Lắng nghe trẻ em bằng trái tim và sự thấu hiểu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gặp mặt, giao lưu với lãnh đạo các bộ, ngành, 188 đại biểu trẻ em đến từ các địa phương trên cả nước tham gia Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 7 đã đặt câu hỏi về những vấn đề các em quan tâm...
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng các đại biểu đến dự chương trình. (Nguồn: Báo TTTĐ)
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng các đại biểu đến dự chương trình. (Nguồn: Báo TTTĐ)

Phiên gặp mặt, giao lưu trong khuôn khổ Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 7 do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức diễn ra sáng 8/8.

Cùng lắng nghe trẻ em

Làm gì để các thông tin liên quan đến trẻ em, về những điều trẻ em muốn, trẻ em cần… đến được với người lớn nhanh nhất và được giải quyết hiệu quả nhất - đó là vấn đề được nhiều trẻ em tại Diễn đàn quan tâm, đặt câu hỏi.

Theo Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy, cơ chế nắm thông tin về trẻ hiện nay rất đa dạng. Trong trường học có tổ chức Đội với các thầy cô Tổng phụ trách, về nhà có bố mẹ, bên cạnh đó còn có Internet, mạng xã hội. Tuy nhiên, làm sao nắm bắt thông tin hiệu quả nhất, một phần là ở chính các em. Khi phát hiện vấn đề như bạo lực, xâm hại... thì các em phải lên tiếng, thực hiện quyền được thể hiện, tham gia của mình. Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang cũng cho biết, thời gian qua Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT kịp thời lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng trẻ em. Nhiều mô hình hiệu quả được thực hiện như: Hòm thư “Điều em muốn nói”, câu lạc bộ quyền trẻ em tại trường, nhà thiếu nhi…

Nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương tiếp tục chỉ đạo nhân rộng, triển khai mô hình “Hội đồng trẻ em”. Toàn quốc hiện nay đã xây dựng được 17 “Hội đồng trẻ em” cấp tỉnh, 35 “Hội đồng trẻ em” cấp huyện, 4 “Hội đồng trẻ em” cấp xã. Hoạt động của mô hình “Hội đồng trẻ em” các cấp cùng các chương trình lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền, đại biểu Quốc hội, HĐND gặp gỡ, đối thoại với thiếu nhi đã góp phần nâng cao nhận thức của các ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng…

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, các vấn đề của trẻ em luôn được cơ quan, tổ chức, xã hội quan tâm. “Tôi đề nghị các đại biểu lãnh đạo và đại diện các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức cùng trao đổi, xem xét, đáp ứng các ý kiến, đề xuất của trẻ em; nghiên cứu để đưa các ý kiến, đề xuất của trẻ em vào kế hoạch, chương trình công tác của bộ, ngành, tổ chức và ưu tiên thực hiện các quyền của trẻ em theo quy định của pháp luật”, theo ông Đào Ngọc Dung.

Làm hết trách nhiệm và lương tâm để bảo vệ trẻ em

Tại Diễn đàn, nhiều em bày tỏ ý kiến về tuổi trẻ em, bởi theo Công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á ký kết năm 1990, trẻ em là người dưới 18 tuổi; còn theo các văn bản pháp luật về trẻ em từ trước đến nay ở Việt Nam và Luật Trẻ em năm 2016 hiện hành thì trẻ em là người dưới 16 tuổi. Lý giải về vấn đề này, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, mặc dù theo Luật Trẻ em hiện hành, trẻ em là người dưới 16 tuổi, nhưng hiện nay các vấn đề liên quan đến độ tuổi từ 16 - 18 vẫn được các cơ quan chức năng quan tâm, giải quyết theo hướng như trẻ em. Cũng theo ông Nam, nhiều tổ chức quốc tế đã và đang có khuyến nghị để Việt Nam nâng độ tuổi trẻ em trong luật nhằm phù hợp với quy định Công ước, vấn đề này sẽ được quan tâm, xem xét khi sửa Luật Trẻ em trong thời gian tới.

Có thể nói, trong những năm gần đây, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến trẻ em, cũng như vấn đề lấy ý kiến tham gia của trẻ em, để từ đó ban hành nhiều chủ trương, chính sách, nghị định, nghị quyết, công văn có liên quan đến các nhóm vấn đề trên để bảo vệ môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ. Về cơ bản, trẻ em Việt Nam đã được sống trong môi trường ngày càng an toàn hơn, điều kiện học tập, vui chơi, giải trí ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trẻ em bị bạo lực, xâm hại, phải lao động trái quy định của pháp luật; điều kiện vui chơi, giải trí ở nhiều địa phương còn hạn chế… đòi hỏi phải có sự nỗ lực hơn nữa.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 7 với chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em” một lần nữa nhắc nhở các bộ, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp về trách nhiệm bảo đảm môi trường sống an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em; trách nhiệm kiểm soát, giảm thiểu tối đa nguy cơ bị xâm hại của mọi trẻ em; ngăn chặn, loại bỏ kịp thời các hành vi gây tổn hại cho trẻ em. Sáng kiến, kiến nghị, nguyện vọng của trẻ em từ các diễn đàn, các hoạt động có tham gia của trẻ em trao thêm cho các bộ, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp trách nhiệm tạo mọi điều kiện để trẻ em tham gia vào công tác bảo vệ trẻ em, hình thành một mạng lưới xã hội bảo vệ trẻ em sâu rộng, đồng bộ, hiệu quả.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng bày tỏ mong muốn các bộ, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp, lắng nghe, xem xét và đáp ứng các ý kiến, nguyện vọng phù hợp của trẻ em; hỗ trợ trẻ em nhân rộng các sáng kiến, giải pháp bảo vệ trẻ em của chính các cháu; làm hết trách nhiệm theo quy định của pháp luật và lương tâm để hoàn thiện, phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em ở các cấp, bảo đảm môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện; đầu tư ngân sách, nhân lực để kiểm soát và quyết liệt kéo giảm tình trạng trẻ em bị bạo lực trong gia đình và trường học, bị xâm hại tình dục, bị xâm hại trên môi trường mạng, bị tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước...

Đọc thêm