Làng nghề gặp khó, nông dân tắc lối ra

 Đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông thông, thế nhưng các làng nghề đang phải vật lộn để tồn tại.

Đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông thông, thế nhưng các làng nghề đang phải vật lộn để tồn tại.

Nông dân thu nhập cao

Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 66/2006/NĐ – CP về phát triển ngành nghề nông thôn, ông An Văn Khanh- Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin, hiện cả nước có 4.575 làng, trong đó 1.324 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận. Những thành phố có nhiều làng nghề gồm Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương, Thái Bình, chiếm 60% tổng số làng nghề cả nước. Tổng giá trị sản xuất năm 2010 của 30/51 tỉnh, thành phố đạt gần 78 tỷ đồng. Bình quân tốc độ phát triển làng nghề tăng từ 6-15%/năm.

Làm gốm tại Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội.
Làm gốm tại Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội.

Hoạt động sản xuất nghề nông thôn đã tạo ra việc làm cho hơn 11 triệu lao động, thu hút khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn, đặc biệt có những địa phương thu hút tới 60% nhân lực lao động. Mức thu nhập từ sản xuất có nghề cao hơn nhiều so với nguồn thu từ nông  nghiệp, thu nhập trung bình của người lao động đạt từ 450 nghìn đồng/tháng đến 4 triệu đồng tháng, gấp 1,5-4 lần so với lao động thuần nông. 

Chủ nhiệm HTX chạm đá Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình cho hay, làng nghề thu hút 5.000 lao động chiếm 50% lao động toàn xã, sản phẩm cung cấp cho thị trường cả nước, từ Hải Phòng, Hà Nội đến TP.Hồ Chí Minh, xuất khẩu cả sang Mỹ, Canada… Doanh thu của HTX năm 2006-2010 là 350 tỷ đồng, riêng 2010 là 80 tỷ đồng, thu nhập lao động bình quân 4-4,5 triệu đồng/tháng, cao gấp 4 lần thu nhập thuần nông.

Đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông thông, thế nhưng các làng nghề cũng đang phải vật lộn để tồn tại. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, đủ các thách thức đang đổ lên đầu người nông dân muốn làm kinh tế, trong khi những tồn tại cũ “kêu” mãi rồi vẫn chưa được giải quyết, từ vấn đề cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu thốn mặt bằng, không tiếp cận được vốn, đến ô nhiễm môi trường... Chưa nói đến “phần hồn”, đó là chính sách tôn vinh nghệ nhân, chính sách đào tạo nghề, cấy nghề, nhân nghề.

Cần có sự đột phá

Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang cho biết, vốn dành cho sản xuất là “đau đầu” nhất. Nông dân không có gì để thế chấp nên các ngân hàng thương mại ít ai muốn cho vay. Chưa nói, An Giang và vựa lúa, vựa cá lớn nhất cả nước thế nhưng bao nhiêu năm này vẫn loay hoay bài toán bảo quản nông sản, thủy sản. Vị giám đốc sở kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, hai bộ Nông nghiệp và Công thương sớm có chỉ đạo cụ thể, để giải quyết nguồn vốn, phát triển kho chứa, phát triển lưới điện… cho các trang trại nông dân

Ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam kiến nghị: chính sách phát triển ngành nghề nông thôn có sự đột phá. “Chính phủ cần sớm có chính sách hỗ trợ ưu đãi cho các DN làng nghề được vay vốn, bởi hiện chỉ có 30% DN làng nghề tiếp cận vay vốn; ô nhiễm môi trường báo động đỏ, cần sớm triển khai các biện pháp cụ thể bảo vệ môi trường làng nghề, tránh phạt cho tồn tại. Nên lập quỹ khuyến nghề, có các chính sách phong tặng và điều kiện để các nghệ nhân truyền nghề…” – ông Tuấn nêu một loạt giải pháp.

Ghi nhận các ý kiến, ông Hồ Xuân Hùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hứa tại hội nghị, trong thời gian tới bộ sẽ có các chính sách phù hợp hơn. Thứ trưởng Hùng cũng nhấn mạnh 5 nhóm công việc tới đây sẽ được làm, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 66; ban hành thông tư liên tịch phân định rõ trách nhiệm giữa Sở NN& PTNT và Sở Công thương trong việc quản lý làng nghề, theo hướng gom về một đầu mối, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cho việc triển khai, điều hành; kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội sớm cụ thể hóa việc tăng cường đào tạo kỹ năng quản lý của chủ DN, đào tạo nghệ nhân, đào tạo lao động làng nghề; đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có chính sách gắn du lịch với làng nghề truyền thống; đề nghị các tỉnh quy hoạch làng nghề, tập trung xử lý môi trường….

Mai Hoa

Đọc thêm