhanh tiến độ thi công các trạm bơm Liêm Mạc với công suất lớn để thoát nước cho lưu vực sông Nhuệ...