Lan man với ông ’Dế Mèn’

"Các anh trẻ bây giờ nhiều người viết được nhưng viết hay thì hiếm quá. Suốt đời tôi chỉ làm một người nhặt chữ. Văn chương nghệ thuật thì vô cùng nhưng suy cho cùng phải là người giỏi chữ...", "cha đẻ" của Dế mèn phiêu lưu ký đúc kết. 

Sáng sớm, tôi gọi về số máy gia đình Tô Hoài, cứ ngỡ rét buốt thế này sẽ có một người nhà thưa máy, nhưng không, đích thân nhà văn cầm máy a lô, giọng vẫn tròn và trong…

Ký ức những ngày xa xanh

Không gian sống của Tô Hoài khá hẹp và giản dị. Phòng khách kê bộ salon bọc vải dạ màu sữa đã cũ nhưng sạch sẽ, trang nhã. Trên tường treo hai bức tranh phỏng theo tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký do Nhà xuất bản Kim Đồng và Công ty Đồ hoạ Việt Nam gửi tặng. Ði nhiều như Dế Mèn, “ông Dế Mèn” lúc này không đi đâu được nếu không trông vào con cháu.

Nhà văn Tô Hoài
Nhà văn Tô Hoài

Lão nhà văn cười hồn hậu: “Đã lâu rồi cả ngày tôi chỉ quanh quẩn trong nhà thôi, từ giường ra ghế, đến cái bộ sa lông, quá lắm là ra đến vườn chứ không ra đường cái. Khi trước tôi khoẻ, có điều kiện đi thực tế, tôi có tư liệu để viết bài. Giờ hai cái đầu gối này đau không đi được. Giờ có tuổi nên sinh hoạt đã hạn chế nhiều.”

Không phải những câu hỏi của tôi mà là ông dẫn dắt câu chuyện bằng hồi tưởng. Ông bảo thuở nhỏ tên là Nguyễn Sen. Lớn lên đi viết báo làm văn lấy bút danh Tô Hoài là ghép sông Tô một con sông cổ chảy qua làng Nghĩa Đô với phủ Hoài Đức mà thành.

Tuổi thơ ông lớn lên trong cái làng cũ kỹ bên cạnh những con người cũ kỹ và lao khổ sát nách Hà Nội cũ. Nhà nghèo, đi học trường làng muộn, nhưng cậu bé Sen sớm tiếp xúc với văn học từ những chuyện cổ của ta, của Tàu do cha mang từ Sài Gòn về: Lục Vân Tiên, Bà chúa Ba, Chinh Tây, Tam Hạ Nam Đường… và  hấp dẫn trí tưởng tượng của Sen với một thế giới mới mẻ, chính là truyện Không gia đình của nhà văn Pháp do Nguyễn Đỗ Mục dịch.

Chú bé Sen ngày ấy đã phải chật vật, xoay sở đủ nghề: Làm nhân viên bán giầy ở hãng giày ba-ta trên phố Hàng Đào, rồi chuyển sang ngồi bàn giấy tính sổ sách cho chủ, nhiều kỉ niệm của tuổi thơ, ông bảo không thể nào quên được.

Ông đã trút tất cả lòng mình xuống trang sách, mong một ngày mai tươi sáng trong thế giới đại đồng, bình đẳng, bác ái, không còn áp bức, bất công. Dế Mèn phiêu lưu ký ra đời từ ý tưởng ấy. Nhắc đến Dế Mèn, ông hào hứng hẳn ra, ánh mắt tinh nhanh, gương mặt dường như trẻ lại: “Dế mèn tôi viết năm 17-18 tuổi, trẻ lắm.

Ban đầu nó chỉ là “Chuyện con dế mèn”, ngắn lắm. Nhưng sau NXB thấy đọc được, bán được nên tôi kéo ra thành “Dế Mèn phiêu lưu ký”. Cuốn đó tôi được nhuận bút 20 đồng. Mà hồi đó 3 đồng một tạ gạo. Chừng ấy tiền đủ cho tôi rong chơi khắp nơi, làm vốn cho những cuốn khác.”

Nói rồi, ông lại nhúc nhắc bước ra phòng khách lần tìm bằng được một chú dế bằng gỗ, khoe: “Thái Lan nó còn chế ra cả những con dế mèn bằng gỗ. Vặn cót lên, nó nhảy tanh tách và kêu rả rích nữa. Thú lắm”. Ông miệng nói, tay run run vặn dây cót để con dế gỗ phát ra tiếng kêu rồi cười lớn một cách hạnh phúc. 

Nhặt chữ của giời

Trong kinh nghiệm sáng tác của mình, Tô Hoài cho rằng quan trọng nhất phải học luôn và học mãi cho giàu có chữ nghĩa, giàu có từng ly từng tí thì sẽ thành công. “Một phần là trời cho, một phần là đọc, lượm lặt chữ của nhân gian, chữ của giời” - ông chỉ tay ra ngoài khung cửa xanh – “như cô hàng bánh nói gì, mình cũng phải học.

 

Các anh trẻ bây giờ nhiều người viết được nhưng viết hay thì hiếm quá. Suốt đời tôi chỉ làm một người nhặt chữ. Văn chương nghệ thuật thì vô cùng nhưng suy cho cùng phải là người giỏi chữ. Anh có tư tưởng lớn lao đến đâu mà không giỏi chữ, anh không thể trở thành nhà văn”. Cả đời ông chắt chiu, tâm niệm làm sao cho giàu có phong phú ngôn từ.

Ông kể, khi viết tập bút ký Giấc mộng ông thợ dìu, người ta phê bình “ông thợ dìu là sao?”... Tô Hoài bảo đó không phải là “ông thợ rìu” mà là ông đang dùng tiếng lóng rất mới và hiện đại. Nhiều năm trở lại đây, người ta học nhảy nhiều, “thợ dìu”  chính là các vũ sư dạy nhảy, kèm cặp học sinh nhảy nhót. “Dìu” ở đây là “dìu dắt nhảy”.

Ông thường tìm đọc các cuốn sách được nhiều người quan tâm trên các văn đàn. Ông hay đọc. Vui thì có thể khẽ nhếch mép cười, mà không vui, không hay thì cũng cứ thản nhiên đọc tiếp, không hề có chút biểu hiện như thể người ăn cơm bỗng khựng lại vì nhá phải một miếng sạn.

“Tất cả có lẽ bắt đầu từ thói quen tự học. Mình tự học chứ do nhà trường dạy là mấy đâu. Thói quen tự học bắt mình phải đọc rất nhiều. Mà cũng có thể do trước Cách mạng, mình hay mua báo cũ đọc, sau thành thói quen không thể không đọc. Mình đọc thế, coi như đi... thực tế”, lão nhà văn tâm sự.

Mà cách đọc của ông có nhiều điểm lạ: “Tôi không bao giờ đọc nửa chừng rồi vứt báo đi. Và khi đọc, tôi đọc lần lượt theo thứ tự trang, không lựa cái gì đọc trước, cái gì đọc sau, cho dù tác giả có là Ma Văn Kháng hay một tác giả mới toanh nào đi nữa cũng thế.” Ông tiếp: “Đọc một tờ báo, dù bài hay, dở đến đâu, bao giờ nó cũng cho mình biết thêm một cái gì: Về tình hình xã hội, giá cả thị trường và thấp nhất là cho mình biết... trình độ người viết. Nó như một thứ vốn, không vào mình ngay một lúc mà vào dần dần.”

“Ngộ” từ lẽ đời

Công việc của một nhà văn rất cực nhọc trên cánh đồng văn chương bất tận, thậm chí khổ ải, như một người tù lao động khổ sai. Tô Hoài là lão làng, là đại thụ lao tâm khổ tứ đêm ngày để cho ra tác phẩm tâm huyết nhưng cũng có không ít quyển bị cấm xuất bản.  

Ông viết khi tác phẩm được hân hoan chào đón, cả khi nhà xuất bản trả lại bản in, ngay cả khi những trận bút chiến nảy lửa về tác phẩm của mình diễn ra ở trên khắp mặt báo ông Tô Hoài cũng vẫn lẳng lặng ngồi vào bàn và tiếp tục viết. Mỗi ngày ông đều cầm bút và tập bản thảo của ông cứ dày theo thời gian.

Năm 2006 Tô Hoài ra tiểu thuyết Ba người khác, quyển sách bị cấm. Sau người ta in chui, có người mang đến nhà ông chục quyển, hai chục quyển. Họ bảo: “Sách bị cấm rồi, in cho cụ để cụ biếu hay tặng ai là do cụ”. Tô Hoài vẫn chẳng có ý kiến gì. Đôi khi đem dư luận ra nói lại cùng ông, xem thái độ phản ứng của ông thế nào, vẫn một câu: “Chẳng đáng gì”.

Ông không có thói quen “quan trọng hoá vấn đề”. Việc nào xảy đến ông cũng bình tĩnh và suy xét, tự tìm câu trả lời cho những câu hỏi tại sao. Khi Mười năm, Cát bụi chân ai, Chiều chiều bị cấm in ông trở về xếp ngay ngắn tập bản thảo trên giá. Ông tự bảo mình, lúc này người ta chưa hiểu thì lúc khác sẽ phải hiểu.

Y rằng, thời gian sau này các cuốn sách đó lần lượt được in. “Cấm tuốt rồi lại in hết”, ông cười hóm hỉnh, đôi mắt sáng tinh anh. “Tôi hay rắc rối thế này, người ta cấm nhưng mà không có ai gọi tôi tới kiểm. Không dám kiểm điểm ông Tô Hoài. Tôi hơn 60 năm tuổi Đảng, bao nhiêu năm cống hiến gia nhập làng báo Cứu Quốc từ thủơ còn tò te tí. Tôi cứ túc tắc viết cho lòng mình thanh thản, vui với câu chữ thế thôi”, nhà văn hoan hỉ.

Lão nhà văn bồi hồi: “Trong tập hồi ký “Cát bụi chân ai”, tôi tả kháng chiến ở Việt Bắc một thời sôi nổi, nhưng cũng có lộn xộn, thậm chí có cả bệnh hoạn, tôi tả khá chi tiết về vấn đề đồng tính. Năm đấy có một anh sinh viên khoa sử người Mỹ đến gặp tôi, rất hoan nghênh quyển “Cái bụi chân ai” của tôi và khuyên tôi bảo tôi gia nhập vào hội viên danh dự Hội người đồng tính” (ông lão cười khì khì)

Ngồi bên ông, ngắm ông rung rinh nụ cười tinh nghịch, tôi bật cười nhớ câu chuyện nhà văn Hà Minh Đức ví Tô Hoài: “Anh như một con mèo đẹp dáng dấp nhẹ nhàng ngồi thu mình sưởi nắng và khi cần thì lao nhanh về phía trước hoà nhập vào giữa dòng đời…”

Thu Hồng (thực hiện)

Đọc thêm