Các nhà nhiếp ảnh song hành mỗi thời khắc của đất nước
Tại Hội thảo “Nhiếp ảnh Việt Nam 50 phát triển cùng đất nước” vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Trần Thị Thu Đông - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho biết, các nhà nhiếp ảnh mãi ghi nhớ lời dặn, nhiệm vụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước đã giao cho trong Sắc lệnh số 147/SL ngày 15/3/1953: “Nhiếp ảnh phải vì dân, vì nước, phải phản ánh cuộc sống chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc, phải mở rộng giao lưu quốc tế”...
Trong chặng đường phát triển cùng đất nước, nhiếp ảnh Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ống kính của các nhà nhiếp ảnh Việt Nam đã để lại một pho sử bằng ảnh quý giá, đầy tự hào về chặng đường đấu tranh giành độc lập và đổi mới, đi lên của đất nước.
Hàng ngàn nghệ sĩ và các nhà hoạt động nhiếp ảnh trên khắp mọi miền đất nước, từ thế hệ các nhà nhiếp ảnh lão thành, các nghệ sĩ - phóng viên chiến trường, các nhà nhiếp ảnh trong thời kỳ đổi mới đã dành trọn tâm huyết, tài năng, trí tuệ xây dựng nền nhiếp ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo ông Hồ Sỹ Minh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, sau ngày đất nước thống nhất, các thế hệ yêu thích, đam mê và trách nhiệm với nhiếp ảnh đã đoàn kết, chung sức, với nghĩa vụ công dân và ý thức phấn đấu “văn nghệ sĩ là chiến sĩ” đã có mặt và ghi lại những hình ảnh chân thực, phản ảnh các dấu mốc quan trọng của lịch sử phát triển đất nước Việt Nam những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Từ đây Nhiếp ảnh Việt Nam đã có chặng đường phát triển mạnh mẽ, các hoạt động của đất nước được nhiếp ảnh ghi lại có hệ thống, có chất lượng và mang tính nghệ thuật cao hơn.
Nhìn lại lịch sử qua hình ảnh những ngày Tổng khởi nghĩa, Cách mạng Tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hình ảnh về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chiến dịch Điện Biên Phủ, hình ảnh ngày tiếp quản Thủ đô Hà Nội… kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, những ngày Nhân dân miền Bắc Việt Nam vừa chi viện cho tiền tuyến miền Nam, vừa khôi phục kinh tế, hình ảnh Nhân dân Hà Nội, các tỉnh miền Bắc chống lại cuộc chiến tranh bằng không quân của giặc Mỹ xâm lược, hình ảnh củng cố, xây dựng lực lượng cách mạng ở miền Nam, đặc biệt cuộc tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…
Nhờ những đóng góp to lớn đó, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng các danh hiệu, phần thưởng cao quý; hàng ngàn tác phẩm được trao các giải thưởng lớn tại các cuộc thi ảnh uy tín trong nước cũng như quốc tế.
Mỗi thời khắc quan trọng của đất nước, của dân tộc đều có sự song hành của các nghệ sĩ, các nhà nhiếp ảnh, đặc biệt là các thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh kháng chiến, bởi họ là những nhân chứng lịch sử, trực tiếp cầm máy ảnh ra mặt trận như những chiến sĩ cầm súng chiến đấu, để ghi lại những hình ảnh hùng tráng của quân và dân ta. Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đã anh dũng hi sinh trên các chiến trường, tô thắm thêm màu đỏ của lá cờ Tổ quốc, để lại những bức ảnh có giá trị vĩnh cửu, sống mãi với thời gian.
Nhiếp ảnh chính là ngôn ngữ không biên giới; nhiều bức ảnh đẹp là bằng chứng sinh động, dễ tiếp cận và có thể lay động hàng triệu trái tim, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, có trách nhiệm với công chúng và những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh.
Tác phẩm Thu hoạch cỏ bàng của nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bính đoạt giải nhất cuộc thi quốc tế. |
Chỉ tính từ năm 1986 đến nay đã tổ chức 300 lần liên hoan ảnh nghệ thuật, 12 cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam, 40 cuộc thi và triển lãm ảnh cấp quốc gia. Ngoài ra, bình quân hàng năm có 40 - 70 cuộc thi và triển lãm cấp tỉnh, thành phố, triển lãm ảnh cá nhân, nhóm tác giả, trong đó nhiều triển lãm được dư luận đánh giá cao như: “Hồi niệm về chiến tranh Việt Nam”, “Trẻ em và mối quan tâm của chúng ta”, “Môi trường Việt Nam”, “Thế giới quanh ta”, “An toàn giao thông”, “Khoảnh khắc trái tim”, “Tự hào một dải biên cương”, “Biển đảo quê hương”, “Tổ quốc bên bờ sóng”…
Trung tâm sưu tầm ảnh đã sưu tầm gần 100.000 files ảnh nghệ thuật, ảnh báo chí có giá trị lịch sử của đất nước. Hội nhiếp ảnh đang hoàn thiện dự án “Không gian sáng tạo và chuyển đổi số tác phẩm nhiếp ảnh Việt Nam”.
Thể hiện tình yêu Việt Nam qua ống kính
Với tình yêu nhiếp ảnh và dải đất hình chữ S, các nhiếp ảnh gia đã ghi lại những hình ảnh tuyệt đẹp của quê hương qua ống kính của mình. Nhiều tác phẩm ghi dấu tại các giải thưởng quốc tế đã góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam tới bạn bè khắp năm châu.
Chỉ tính từ năm 2022 - 2023, nhiều bức ảnh của các nhiếp ảnh gia Việt Nam liên tiếp đạt các giải thưởng quốc tế với đề tài: di sản, điểm đến, danh thắng, di tích lịch sử; những khoảnh khắc cuộc sống, nét đẹp văn hóa của người Việt Nam; hình ảnh du khách khám phá, trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ du lịch; các lễ hội, các hình thức văn hóa dân gian, các làng nghề truyền thống, nghệ thuật ẩm thực trên mọi vùng miền Tổ quốc. Các tác phẩm đều truyền tải thông điệp một đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, nhiều cảnh đẹp và con người hiền hòa, mến khách.
Tác phẩm “Matrix of boats” được bấm máy bởi nhiếp ảnh gia Cao Nguyên Vũ đã giành giải nhất trong khuôn khổ giải thưởng Hamdan International Photography Award 2022. Cuộc thi nhiếp ảnh do Thái tử Dubai Hamdan Bin Mohammed Bin Rashid Al Maktoum trực tiếp chủ trì nhằm tôn vinh sự sáng tạo của các nhiếp ảnh gia trên toàn thế giới. Theo nhiếp ảnh gia Cao Nguyên Vũ chia sẻ, bức ảnh “Matrix of boats” được anh chụp tại chính quê hương Quảng Ngãi của mình: “Đây là khoảnh khắc những chiếc thuyền của ngư dân đánh cá xếp hàng ngay ngắn, gọn gàng khi neo đậu vào bến bãi nhằm tránh siêu bão số 9 xảy ra năm 2020”.
Tại cuộc thi Drone Photo Awards 2022 được tổ chức dành cho các tác phẩm nhiếp ảnh được chụp từ trên cao bằng những thiết bị và phương tiện chuyên nghiệp, các tác phẩm “Thu hoạch cỏ bàng” (tác giả Nguyễn Hữu Bính), “Phơi bánh tráng” (tác giả Nguyễn Phước Hoài), “Phơi cói” (tác giả Nguyễn Linh Vinh Quốc), “Quây lưới bắt mực” (tác giả Nguyễn Tấn Tuấn), “Mùa bắt cá cơm” (tác giả Nguyễn Ngọc Thiện) đều đạt giải Khuyến khích hạng mục Con người.
Tại cuộc thi nhiếp ảnh New World 2022, tác phẩm “Vòng bạc của người Mông” (tác giả Thanh Miền) đạt Huy chương Vàng; tác phẩm “Nấc thang mới” (tác giả Thanh Miền) đạt Huy chương Bạc. Đây là cuộc thi được tổ chức lần đầu tiên trong năm 2022 do Thổ Nhĩ Kỳ và Albania phối hợp tổ chức. Theo thống kê, BTC cuộc thi đã nhận được 855 bức ảnh đến từ 222 tác giả khắp nơi trên thế giới. Cả hai tác phẩm của nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Miền đều được đánh giá là sự kết tinh cho vẻ đẹp vùng Tây Bắc, đặc biệt là hình ảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
Tác phẩm Vòng bạc của người Mông của tác giả Thanh Miền khiến nhiều du khách muốn trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp vùng núi phía Bắc. |
Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế năm 2023, do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức đã thu hút 1.079 tác giả đến từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ. 12 tác giả đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đạt Huy chương Vàng, trong đó có 4 tác giả đạt Huy chương Vàng là người Việt Nam. Cụ thể, tác phẩm “Một đời gắn bó” (tác giả Đặng Kế Đức; “Trẻ em và mùa xuân” (tác giả Lê Thanh Sơn); “Summer Day - Ngày hè” (tác giả Nguyễn Thị Vân), “Ký ức thời gian” (tác giả Nguyễn Anh Tuấn).
Trong cuộc thi Nhiếp ảnh gia đại dương quốc tế 2023, bức ảnh “Vườn san hô Hòn Yến” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Thiện đạt giải Nhì ở hạng mục “Những rạn san hô trên thế giới”. Anh cũng là nhiếp ảnh gia người Việt duy nhất được vinh danh ở hạng mục này. Ngoài ra, bức ảnh “Cá nóc và cốc nhựa” của Nguyễn Ngọc Thiện cũng đoạt giải Khuyến khích ở hạng mục “Chân dung động vật”. Bức ảnh được nam nhiếp ảnh gia chụp lại trong chuyến lặn biển ở quần đảo Nam Du, Kiên Giang.
Có thể thấy, qua các bức ảnh vươn tầm quốc tế, các nhiếp ảnh gia mong muốn lan tỏa vẻ đẹp, góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị bản sắc Việt, góp phần thu hút du khách trong nước và quốc tế khám phá vẻ đẹp mảnh đất hình chữ S.