Làng hương cổ tất bật vào vụ Tết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngày này, làng làm hương truyền thống Quán Hương (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đang rộn ràng vào vụ để kịp cho ra những mẻ hương trầm ngào ngạt hương thơm phục vụ người dân đón Tết cổ truyền.
Hương thành phẩm sẽ được đóng gói, dán nhãn trước khi đem đi tiêu thụ.
Hương thành phẩm sẽ được đóng gói, dán nhãn trước khi đem đi tiêu thụ.

Nói đến nghề làm hương nức tiếng ở miền Trung, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến làng Quán Hương. Ngôi làng nằm bên quốc lộ 1A, hình thành cách đây 200 năm và nổi tiếng nhờ có bí quyết đặc biệt để làm ra loại hương trầm có mùi hương đặc biệt. Trải qua những thăng trầm lịch sử, bao thế hệ người dân nơi đây vẫn gắn bó, phát triển nghề góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho nhiều người, nhất là vào dịp Tết đến, xuân về.

Là một trong những người kế thừa nghề làm hương truyền thống của cha ông, ông Nguyễn Tấn Kỳ (SN 1971, trú thị trấn Hà Lam) luôn cố gắng phát huy và duy trì nghề truyền thống này. Ông Kỳ cho biết, nghề làm hương được duy trì quanh năm, nhưng dịp cuối năm sản lượng tăng gấp 5 lần vì nhu cầu người mua nhiều. Vì thế, xưởng của ông phải luôn duy trì từ 8-10 lao động, đỉnh điểm có lúc làm đến 2 giờ sáng.

“Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, tôi đã đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm của mình và đầu tư thêm máy làm hương tự động, máy xay để làm ra các loại bột quế, quỳ đàm, tùng, trám, mai… tạo mùi thơm cho hương cũng như mẫu mã đẹp, đa dạng kích cỡ”, ông Kỳ nói.

Có kinh nghiệm làm hương trầm hơn 20 năm, ông Võ Đức Thành (SN 1967, trú thị trấn Hà Lam) chia sẻ, hương trầm Quán Hương có đặc trưng riêng không lẫn với nơi khác bởi bột hương được làm từ 2 hỗn hợp bột quế Trà My và bột vỏ cây Bời Lời đỏ vùng Tây nguyên. Sau đó, hương được mang đi phơi, tùy thuộc vào thời tiết mà có thể phơi từ 1 đến 3 ngày để giữ lại mùi thơm.

Người dân Quán Hương tất bật vào vụ Tết.

Người dân Quán Hương tất bật vào vụ Tết.

“Dân làng Quán Hương chúng tôi làm hương không chỉ vì tạo nguồn thu nhập cho gia đình mà còn để lưu giữ giá trị truyền thống, tâm linh tốt đẹp của ông bà để lại. Vì thế, mọi người rất cẩn thận, đặt hết tâm huyết trong từng công đoạn từ chuẩn bị nguyên liệu, làm hương cho đến đóng gói thành phẩm”, ông Thành chia sẻ thêm.

Theo ông Thành, vụ Tết năm nay bình quân mỗi gia đình trong làng sản xuất từ 150 - 250kg hương/ngày. Cận Tết, khách đặt hàng nhiều làm không xuể, nhiều nhà phải thuê thêm người, tăng ca làm việc thì mới kịp tiến độ giao hàng. Sau khi hoàn thành, các thương lái sẽ đến tận nơi thu mua rồi chuyển đi các vùng trong tỉnh hay các địa phương lân cận như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định. Vụ Tết, trung bình mỗi hộ dân thu lợi nhuận từ 40 - 50 triệu đồng.

Ông Võ Tấn Hiếu, Trưởng ban đại diện làng nghề Quán Hương cho biết: “Để giữ gìn phát huy làng nghề làm hương tại địa phương, chúng tôi luôn đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu. Hiện tại làng nghề địa phương có 100 hộ tham gia với hơn 300 lao động làm hương thường xuyên. Trước đây, các hộ dân sản xuất theo phương pháp thủ công, nay đã chuyển sang làm máy đạp bằng chân, năng suất từ đó tăng cao hơn. Trung bình mỗi tháng, các hộ cung ứng 30 tấn tăm hương và 50 tấn bột các loại ra thị trường. Dịp này, do có nhiều đơn đặt hàng từ các huyện trong và ngoài tỉnh nên người dân đang tập trung mọi nguồn lực để sản xuất cho vụ Tết.

Phơi hương

Phơi hương

Theo ông Nguyễn Ngọc Duẩn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hà Lam, làng nghề Quán Hương có tuổi đời hàng trăm năm. Mỗi năm, làng nghề sản xuất khoảng 900 tấn hương, tiêu thụ khắp cả nước. Nhiều gia đình đã tranh thủ sản xuất ngay từ dịp hè và trữ hàng phục vụ Tết. Ngoài loại hương cây truyền thống, nhiều hộ còn sản xuất thêm hương vòng, viên hương trầm...

Trong tâm thức mỗi người dân Việt, mỗi nén hương khi đốt lên sẽ tạo ra cầu nối vô hình giữa hai thế giới hiện tại và tâm linh. Vì thế, việc lưu giữ và phát triển làng nghề Quán Hương ngày một thịnh vượng như thế cũng góp một phần không nhỏ trong công cuộc giữ gìn bản sắc, văn hoá thờ cúng tổ tiên của dân tộc ta.

“Hiện trong làng có hơn 50 máy sản xuất hương công nghiệp. Không chỉ là làng nghề truyền thống, nghề làm hương giờ trở thành nghề cho thu nhập chính của nhiều hộ dân. Ngôi làng cũng trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước”, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hà Lam Nguyễn Ngọc Duẩn thông tin.

Đọc thêm