Làng nghề đất Kinh kỳ tấp nập đón xuân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Những ngày giáp Tết cổ truyền, các làng nghề đất Kinh kỳ lại tấp nập chuẩn bị những sản vật tinh hoa, đặc sắc của quê hương phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân.
 Làng bánh chưng Tranh Khúc tấp nập vào vụ Tết.
Làng bánh chưng Tranh Khúc tấp nập vào vụ Tết.

Lò gốm đỏ lửa

Làng gốm sứ Bát Tràng thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, cách nội thành Hà Nội hơn 10km. Làng gốm được hình thành từ thời Lý, sản xuất theo lối thủ công, thể hiện rõ rệt tài năng sáng tạo của người thợ lưu truyền qua nhiều thế hệ, đã khẳng định được thương hiệu và được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng.

Những ngày giáp Tết cổ truyền, khách tới tham quan mua hàng không chỉ đến từ trung tâm nội đô mà còn tới từ nhiều tỉnh, thành. Bà Thu Minh, 65 tuổi (Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Năm nay là năm Quý Mão, tôi cùng bạn đồng nghiệp sang làng nghề ngàn năm tuổi để mua những chú mèo “madein Bát Tràng” làm quà tặng cho nhân viên cơ quan nhân dịp năm mới”.

Các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng đặc biệt kỳ công tạo nên những chú mèo ngộ nghĩnh. Trong lò gốm nghệ nhân Đ.Anh, cơ man mèo gốm được xếp đầy trên các giá treo hay bày la liệt tại nền nhà. Lò mèo gốm có rất nhiều chủng loại. Mỗi sản phẩm mèo gốm có giá từ 40 nghìn - 800 nghìn tùy loại, kích cỡ.

Nhu cầu tiêu thụ mèo gốm cao. Trung bình mỗi ngày, mỗi lò gốm tiêu thụ 1.500 - 2.000 con. Làm đến đâu, khách mua buôn, khách lẻ mua hết đến đó. Lò gốm anh Đ.Anh và các lò gốm khác như: N.Ánh, T.Hương… phải thuê thêm người làm. Khách đông tới mức không kịp có thời giờ để ăn trưa, vì thế ai ngơi tay lúc nào thì tranh thủ ăn lúc đó.

Mỗi chú mèo gốm đều có khuôn mặt, hình dáng khác nhau nhưng đều toát lên vẻ đáng yêu. Đặc biệt, mèo dát vàng cũng được nhiều người lựa chọn. Những chú mèo dát vàng được sản xuất tỉ mẩn đòi hỏi thời gian, công sức, tay nghề cao nên không thể sản xuất đại trà. Giá mèo vàng khá đắt khoảng một vài triệu, thậm chí vài chục triệu đồng đồng/con tùy kích cỡ.

Con đường làng Bát Tràng cận kề Tết âm lịch dường như chật hẹp hơn bởi các ô tô con, ô tô tải loại nhỏ chất hàng đầy ăm ắp nối đuôi nhau ngược xuôi hối hả. Ngoài ra, còn có các ô tô du lịch chuyên chở những vị khách phương xa. Theo ước tính, mỗi ngày vào xuân làng nghề Bát Tràng đón khoảng 200 - 400 khách tham quan, mua sắm.

Bếp luộc bánh chưng bập bùng

Cũng tất bật không kém là làng bánh chưng Tranh Khúc xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Bánh chưng vốn là một món ăn truyền thống của người Việt nhất là mỗi dịp Tết đến, xuân về. Chính vì thế, gói bánh chưng đã trở thành nghề mưu sinh khấm khá của nhiều gia đình làng Tranh Khúc, nơi nức tiếng với những chiếc bánh chưng vuông vức, dẻo thơm, đi khắp muôn nơi.

Hơn 1 thế kỷ gắn với lá dong, gạo nếp, người dân nơi đây đã nằm lòng bí quyết để cho ra những chiếc bánh chưng thơm ngon bậc nhất. Những nghệ nhân gói bánh chưng lâu đời ở Tranh Khúc cho biết, để có những chiếc bánh chưng ngon như vậy không phải là điều dễ dàng, bánh phải làm từ những nguyên liệu được lựa chọn một cách tỉ mỉ. Lá dong nhập từ Tràng Cát (Hà Nội), nếu không đáp ứng được thì nhập thêm ở những nơi khác như Thanh Hóa, Nghệ An, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang. Lạt buộc bánh được lựa chọn từ vùng núi Lương Sơn - Hòa Bình, còn gạo nấu bánh thường có rất nhiều loại, có thể là gạo Bắc Ninh hoặc nếp Thái nhưng ngon nhất vẫn là loại nếp cái hoa vàng ở vùng Hải Hậu - Nam Định. Đậu xanh chọn loại ngon, dẻo. Sử dụng đậu vỡ sẵn, hoặc loại đậu hạt tiêu, sẫm màu, ngon và thơm ngậy hơn loại đậu mỡ hạt to, lại bở và dẻo. Ngoài ra, nhân đỗ xanh phải là loại còn tươi, hạt to đều và thơm, được mua từ Hưng Yên, Hà Nam.

Người người, nhà nhà hối hả với việc rửa, cắt lá dong, làm nhân, gói và luộc bánh chưng trên những bếp lửa bập bùng. Đặc biệt, người thợ gói chỉ gói bằng tay mà không dùng khuôn, chỉ trong khoảng 30 - 40 giây là có thể gói xong một chiếc bánh chưng. Bánh luộc trong khoảng 9 tiếng. Khi vớt bánh, rửa qua nước lạnh cho bánh sạch, lá không bị khô, nhàu lá. Rồi dùng một tấm phên chèn để nước trong vỏ bánh chảy hết ra ngoài khi bánh vẫn còn đang mềm, như vậy bánh sẽ nở đều, các góc chặt, vuông.

Theo các cụ cao niên trong làng cho biết, để có chiếc bánh chưng có màu xanh tươi như lá phải có có bí quyết nhà nghề. Đó là lấy nước lá riềng trộn với gạo, luộc lên bánh chưng sẽ xanh mướt, rền. Hơn nữa, trong lúc luộc phải thêm nước đúng lúc, cách một tiếng cho một lần bánh mới không bị nhão.

Làng làm bánh chưng thôn Tranh Khúc được TP Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2011. Hiện nay, làng có 215 hộ sản xuất bánh chưng với số lao động tham gia khoảng trên 1.000 người, chiếm 70% lao động của làng. Mỗi năm, làng nghề sản xuất và cung cấp cho thị trường hơn 20 nghìn chiếc bánh, sản lượng bánh tăng 8 - 10 lần so với ngày thường. Làng nghề bánh chưng Tranh Khúc cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể và có hệ thống mã vạch riêng do Hợp tác xã Tranh Khúc quản lý. Bên cạnh các loại bánh chưng truyền thống, làng Tranh Khúc còn có bánh chưng gấc, bánh chưng cốm...

Đọc thêm