Từ cách người dân làm du lịch...
Đến với miền quê Bình Thành (xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành) điều dễ nhìn ra là hình ảnh ngõ nhỏ, đường làng sạch sẽ hay những vườn cây ăn trái sai quả, khí hậu trong lành và con người thân thiện. Bức tranh quê hương tươi đẹp cứ thế đã “ăn sâu” vào cách làm du lịch của chính người dân địa phương nơi đây.
Cứ vào dịp cuối tuần, khu vườn trồng cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Diên Thọ ở thôn Bình Thành lại đón đoàn khách đến từ TP Quảng Ngãi tham quan để trải nghiệm các loại trái cây đặc sản như: chôm chôm, chuối ngự, mít thái, bưởi da xanh, ngô hay các loại bánh ít, bánh chưng, xu xuê… Đặc biệt, du khách được thư giản, giải trí thưởng thức các tiết mục bài chòi do thành viên trong Câu lạc bộ bài chòi của huyện Nghĩa Hành biểu diễn.
|
Thôn Bình Thành là điểm đến hấp dẫn, mang dấu ấn riêng. |
“Thời gian đầu khách đến chưa nhiều, nhiều thứ còn bỡ ngỡ, đến nay hoạt động dịch vụ du lịch của gia đình tôi ngày càng bài bản. Khách du lịch đến đây rất thích. Tôi đặc biệt coi trọng việc giữ gìn bản sắc văn hóa, môi trường để thu hút du khách”, ông Thọ bộc bạch.
Nằm cách trung tâm huyện Nghĩa Hành chừng 4km, thôn Bình Thành là vùng quê truyền thống, có cảnh quan nhà vườn đẹp, trung bình mỗi vườn trái cây khoảng 2.000m2. Các loại trái cây đã được công nhận và bảo hộ nhãn hiệu tập thể của Nghĩa Hành gồm chôm chôm, bưởi da xanh, sầu riêng và chuối ngự. Ngoài ra, thôn Bình Thành giữ được nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm đã có từ cách đây hơn 100 năm. Đây cũng là dịch vụ trải nghiệm đầy thú vị phục vụ du khách là đối tượng học sinh tham quan, học tập.
Ông Đoàn Phú Việt Nam, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành cho biết, từ đầu tháng 4/2022, Bình Thành liên tục đón những đoàn khách đến tham quan thông qua sự kết nối của các đơn vị lữ hành và cơ quan, trường học trên địa bàn trong và ngoài huyện.
Mới đây, “Đêm ẩm thực đồng quê” được tổ chức ở cánh đồng quê của Bình Thành đã thu hút hàng ngàn du khách tham quan, trải nghiệm. Mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch này không chỉ đem đến cho du khách cơ hội thư giãn, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông, mà cũng tăng thu nhập cho các thành viên, nông dân, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kết hợp dịch vụ.
Tương tự tại huyện Bình Sơn, loại hình du lịch sinh thái cộng đồng cũng phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây.
Các sản phẩm du lịch cộng đồng tại các điểm đến Gành Yến, xã Bình Hải; rừng Cóc trắng Bàu Cá Cái, xã Bình Thuận; rừng Dừa nước, xã Bình Phước; Gốm Mỹ Thiện, thị trấn Châu Ổ… hiện thu hút khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập và trải nghiệm.
Theo ông Võ Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, địa phương hướng đến trong phát triển du lịch cộng đồng là tạo ra sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cho người dân, không chỉ dừng lại là điểm check in, tham quan. Người dân trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch, làm ra sản phẩm đặc sản nông nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của địa phương làm cơ sở để thu hút khách du lịch đến trải nghiệm, tiêu thụ và người dân hưởng lợi.
…đến xây dựng sản phẩm du lịch dựa vào lợi thế riêng
Nhóm du lịch thanh niên ở huyện miền núi Ba Tơ của Hội Liên hiệp thanh Việt Nam huyện đã khởi nghiệp dựa trên thế mạnh sẵn có của địa phương, đánh thức tiềm năng phát triển du lịch vùng cao.
Chị Nguyễn Thị Bảo Vi, Trưởng nhóm du lịch thanh niên Ba Tơ chia sẻ, đến với bản làng, du khách được trải nghiệm dệt thổ cẩm, đan lát và hòa mình vào không khí đậm chất văn hóa dân tộc chiêm ngưỡng các cô gái Hrê nhảy múa theo điệu cồng, điệu chiêng rộn ràng, cùng say sưa trong men rượu cần... Bản làng còn lưu giữ nguyên vẹn các phong tục, tập quán đẹp, tham gia các hoạt động như trồng trọt, chăn nuôi, ăn uống tại các hộ gia đình hay hòa mình vào những hoạt động văn hóa tín ngưỡng, lễ hội dân gian truyền thống của người Hrê, đồng thời tìm hiểu lịch sử của huyện Ba Tơ.
|
Thanh niên Ba Tơ hướng dẫn du khách trải nghiệm dệt thổ cẩm, đan lát |
“Chúng tôi xây dựng, thành lập một đội ngũ cộng tác viên du lịch và hướng dẫn viên du lịch tại địa phương. Mô hình du lịch cộng đồng với tên gọi “Du lịch thanh niên” với rất nhiều chương trình, phát huy được hiệu quả của công trình, nhằm quảng bá hình ảnh, văn hóa của đồng bào Hrê đến với người dân, du khách gần xa, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương”, chị Vi thông tin.
Mỗi vùng quê nông thôn ở Quảng Ngãi chính là điểm đến có nhiều yếu tố tài nguyên quan trọng, hấp dẫn để xây dựng thương hiệu du lịch. Loại hình du lịch đặc sắc ở các khu, điểm du lịch chính là dịch vụ lưu trú homestay hay còn gọi du lịch cộng đồng. Nổi bật có du lịch cộng đồng ở làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ. HTX Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ đi vào hoạt động với 34 thành viên.
Gò Cỏ với diện tích khoảng 105 ha với gần 80 gia đình sinh sống bên chân núi hay sườn đồi. Sau hơn 2 năm thành lập, HTX Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ được trao chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, xây dựng được 15 homestay đủ điều kiện đón khách lưu trú, 5 thuyền nan phục vụ khách tham quan trên biển gần bờ, 5 hướng dẫn viên qua đào tạo, 8 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống. Du khách đến đây còn được trải nghiệm đan lưới, nấu ăn, làm nông dân và tham gia các trò chơi dân gian.
|
Rừng dừa nước Cà Ninh thu hút khách tham quan, trải nghiệm trong các dịp lễ và cuối tuần. |
Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ, chị Nguyễn Thị Diễm Kiều cho biết, Gò Cỏ là một điểm đến nằm trong Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. Người dân tại đây dù tham gia phát triển du lịch cộng đồng nhưng rất có ý thức bảo vệ làng cổ. Họ giữ gìn nếp nhà, các phong tục truyền thống và bảo vệ những con đường đá, giếng cổ của làng. Những homestay cũng được thiết kế và đặt tên dân dã, gắn bó với di sản của làng như: Giếng Cổ homestay, Bài Chòi homestay, Nhà Tranh homestay...
Theo Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, để xây dựng Quảng Ngãi trở thành điểm đến hấp dẫn của Vùng duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải chú trọng phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, có đặc trưng riêng có của điểm đến để tạo sự cạnh tranh. Du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch đang được khuyến khích phát triển nhằm đa dạng hóa sản phẩm và phát huy được tài nguyên du lịch của tỉnh, cũng đồng thời đáp ứng xu hướng lựa chọn của du khách hiện nay và phù hợp với chủ trương định hướng của Chính phủ, Bộ VH-TT&DL.