Nghệ sĩ quốc tế: Giá 'đắt' khi lệch chuẩn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều “ngôi sao”, nghệ sĩ quốc tế nổi tiếng đã nhận về bài học cay đắng khi có những thái độ, hành vi, ứng xử “xấu xí” trước công chúng như quảng cáo sai sự thật, thái độ trịch thượng, cư xử thiếu đứng đắn… Ngoài việc bị công chúng chỉ trích, “tẩy chay”, bị cắt suất diễn, thậm chí bị cấm sóng, nhiều trường hợp còn vướng vào vòng lao lý và mất cả sự nghiệp.
Các ngôi sao xứ Hàn càng nổi tiếng càng phải rất cẩn trọng trong hành vi ứng xử trước công chúng. (Ảnh: BTS tại giải Grammy 2022: Getty Image)
Các ngôi sao xứ Hàn càng nổi tiếng càng phải rất cẩn trọng trong hành vi ứng xử trước công chúng. (Ảnh: BTS tại giải Grammy 2022: Getty Image)

Hình phạt “đau đớn” vì quảng cáo sản phẩm “dễ dãi”

Cũng như tại Việt Nam, sự nổi tiếng của các nghệ sĩ, “ngôi sao” với khả năng tiếp cận đông đảo công chúng, người hâm mộ có thể đem đến cho họ nhiều cơ hội hợp đồng quảng cáo có giá trị, mang về nguồn thu kinh tế lớn. Tại những quốc gia có nền giải trí lớn mạnh đều áp dụng những chính sách quyết liệt với các nghệ sĩ trong lĩnh vực quảng cáo.

Đơn cử, pháp luật Nhật Bản quy định nghệ sĩ khi quảng cáo không được sử dụng những cụm từ như: “tốt nhất”, “hiệu quả nhất”, “thần dược”,… trong các đoạn quảng cáo. Cơ quan quản lý thị trường Nhật Bản cũng đề nghị nghệ sĩ phải có trách nhiệm cao, cung cấp thông tin khách quan, loại bỏ những thông tin sai lệch khi quảng cáo. Còn tại Trung Quốc, sau một loạt bê bối liên quan đến nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, cuối năm 2021, Tổng cục Quản lý nhà nước về Phát thanh, Truyền hình, Điện ảnh Trung Quốc ban hành loạt quy định mới đối với nghệ sĩ có các hoạt động quảng cáo, làm gương mặt đại diện nhãn hàng.

Luật quảng cáo Trung Quốc hiện hành nêu rõ, đối với các hành vi sai trái, người đại diện quảng cáo bị xử phạt hành chính, đồng thời không được nhận quảng cáo trong vòng 3 năm. Tại xứ sở Kpop, các cơ quan quản lý tại Hàn Quốc cấm nghệ sĩ hoạt động quảng cáo trá hình trên mạng xã hội. Các nghệ sĩ xứ Hàn cũng không được phép nhắc tới tên thương hiệu trên sóng truyền hình, ngay cả những sản phẩm do họ làm người mẫu quảng cáo. Mốc xử phạt cao nhất nếu bị vi phạm là 500 triệu won (8,7 tỷ đồng) tùy vào từng trường hợp.

Với những quy định khắt khe như vậy, cùng với sự “khó tính” của khán giả, nhiều trường hợp “ngôi sao” quảng cáo sản phẩm “dễ dãi”, sai sự thật đã vướng phải sự chỉ trích gay gắt từ dư luận, bị áp dụng những chế tài nặng nề, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự và mất cả sự nghiệp. Nhiều bài học “đắt giá” có thể thấy được trong giới showbiz Trung Quốc khi nhiều “ngôi sao” đã nhận về hệ lụy cay đắng từ việc đánh mất niềm tin của công chúng, danh tiếng đã vất vả xây dựng cả cuộc đời chỉ vì nhận quảng cáo sản phẩm kém chất lượng.

Giải Quả cầu vàng (Golden Globe) của Hiệp hội báo chí nước ngoài ở Hollywood đã tuyên bố “tẩy chay” những nghệ sĩ vướng bê bối tình dục và lạm dụng. (Nguồn: Reuters)

Giải Quả cầu vàng (Golden Globe) của Hiệp hội báo chí nước ngoài ở Hollywood đã tuyên bố “tẩy chay” những nghệ sĩ vướng bê bối tình dục và lạm dụng. (Nguồn: Reuters)

Ví dụ như trường hợp của minh tinh Cảnh Điềm, một ngôi sao hạng A của điện ảnh Hoa Ngữ, đã bị cơ quan chức năng Trung Quốc xử phạt 7,2 triệu NDT (hơn 1 triệu USD) kèm theo không được quảng cáo trong 3 năm, bởi hành vi quảng cáo sai sự thật. Nữ diễn viên này đã quảng cáo một loại đồ ăn có khả năng ngăn chặn hấp thu mỡ và đường vào cơ thể trong khi không hề có một báo cáo, nghiên cứu nào chứng minh cho điều này. Diễn viên Mã Y Lợi trở thành đại diện cho thương hiệu trà sữa nằm trong đường dây lừa đảo quy mô lớn. Nữ diễn viên Lưu Thi Thi đã quảng cáo một dòng sản phẩm gội đầu kém chất lượng, gây rụng tóc. Quách Mỹ Mỹ quảng cáo cho thuốc giảm cân chứa chất cấm. Ngay những tên tuổi lớn như Thành Long, Vương Phi, Chương Tử Di… cũng từng dính phải bê bối quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng tiêu cực đến khán giá. Đáng nói, trong số nghệ sĩ quảng cáo sai, có những trường hợp bị điều tra, hầu toà, hoặc bị liệt kê vào “danh sách đen” của Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc.

Tại một nền giải trí khắt khe khác, khán giả Hàn Quốc có thể rất hâm mộ thần tượng nhưng cũng sẵn sàng “tẩy chay” thần tượng vì những thái độ, hành vi ứng xử “xấu xí” nhỏ bé nhất như đối xử không tốt với đồng nghiệp, thái độ coi thường người hâm mộ, từng bắt nạt bạn học,… Các nghệ sĩ hoạt động dưới sự quản lý trực tiếp của công ty giải trí đều phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của cả công ty và pháp luật nước sở tại về hoạt động quảng cáo trên bất kì nền tảng nào. Do đó, nghệ sĩ khó thể tự ý nhận quảng cáo sản phẩm đại trà, nhất là những sản phẩm chưa ký hợp đồng quảng cáo với công ty quản lý. Mọi hình ảnh, bài viết đều chịu sự kiểm duyệt gắt gao từ ê-kíp theo đúng quy trình cùng các giấy tờ, xuất xứ, kiểm định từ cơ quan chức năng, cho đến giá trị thương mại…

Càng nổi tiếng, các nghệ sĩ càng phải chú ý đến từng hành vi, cử chỉ và hoạt động quảng cáo của bản thân để tránh “sai một li đi một dặm”. Những trường hợp vi phạm có thể đem đến nhiều hệ lụy. Ví dụ, nghệ sĩ Han Ye Seul bị chỉ trích khi quảng cáo sản phẩm trá hình qua kênh YouTube. Ca sĩ Kang Min Kyung của nhóm nhạc Davichi đã giới thiệu loạt trang phục quần áo, đồ dùng dành cho phái nữ... qua các vlog trên kênh cá nhân không kiểm chứng chất lượng. Kết quả, dù đã xin lỗi khán giả và truyền thông, danh tiếng của họ vẫn khó thể phục hồi như trước.

Người nổi tiếng cần là chuẩn mẫu cho công chúng

Nghệ sĩ khi trở thành người nổi tiếng, họ cũng là nhân vật của công chúng, được đông đảo người hâm mộ, khán giả và dư luận đại chúng dõi theo. Sự xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông khiến người nổi tiếng dễ tiếp cận hơn và có thể sử dụng danh tiếng của mình để thu hút sự chú ý đến các vấn đề, mục tiêu và hành động của họ. Do vậy, thái độ, hành vi, ứng xử của người nổi tiếng thường được quan tâm hơn; nếu họ ứng xử đẹp thì có thể trở thành hình mẫu tích cực cho người hâm mộ noi theo; nhưng nếu họ ứng xử “xấu xí” thì sức ảnh hưởng tiêu cực với đám đông cũng rất đáng lo ngại, đặc biệt đối với giới trẻ.

Nói cách khác, tấm gương tốt từ các nghệ sĩ có thể truyền cảm hứng và nguồn động lực lớn lao đến đông đảo người hâm mộ để hy vọng và theo đuổi những điều tích cực trong cuộc sống. Ví dụ như những người nghệ sĩ làm việc chăm chỉ để thành công, nuôi dưỡng tài năng, cống hiến cho nghệ thuật một cách nghiêm túc, đồng thời vươn lên từ những sai lầm nội tại và thách thức từ ngoại cảnh.

Là một tên tuổi đình đám, nữ ca sĩ người Mỹ Taylor Swift dù vướng phải nhiều thị phi nhưng vẫn được nhiều người yêu mến bởi những ứng xử khôn khéo, chuyên nghiệp, văn minh trong những tình huống “éo le” như bị đồng nghiệp nói xấu, bị khán giả chỉ trích,… Nữ ca sĩ cũng sẵn sàng xin lỗi đồng nghiệp khi phần sai thuộc về mình, bảo vệ nhân viên và khán giả của mình trong nhiều trường hợp. Bên cạnh đó, nữ ca sĩ vẫn cần mẫn sản xuất âm nhạc và các sản phẩm nghệ thuật để phục vụ khán giả, thuyết phục khán giả bằng tài năng và sản phẩm của mình.

Nhiều ngôi sao, như Taylor Swift muốn dùng danh tiếng của mình để truyền cảm hứng tích cực tới người hâm mộ. (Nguồn: Getty Image)

Nhiều ngôi sao, như Taylor Swift muốn dùng danh tiếng của mình để truyền cảm hứng tích cực tới người hâm mộ. (Nguồn: Getty Image)

Cần biết rằng, người nổi tiếng cũng có những sai lầm của riêng họ, tuy nhiên cách họ sửa sai và ứng xử trước công chúng như thế nào có thể tạo nên những hiệu ứng tốt hoặc xấu đối với người hâm mộ. Tin tốt là có rất nhiều người nổi tiếng luôn cố gắng trở thành tấm gương tích cực và sử dụng danh tiếng của mình để khuyến khích người khác làm điều tương tự, nhất là giới trẻ. Đơn cử như sống thân thiện với môi trường, chăm sóc sức khoẻ bằng cách tập thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh, hoặc tham gia hoạt động từ thiện thực chất để giúp đỡ cho những người đang gặp khó khăn…

Ngược lại, cũng có nhiều người nổi tiếng được xem là có ảnh hưởng tiêu cực đến khán giả, đặc biệt là trẻ em và thanh, thiếu niên. Điều đáng lo ngại là người hâm mộ trẻ tuổi có thể sao chép những hành vi “xấu xí” của thần tượng trong cuộc sống và trên các nền tảng Internet, mạng xã hội, qua đó sự lan toả những điều tiêu cực rộng rãi hơn, để lại hậu quả khôn lường cho chính bản thân họ và xã hội. Một số hình mẫu “xấu xí” nổi tiếng nhất thường được biết đến với những hành vi đáng lên án như bạo lực và lạm dụng chất gây nghiện, quấy rối tình dục, chửi bới tại nơi công cộng, quảng cáo các sản phẩm không đúng sự thật…

Nhiều tên tuổi “đình đám” Hollywood từng vướng phải những bê bối về ứng xử, trong đó có những “ngôi sao” đã phải hầu toà vì bê bối tình dục, có thể kể tới Danny Masterson, Harvey Weinstein, Oh Yeong-su, Cuba Gooding Jr., Drake Bell,…. Mặt khác, nhiều giải thưởng lớn của Mỹ, như Giải Quả cầu vàng (Golden Globe) của Hiệp hội báo chí nước ngoài ở Hollywood, đã tuyên bố bố “tẩy chay” những nghệ sĩ vướng bê bối tình dục và lạm dụng.