“Làn sóng” đại gia chứng khoán mua các doanh nghiệp sản xuất: Cơ hội và cạm bẫy

(PLO) - Sau khi niêm yết trên sàn chứng khoán, nhiều doanh nghiệp sản xuất đang làm ăn căn cơ bỗng trở thành đối tượng mua bán, sáp nhập của các tập đoàn đầu tư tài chính. Cuộc “hôn nhân” này có thể “thổi giá” cổ phiếu doanh nghiệp lên chưa từng có nhưng cũng tiềm ẩn không ít hệ lụy khó lường. 
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, giá cổ phiếu FIT đã quay đầu giảm điểm sau khi doanh nghiệp tăng vốn thành công
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, giá cổ phiếu FIT đã quay đầu giảm điểm sau khi doanh nghiệp tăng vốn thành công
“Hôn nhân trái dấu”
Công ty Cổ phần Đầu tư FIT (mã chứng khoán FIT) đang trở thành một trong những tâm điểm trên thị trường chứng khoán khi tăng vốn lên gấp đôi và liên tiếp công bố các thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp thuộc đủ các lĩnh vực. 
Mới nhất, ngày 13/5, theo Báo cáo kết quả chào bán cổ phiếu ra công chúng của Công ty Cổ phần Tập đoàn nhựa Đông Á (mã DAG), FIT đã trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp với 1.125.000 cổ phiếu, chiếm 5,92% vốn điều lệ. Cùng thời điểm, FIT nâng tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long (mã DCL) lên 60,07% sau khi mua thêm 4.355.660 cổ phiếu…
Hai thương vụ này nối dài thêm những khoản mục đầu tư, những công ty con, công ty liên kết của FIT. Trong đó có thể kể thêm như Công ty Cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (mã TSC), hiện FIT nắm 65,01%, Công ty Cổ phần Minh Hào Việt Nam (chuyên sản xuất xà phòng, chất tẩy rửa), FIT nắm 49%…
Câu hỏi đặt ra FIT là ai mà có thể tham gia cùng lúc vào nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành nghề sản xuất như vậy? Theo Bản cáo bạch của công ty, FIT hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư và tư vấn đầu tư. Thành lập đầu năm 2007, tính đến ngày 20/5/2015, sau 8 năm phát triển FIT đã tăng vốn điều lệ từ 35 tỷ đồng lên gần 1.800 tỷ đồng, gấp 51 lần, một tốc độ chóng mặt.
Dàn nhân sự chủ chốt của FIT đều thuộc lứa 7x và nhiều vị xuất thân từ các công ty chứng khoán. Ông Phan Trung Phương, Chủ tịch HĐQT trước khi đến FIT là Phó phòng Môi giới và Lưu ký chứng khoán, Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí. 
Ông Nguyễn Văn Sang, thành viên HĐQT, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc FIT trước là Trưởng phòng Môi giới và Lưu ký chứng khoán Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí. Một thành viên HĐQT khác của FIT – ông Ngô Anh Sơn hiện là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Đại Nam…
Sau khi mua lại, ông Nguyễn Văn Sang, người của FIT đã kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT cả DCL và TSC. Phương châm của FIT là “làm giàu vững chắc”, nhưng cũng chính bởi sự can thiệp sâu như vậy vào quản trị của các doanh nghiệp bị mua không khỏi làm dấy lên nhiều lo ngại. 
Dưới bàn tay của những nhà đầu tư tài chính, liệu rằng cuộc sống yên bình trước đây của doanh nghiệp có được duy trì? Cũng như một cuộc hôn nhân, sự khác biệt hay sở trường riêng đến từ hai phía có thể bổ khuyết cho nhau nhưng cũng có thể xung khắc với nhau.
Đầu tư hay đầu cơ?
Mã cổ phiếu FIT đang là một cái tên khá “hot” trên thị trường với khối lượng chuyển nhượng mỗi ngày lên tới hàng triệu cổ phiếu. Chắc chắn FIT cũng muốn cổ phiếu của các doanh nghiệp mà họ mua lại lên giá cao, thanh khoản tốt, có như vậy thì khoản mục đầu tư của FIT mới mang lại hiệu quả. Nhưng cách thức kiếm lời của họ như thế nào, đầu tư hay đầu cơ, thì vẫn là một câu hỏi mà chỉ thời gian mới kiểm chứng được? 
Kỹ năng đầu tư tài chính lọc lõi của những tay “gạo cội” về chứng khoán, đặt trên bệ phóng là vị thế và thương hiệu của những doanh nghiệp sản xuất có bề dày, chắc hẳn không khó để có thể tạo  những “con sóng”. Tuy nhiên, các “con sóng” này rồi sẽ đưa doanh nghiệp đến đâu sau khi nhà đầu tư chốt lời và tìm một chân trời mới? 
Những câu chuyện như của FIT kể trên đã và đang xuất hiện ngày càng phổ biến. Như Báo PLVN từng đề cập, có thể kể đến là trường hợp của  PAN Pacific – Công ty Cổ phần Xuyên Thái Bình (mã PAN). Doanh nghiệp này cũng do một ông chủ chứng khoán điều hành - ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI). 
Bàn tay của PAN đang chi phối thị trường giống cây trồng của cả nước thông qua những khoản góp vốn đầu tư, mua bán sáp nhập doanh nghiệp và hình thành một “phả hệ” với những công ty con, công ty cháu. 
Năm ngoái, PAN mua cổ phiếu của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương (mã NSC), biến doanh nghiệp này thành công ty con (nắm giữ 57,86%). Đầu năm nay, lại đến lượt  NSC mua của phiếu của Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC) và biến công ty này thành công ty con (nắm giữ 61,4%)…
Trong bối cảnh đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải bị buộc thoái vốn ngoài ngành, thì “sân chơi” dành cho những công ty như FIT hay PAN là vô cùng rộng lớn. Chỉ mong là dòng vốn sẽ thực chảy vào các hoạt động sản xuất kinh doanh chứ không “đánh lên, đánh xuống” trên sàn rồi “thổi bong bóng” cho nền kinh tế./.

Đọc thêm