6 tháng đầu năm, kết quả THADS về việc và tiền của Lạng Sơn đạt cao hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, Cục THADS Lạng Sơn cho biết, trong số có điều kiện, đã giải quyết xong 2.433 việc, đạt tỷ lệ 75% (so với chỉ tiêu được giao, cao hơn 0,5%). So với cùng kỳ năm 2017, tăng 647 việc (36,22%) và tăng 9% về tỷ lệ. Về tiền, đã giải quyết xong 19.794.229.000 đồng, đạt tỷ lệ 42% (so với chỉ tiêu được giao, vượt 8,5%). So với cùng kỳ năm 2017, tăng 5.949.843.000 đồng (42,97%) và tăng 9% về tỷ lệ.
Các mặt công tác được giữ vững và có nhiều tiến bộ hơn so với năm trước, nhất là công tác chỉ đạo theo phương châm “hướng về cơ sở” và phối hợp trong thi hành án của các cơ quan, ban, ngành để giải quyết việc thi hành án; kỷ cương, kỷ luật hành chính được nâng lên, cán bộ, công chức có ý thức hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Trên địa bàn tỉnh không có vụ việc THADS bức xúc, kéo dài, vụ việc xảy ra làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị ở địa phương hay khiếu nại, tố cáo, bức xúc về THADS góp phần bảo đảm giữ vững an ninh chính trị trật tự ở địa phương.
Hàng tháng lãnh đạo Cục THADS tỉnh dự giao ban trực tiếp đối với các Chi cục THADS có lượng án lớn trong tỉnh để nghe báo cáo tình hình giải quyết án, qua đó, đôn đốc việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ và tìm cách tháo gỡ vướng mắc và có các giải pháp thiết thực để đẩy nhanh tốc độ giải quyết án tại các đơn vị. Chỉ đạo mỗi đơn vị lựa chọn 01 xã điểm để tập trung giải quyết việc thi hành án, giữ mối liên hệ mật thiết với cấp ủy, chính quyền xã thông qua các cuộc họp tại cơ sở. Bên cạnh đó, Cục THADS còn thành lập các tổ công tác về xử lý án để tăng cường hỗ trợ cho các đơn vị cấp huyện, thành phố trong thực hiện giải quyết các vụ việc khó khăn, phức tạp, việc chưa có điều kiện thi hành.
Tuy nhiên, khó khăn trong công tác THADS ở Lạng Sơn hiện nay là lượng án chưa có điều kiện thi hành, án không thi hành được, án cấp dưỡng nuôi con, án ma túy chiếm lượng lớn trong số án chuyển kỳ sau, lượng án thụ lý mới tăng cao, biên chế làm việc ít nên phần nào chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Một số đơn vị cấp huyện do trình độ dân trí của người dân còn thấp, đường Sá giao thông đi lại khó khăn và đương sự không có điều kiện kinh tế nên dẫn đến rất khó thi hành.
Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của một số lãnh đạo chi cục còn nhiều hạn chế, chưa thực sự quyết liệt, thiếu sâu sát... Khó khăn nữa là cả tỉnh hiện không có lò tiêu hủy chuyên dụng để tiêu hủy các tang vật như ma túy, pháo nổ, hóa chất... một số đơn vị vẫn thực hiện cách tiêu hủy thủ công làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường xung quanh. Một số đơn vị còn khó khăn về kho vật chứng do quỹ đất hạn hẹp, không có kinh phí để đầu tư xây dựng.
6 tháng cuối năm, Lạng Sơn tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch công tác trọng tâm và việc thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ thi hành án của các đơn vị; Thành lập các đoàn, tổ công tác kiểm tra Kế hoạch công tác của các chi cục, để đánh giá công tác quản lý điều hành của lãnh đạo Chi cục và trình độ năng lực giải quyết án của chấp hành viên; kịp thời phát hiện sai sót, tồn tại và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ giải quyết dứt điểm vụ việc, nâng cao kết quả thi hành án.
Chỉ đạo các chi cục rà soát phân loại án chính xác 100% án có điều kiện và chưa có điều kiện; tiến hành kiểm tra giám sát việc phân loại án đối với các đơn vị. Chỉ đạo các đơn vị lập danh sách những vụ việc còn tồn đọng, đề xuất giải pháp tổ chức thi hành cho từng loại việc.
Bên cạnh đó, chú trọng thực hiện tốt và nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; tăng cường đoàn kết nội bộ trong từng đơn vị; quan tâm tạo mọi điều kiện để cán bộ, công chức các cơ quan thi hành trong tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ và rèn luyện phẩm chất chính trị; chủ động, duy trì và phát huy tốt hơn nữa công tác phối hợp giữa các sở, cơ quan ban, ngành trong công tác THADS để tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo THADS và sự phối hợp của khối nội chính Công an, Tòa án, Viện kiểm sát… trong công tác tổ chức cán bộ và tổ chức thi hành tại địa phương.