Lan truyền tin thất thiệt: Khi dư luận cũng là... 'đồng phạm'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới đây, sự việc liên quan đến nữ ca sĩ N.M được hé lộ khiến dư luận xôn xao.
Hình ảnh minh họa: Internet
Hình ảnh minh họa: Internet

Vài ngày trước, chủ nhân tài khoản tên T.H.P đã bị cơ quan công an triệu tập và xử phạt vì tung tin đồn thiếu căn cứ liên quan đến nữ ca sĩ trên. Các thông tin do tài khoản này đăng tải thông qua 2 bài viết trên mạng đã khẳng định nữ ca sĩ là vợ cũ của T.H.P, từng bị người này phát hiện ngoại tình với một nam nghệ sĩ xiếc, là chồng của nữ ca sĩ hiện nay.

Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, T.H.P đã khai nhận, do liên hệ với vợ cũ N.M để nhờ việc riêng nhưng không được đáp ứng, anh này đã lập tài khoản giả để lên mạng bịa chuyện bôi xấu N.M.

Còn theo nữ ca sĩ, chị và T.H.P từng tổ chức lễ cưới nhưng không đăng kí kết hôn, một năm sau lễ cưới thì tan vỡ. Sau đó chị tìm hiểu và đến với người chồng hiện nay. Điều đáng nói là những thông tin dù chưa được kiểm chứng hay xác nhận bởi bất cứ người trong cuộc nào nhưng lại lan đi mạnh mẽ, thậm chí nhóm “anti fan” của nữ ca sĩ cũng được lập, liên tục đưa ra những lời sỉ nhục, xúc phạm khiến ca sĩ trên gánh chịu nhiều thiệt hại về vật chất và tinh thần.

Cũng mới đây, NSND Tr.N cũng trở thành nạn nhân của tin đồn thất thiệt. Hình ảnh ông và con gái út chụp tình cảm bên nhau bị một trang mạng cắt ghép, chỉnh sửa, tung tin rằng Tr.N mới cưới vợ nhỏ tuổi.

Hình ảnh này nhanh chóng được trang mạng khác chia sẻ, thêu dệt nên một câu chuyện khác, bôi nhọ mối quan hệ cha con của nghệ sĩ. NSND Tr.N đã phải nhờ cơ quan chức năng vào cuộc, yêu cầu các trang mạng xóa hình ảnh và các thông tin bịa đặt, đồng thời có hình thức xử lý những đối tượng tung tin nhảm.

Có thể thấy, dù kẻ chủ mưu tung tin thất thiệt có bị cơ quan chức năng xử lý nhưng vẫn còn những người “giấu mặt” trên mạng. Những “cư dân mạng” ấy, mỗi người góp một lời “ném đá”, chia sẻ các thông tin sai sự thật, góp phần không nhỏ gây tổn hại cho các nạn nhân.

Đáng nói là bản thân họ có thể vẫn chưa nhận thức được hành vi sai trái của mình. Hết sự việc này, họ lại tiếp tục “lao” vào công kích đối tượng khác bởi những lý do khác cũng có thể chưa được kiểm chứng.

Thậm chí, ngay cả khi sự việc được đưa ra ánh sáng rõ thực hư, một bộ phận “cư dân mạng” vẫn chỉ tin vào những thông tin thất thiệt ban đầu, cho rằng nghệ sĩ đưa thông tin mới chỉ để “tẩy trắng”.

Phải chăng họ cũng là “đồng phạm” gián tiếp gây ra những tổn hại cho các nạn nhân? Và khi một bộ phận dư luận vẫn “dễ tin” vào những thông tin giả thật lẫn lộn, dễ bị kích động, dễ “tấn công” người khác bởi những thông tin chưa kiểm chứng, thì mỗi người khi tham gia mạng xã hội càng cần cẩn trọng, trang bị những kĩ năng và kiến thức cần thiết để bảo vệ chính mình.

Đọc thêm