Làng gốm Bồ Bát hồi sinh sau hàng trăm năm “thất truyền”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhắc đến vùng đất Ninh Bình, người ta có thể nghĩ ngay đến những khu di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong và ngoài nước như Tràng An, Tam Cốc Bích Động, Chùa Bái Đính, Cố đô Hoa Lư,.. Ngoài ra nơi đây còn có nhiều làng nghề truyền thống mang hồn cốt của vùng kinh kỳ một thời, tuy nhiên đã bị mai một theo thời gian, điển hình là làng gốm Bồ Bát tại huyện Yên Mô.

Làng gốm Bồ Bát, được chuộng cách đây hàng trăm năm trong lòng cố đô Hoa Lư. Tuy nhiên qua thời gian, gốm Bồ Bát đã mai một và dần biến mất trên bản đồ những thương hiệu gốm của Việt Nam. Thời gian gần đây gốm Bồ Bát đang dần được “hồi sinh” bởi một nghệ nhân 8X tại quê hương Yên Mô, Ninh Bình.

Sản phẩm gốm Bồ Bát sau khi đã hoàn thiện.

Sản phẩm gốm Bồ Bát sau khi đã hoàn thiện.

Gốm Bồ Bát từng nức tiếng một thời, mai một theo thăng trầm lịch sử

Nghề gốm cổ Bồ Bát bắt nguồn từ làng Bạch Bát – Bồ Xuyên, chấn Thanh Hoa thuộc Ái Châu xưa, nay là làng Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Theo sử sách ghi lại, làng gốm Bồ Bát (thời đó thuộc phủ Trường Yên) đã nổi danh cách đây hàng ngàn năm với những sản phẩm gốm sắc trắng độc đáo do các nghệ nhân tài hoa của làng sáng tạo nên.

Khác với việc sử dụng chất liệu đất sét vàng như gốm Gia Thủy, thuộc huyện Nho Quan của Ninh Bình, gốm cổ Bồ Bát được làm bởi nguồn đất sét trắng quý hiếm chỉ ở vùng này mới có.

Gốm Bồ Bát - Ninh Bình từng vang bóng một thời.

Gốm Bồ Bát - Ninh Bình từng vang bóng một thời.

Nhiều ghi chép để lại, cho thấy gốm Bồ Bát phát triển rực rỡ từ thế kỷ X. Theo tài liệu giới thiệu “Lịch sử nghề gốm ở Thổ Hà” của Ty Văn hóa Hà Bắc, và tài liệu Tìm hiểu nghề gốm ở Bát Tràng, tư liệu đánh máy của Viện Mỹ thuật, năm 1964, vào khoảng thời Lý - Trần có người đỗ Thái học sinh (đặc biệt chức Thái học sinh thì mới có từ thời Trần) được cử đi sứ nhà Tống (Trung Quốc) là: Hứa Vĩnh Kiều, người làng Bồ Bát (Thanh Hóa), Đào Trí Tiến, người làng Thổ Hà (Hà Bắc), Lưu Phong Tú, người làng Kẻ Sặt (Hải Dương).

Cả ba ông, khi đi sứ đã học được nghề sứ gốm. Khi về nước, ba ông chọn ngày lành tháng tốt lập đàn ở bên sông Hồng làm lễ truyền nghề cho dân làng. Công nghệ có được phân như sau: Ông Kiều về Bồ Bát chuyên chế các hàng gốm sắc trắng, ông Tiến về Thổ Hà chuyên chế các hàng gốm sắc đỏ, ông Tú về Phù Lãng chuyên chế các hàng gốm sắc vàng, thẫm.

Quy trình làm nên một sản phẩm gốm có rất nhiều công đoạn, rủi ro.

Quy trình làm nên một sản phẩm gốm có rất nhiều công đoạn, rủi ro.

Qua thời gian nghiên cứu, chế tạo thành công, ba ông lấy các đồ gốm do tay mình chế được, dâng Vua xem. Nhà Vua thấy sản vật đẹp, liền khen thưởng các quan sứ thần bốn chữ “Trung Ái Quán Thế” và phong cho ba ông danh “Khởi nghệ tiên triết”.

Tục truyền, dịp này, dân làng ở ba nơi đều tế lễ sầm uất và linh đình. Sau dâng ba tuần rượu, dân chúng nhảy nhót hoan hô để biểu dương các ngài đem nghề về truyền cho dân. Sau khi ba ông mất, dân chúng ba nơi đều tôn ba ông là “Tổ sư”, tức “Tổ nghề”.

Vào thời Lý – Trần, những người thợ tài hoa của làng đã sáng tạo ra những sản phẩm cao cấp như gạch đất nung “Đại Việt quốc quân thành chuyên” – loại gạch chuyên dùng để xây thành, các sản phẩm gốm tinh xảo như đầu rồng, mặt linh thú, bát đĩa, đồ gia dụng…

Gốm Bồ Bát được tạo bằng đất sét trắng quý hiếm chỉ vùng này mới có.

Gốm Bồ Bát được tạo bằng đất sét trắng quý hiếm chỉ vùng này mới có.

Những biến thiên lịch sử xảy ra theo quy luật làm ảnh hưởng đến việc lưu trữ hồn cốt của gốm Bồ Bát. Đến năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, hàng loạt các nghệ nhân tại làng nghề Bồ Bát đã theo triều đình về đất Thăng Long xây dựng kinh đô mới, sản xuất các sản phẩm gốm sứ phục vụ triều đình và dân sinh.

Những nghệ nhân này đã đến định cư tại vùng đất ven sông Hồng, nơi có đất sét tốt để sản xuất gốm sứ và thành lập nên làng nghề Bát Tràng ngày nay. Ở đình làng Bát Tràng ngày nay vẫn còn đôi câu đối ghi lại việc di cư này:

“Bồ di thủ nghệ khai Đình vũ

Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần”

(Đem nghề nghiệp từ làng Bồ Bát ra đây để xây dựng miếu đình

Lòng dân thành kính tựa hương lan, dâng lên cúng thánh thần).

Sau khi những nghệ nhân giỏi theo triều đình khăn gói ra đất Thăng Long lập phường làm gốm mới, người dân Bồ Bát không còn giữ được nghề truyền thống, dần dần những người ở lại chủ yếu cấy lúa, làm ruộng để sinh sống và lãng quên đi cái nghề từng hưng thịnh một thời. Nghề gốm sứ ở Bồ Bát đã dần bị mai một từ thời điểm này.

Hành trình “hồi sinh” diệu kỳ

Là một người con sinh ra trên mảnh đất Cố Đô hàng ngàn năm lịch sử, tại làng Bạch Liên, thuộc xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình với bao thay đổi thay, thăng trầm, chứng kiến nghề gốm cổ truyền của quê hương bị “thất truyền”, vì vậy sau khi học xong Trung học phổ thông, thay vì bước chân vào giảng đường Đại học như bao bạn bè đồng trang lứa, anh Phan Văn Vang quyết định ra Hà Nội làm trong một xưởng gốm sứ để học hỏi những kinh nghiệm trong kỹ thuật vẽ các họa tiết hoa văn tranh cổ và những yêu cầu quy chuẩn của đồ gốm.

Sau 10 năm lên đường đi học nghề gốm, chàng trai này đã quay trở lại mảnh đất Yên Thành để quyết tâm xây dựng lại làng gốm trên chính mảnh đất quê hương.

Nghệ nhân ưu tú Phan Văn Vang.

Nghệ nhân ưu tú Phan Văn Vang.

“Trong những suy nghĩ non trẻ của chàng trai mười tám đôi mươi, tôi vẫn có thể tưởng tượng ra niềm vui nếu có thể phục dựng lại được nghề của quê hương, vừa có thể làm giàu trên chính quê hương mình”, anh Phạm Văn Vang tâm sự.

Anh rời Bát Tràng đi lên Bắc Giang làm trong một xưởng gốm sứ xuất khẩu học hỏi những kinh nghiệm trong kỹ thuật vẽ các họa tiết hoa văn tranh cổ và những yêu cầu quy chuẩn của đồ gốm xuất khẩu. Vừa làm vừa học về các họa tiết tranh cổ và tích lũy kinh tế đợi ngày về quê lập nghiệp. Trời thương chàng trai có ý chí, nên đã se duyên cho anh gặp được người vợ hiền bây giờ ở chính xưởng gốm. An cư thì mới lâp nghiệp được, sau 6 năm vừa học vừa làm, từ một người ngoại đạo đã trở lành nghệ nhân gốm lành nghề, anh Phạm Văn Vang cùng vợ quay trở về quê Bạch Liên mở xưởng gốm và phục dựng lại nghề gốm cổ quê hương đã bị thất truyền.

Nghệ nhân ưu tú Phan Văn Vang.

Nghệ nhân ưu tú Phan Văn Vang.

Chính thức trở thành “ông chủ”, cũng chính là lúc anh Vang đối mặt với vô số những khó khăn. Đầu tiên chính là vốn sản xuất, gia đình không mấy khá giả, cùng số tiền tích lũy bao năm đi làm gốm thuê chỉ đủ để xây dựng xưởng, tiền thuê nhân công và chi phí vật liệu vẫn là quá nhiều với anh. Anh nghĩ đến việc xin vay vốn và hỗ trợ của địa phương, dẫu được ủng hộ, nhưng với vị trí là một xã nghèo, cùng sự kém phổ biến của nghề, số vốn được vay vẫn còn quá ít. Gom góp lại, anh có hơn 100 triệu để xây dựng cơ sở gốm của mình, đưa thợ nghề ra Bát Tràng học nghề,…

Điều thuận lợi duy nhất để xây dựng cơ sở làm gốm của anh Vang có lẽ chính là nguồn nguyên liệu. Trên địa bàn xã Yên Thành có loại đất sét Bồ Di, còn gọi là đất non sương rất quý hiếm. Loại đất này có đặc điểm tạo nên dòng men trắng số 1 hiện nay và chỉ cần nung 50-70% thời gian so với các loại đất khác nhưng vẫn bảo đảm chất lượng về độ mịn, cứng, sau khi nung sản phẩm ít bị nứt, vỡ hơn so với các loại đất sét khác. Đây là điều kiện thuận lợi cho dòng gốm cổ Bồ Bát hồi sinh, phát triển.

Những sản phẩm gốm sứ Bồ Bát hiện nay được thử thách qua thời gian, được chọn lọc, được thừa nhận để tồn tại và phát triển. Nghệ nhân Phạm Văn Vang quan niệm: “Thời xưa cha ông đã để lại cho hôm nay những tác phẩm gốm giá trị, con cháu ngày hôm nay phải phấn đấu, tạo dựng ra các sản phẩm giá trị cao, không chỉ cho hôm nay mà còn cho thế hệ mai sau. Để cho lò gốm của Bồ Bát không bao giờ tắt lửa.”

Vẫn biết, tất cả mới chỉ là bắt đầu và còn rất khó khăn đang chờ đợi phía trước. Nhưng với những gì mà chàng nghệ nhân trẻ Phạm Văn Vang đã làm được, có thể nói gốm Bồ Bát đang dần hồi sinh. Uớc mơ của người dân Bạch Liên về những ngày đỏ lửa lò gốm nay đã trở thành hiện thực. Việc phục dựng làng nghề gốm Bồ Bát đã mang đến một sự khởi sắc cho đời sống của người dân nơi đây, mang đến “công an việc làm” và cả niềm tự hào cho địa phương.

Sự hồi sinh của làng gốm Bồ Bát mang đến nhiều cơ hội việc làm cho người dân tại huyện Yên Mô, Ninh Bình.

Sự hồi sinh của làng gốm Bồ Bát mang đến nhiều cơ hội việc làm cho người dân tại huyện Yên Mô, Ninh Bình.

Từ những ngày đầu mới phục dựng, trải qua không biết bao nhiêu lần thất bại, ngày nay gốm Bồ Bát không những đã nổi danh khắp cả nước mà còn vươn ra các thị trường tiểu ngạch như Mỹ hay Nhật Bản thậm chí là cả các doanh nghiệp lớn của Pháp cũng đã đề nghị về việc sản xuất độc quyền sản phẩm. Vấn đề này vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn cho gốm Bồ Bát về việc vẫn giữ được bản sắc riêng của Việt Nam trên thị trường quốc tế, không bị mai một hay hoà tan.Tin rằng với sức trẻ, niềm đam mê và sáng tạo, nghệ nhân ưu tú Phan Văn Vang sẽ còn giúp gốm Bồ Bát đi xa hơn nữa, đất ngủ suốt ngàn năm sẽ thức dậy, sáng lòa.