“Lắng nghe” công trình gắn ký ức cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các hoạt động sáng tạo “Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024” sẽ là cuộc đối thoại giữa công trình hiện hữu, gắn ký ức cộng đồng với những ý tưởng sáng tạo mới để nhấn mạnh vai trò của giới trẻ trong tiếp nối, phát huy các giá trị của dân tộc trong phát triển ngành công nghiệp sáng tạo, thúc đẩy Thủ đô phát triển thực sự xứng tầm là trung tâm sáng tạo của cả nước.
Chuyến tàu hành trình đánh thức di sản. (Ảnh: TA)
Chuyến tàu hành trình đánh thức di sản. (Ảnh: TA)

“Giao lộ sáng tạo” tại 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 do UBND thành phố Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo; Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và Tạp chí Kiến trúc thực hiện; có sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội… sẽ diễn ra từ ngày 9 - 17/11/2024.

Lần đầu tiên, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội với chủ đề “Giao lộ sáng tạo của Thủ đô” được thí điểm hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Hà Nội với hàng trăm hoạt động sáng tạo sôi nổi thuộc các lĩnh vực vực kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo... “Giao lộ sáng tạo” không chỉ thí điểm một tuyến trải nghiệm về kinh tế sáng tạo cho thành phố trong tương lai, mà hơn thế, còn là nơi thể hiện tiềm năng sáng tạo của thành phố, góp phần cộng hưởng, kết nối và thu hút các nguồn lực sáng tạo; đánh thức tinh thần sáng tạo của các thế hệ người dân Hà Nội.

Khu vực chính diễn ra Lễ hội là Quảng trường Cách mạng tháng Tám, kết nối trục Bắc - Nam (phố Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông) và Trục Đông - Tây (dốc Bác Cổ - phố Tràng Tiền), gồm các công trình kiến trúc nổi bật như Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ) Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Tổng hợp... và 5 vườn hoa Lý Thái Tổ, Cổ Tân, vườn hoa Diên Hồng… trên tuyến.

Tuyến trải nghiệm của Lễ hội sẽ là dịp đưa các công trình kiến trúc nổi bật, gắn liền với lịch sử Hà Nội đến gần hơn với đời sống người dân. Một số công trình lần đầu tiên mở cửa đón khách tham quan như Công trình Nhà khách Chính phủ và một số tour tham quan được “kích hoạt” như: tham quan Nhà hát Lớn, Đại học Tổng hợp… Các hoạt động sáng tạo được tổ chức tại đây sẽ là cuộc đối thoại giữa công trình hiện hữu, gắn ký ức cộng đồng với những ý tưởng sáng tạo mới để nhấn mạnh vai trò của giới trẻ trong tiếp nối, phát huy các giá trị của dân tộc trong phát triển ngành công nghiệp sáng tạo, thúc đẩy Thủ đô phát triển thực sự xứng tầm là trung tâm sáng tạo của cả nước.

Lễ hội chủ trì gần 100 hoạt động sáng tạo. Điểm nhấn là các công trình biểu tượng, sắp đặt mô hình không gian sáng tạo, hoạt động triển lãm - trưng bày, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trải nghiệm, các tọa đàm, hội thảo quốc tế và trong nước thuộc lĩnh vực sáng tạo... Đồng thời, tinh thần sáng tạo cũng được lan toả tại khắp các không gian di sản văn hóa, không gian sáng tạo, các làng nghề truyền thống trên khắp các tuyến phố, các địa bàn quận, huyện, thị xã của Thủ đô.

Để sáng tạo không chỉ khu trú trong không gian lễ hội, mà còn lan tỏa đến từng người dân, Lễ hội phát đi thông điệp kêu gọi các tổ chức, cá nhân, cơ quan, cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố cùng cộng hưởng sáng tạo, trưng bày tại chỗ các “sáng kiến sáng tạo” của mình. Hứa hẹn, Nhân dân và du khách Thủ đô sẽ được sống trong không khí của một “bữa tiệc sáng tạo” độc đáo, thú vị.

Vị thế Hà Nội - Thành phố “nhạc trưởng sáng tạo”

Theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, Hà Nội là Trung tâm đầu não chính trị, hành chính của quốc gia, là Trung tâm Văn hóa, Giáo dục Đào tạo và Khoa học Kĩ thuật của cả nước. Vị thế “Thành phố nhạc trưởng sáng tạo” dựa trên tiềm lực to lớn của một siêu đô thị 10 triệu dân và phát triển nhanh chóng với tỉ lệ đô thị hóa khoảng 55 - 60%.

Trong sự phát triển ấy, công nghiệp văn hóa được định hình dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 09-NQ/TU. Nhiều hoạt động thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô đã được khuyến khích, trong đó có Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội bắt đầu được tổ chức, trở thành sự kiện thường niên của thành phố.

Lễ hội năm thứ 4 được tổ chức trong bối cảnh Hà Nội đang hiện thực hóa các sáng kiến khi tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO. Chính thức gia nhập từ năm 2019, Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam trở thành thành viên của Mạng lưới. Với vai trò Thành phố “nhạc trưởng sáng tạo”, vị thế sáng tạo của Hà Nội đã lan tỏa đến nhiều địa phương và hiện nay, cả nước có thêm thành phố Hội An và Đà Lạt tham gia Mạng lưới này.

Theo BTC, việc tổ chức Lễ hội là một trong những hoạt động ý nghĩa nhằm củng cố thương hiệu “Thành phố sáng tạo Hà Nội”. Qua mỗi năm, các chủ đề và quy mô của Lễ hội ngày một mở rộng và trở thành ngày hội của giới sáng tạo và người yêu văn hoá Thủ đô. Lễ hội được tổ chức thường niên như một sáng kiến cấp quốc tế của Hà Nội tạo nên sự cộng hưởng và nguồn cảm hứng cho sáng tạo trong Nhân dân. Lễ hội đã thúc đẩy cho quá trình phát triển mạng lưới Nhà thiết kế sáng tạo trẻ, hỗ trợ các không gian sáng tạo và ra mắt Trung tâm điều phối hoạt động sáng tạo thời gian tới.

Được tổ chức vào dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô, hoạt động của Lễ hội mang đậm dấu ấn ký ức Hà Nội, đánh thức, gợi nhắc ký ức lịch sử và sức mạnh sáng tạo của các thế hệ người dân Thủ đô. Thông qua Lễ hội, công chúng thêm trân trọng lịch sử, trân trọng quá khứ và khơi nguồn sáng tạo để kế thừa và tiếp nối những giá trị sáng tạo mà các thế hệ trước đã xây đắp và để lại.

Bên trong tháp nước Hàng Đậu - công trình nghệ thuật đặc sắc của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023. (Ảnh: Nhật Quang)

Bên trong tháp nước Hàng Đậu - công trình nghệ thuật đặc sắc của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023. (Ảnh: Nhật Quang)

Nơi gửi gắm tình yêu, niềm tự hào về Hà Nội

Trước đó, tại Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 với chủ đề “Dòng chảy” truyền đi thông điệp: Thiết kế sáng tạo - Đánh thức di sản công nghiệp, giúp biến đổi các nhà máy, kho xưởng đang “say ngủ” thành tổ hợp sáng tạo mang tính thẩm mỹ và giá trị giáo dục cao.

“Kiến trúc, nhà máy và vẽ giấc mơ hiện đại” do kiến trúc sư Mai Hưng Trung, sáng lập của tổ chức Hanoi Ad hoc thiết kế, gồm 05 khu vực do Hà Nội Ad Hoc, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội và Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đồng thực hiện. Triển lãm đan xen giữa khai phá tài liệu lịch sử về những di sản công nghiệp hoạt động trên mảnh đất Hà Nội và khai phá tinh thần kiến tạo giá trị văn hóa mới mẻ.

Pavilion kiến trúc ngoài trời “Bến chờ” do kiến trúc sư Lê Quang Thạch - Công ty kiến trúc nội thất AVALO thiết kế, được đặt tại khu vực sân Cầu lăn chìm của nhà máy. Thiết kế pavilion kiến trúc “Bến chờ” được lấy cảm hứng từ ký ức của Nhà Ga đường sắt, nơi trung chuyển, nơi của chia xa, nơi của gặp lại, là nơi mang đến ký ức, những cuộc gặp gỡ, đoàn tụ…

Pavilion kiến trúc & nghệ thuật tại “Phân xưởng nóng” do kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang - Toob studio thực hiện trưng bày những ghi chép về những hiện vật tồn tại trong phân xưởng, cũng như cung cấp chuỗi tư liệu hình ảnh của các cơ sở công nghiệp khác ở Việt Nam. Lấy cảm hứng từ tác phẩm “Tính tương đối” của nghệ sĩ thị giác M. C. Escher, nhóm tác giả mong muốn đem lại cảm giác vô tận khi khám phá không gian bằng cách di chuyển trên những cốt sàn có cao độ khác nhau.

Tại khu vực Tháp nước Hàng Đậu, trưng bày “Sắp đặt nước và Di sản Tháp nước Hàng Đậu” là một trải nghiệm không gian nghệ thuật sắp đặt ánh sáng từ vật liệu tái chế và hệ thống sắp đặt âm thanh của nước rất độc đáo, tái hiện lại âm thanh của nước trong tự nhiên. Kiến trúc sư Cao Thế Anh và hoạ sĩ Nguyễn Đức Phương thực hiện không gian nghệ thuật này.

Các “Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội” khẳng định sức sống và nguồn lực sáng tạo của Hà Nội; kết nối các nhà thiết kế sáng tạo trẻ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, công nghệ… cho phát huy các nguồn lực văn hóa, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của cộng đồng sáng tạo, qua đó chung niềm tự hào về Hà Nội hôm nay và khát khao cho Hà Nội ngày mai.

Nguyên Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Christan Manhart từng chia sẻ với truyền thông: “Hà Nội, với di sản văn hóa nổi bật và số lượng lớn những người sáng tạo, đang sở hữu những tiềm năng to lớn để sáng tạo làm chất xúc tác cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Các nhân tài Việt Nam đang cho chúng ta thấy một lần nữa tinh thần đổi mới của họ, đóng góp cho việc dựng xây thành phố, vì lợi ích của mỗi công dân nơi đây như thế nào”.

Giữa lòng Hà Nội, các nhà sáng tạo gửi gắm tình yêu qua những không gian nghệ thuật, gắn với di sản văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, thân thiện môi trường. Các thiết kế đã phát huy truyền thống lịch sử văn hóa đất Kinh kỳ ngàn năm, góp phần phát triển của ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo của Thủ đô.

Năm 2019, Hà Nội vinh dự trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Đây là cơ hội lớn để Thủ đô định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, thúc đẩy sáng tạo và công nghiệp văn hóa. 5 năm qua, Thành phố đã có những bước đi cụ thể để hiện thực hóa các cam kết khi gia nhập Mạng lưới và tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp để củng cố vị thế, định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo.