Lạng Sơn tập trung xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển toàn diện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh cho biết, công tác dân tộc và việc thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc được triển khai thực hiện hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông Lương Trọng Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn.
Ông Lương Trọng Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Lạng Sơn đã đạt được kết quả nổi bật gì, thưa ông?

- Qua hơn 2 năm thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cùng với CTMTQG xây dựng nông thôn mới, CTMTQG giảm nghèo bền vững và các giải pháp triển khai nhiệm vụ phát triển KT-XH, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết liệt thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu KT-XH quan trọng, qua đó hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được cải thiện, đầu tư mới, hoàn thành, góp phần đáng kể thúc đẩy tăng trưởng KT, bảo đảm an sinh XH, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH 5 năm đã đề ra, cụ thể một số lĩnh vực nổi bật như:

Kinh tế tỉnh Lạng Sơn phục hồi đà tăng trưởng, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 đạt 7,22%, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 5,32%; các khu vực kinh tế đều có chuyển biến tích cực. Lĩnh vực giao thông, lũy kế từ đầu giai đoạn đến nay đã đầu tư cứng hoá được thêm 93,6km đường tỉnh, đạt 98,9% (706,8/714,8km); cứng hoá được trên 110km các tuyến đường huyện, nâng tỷ lệ cứng hoá đạt 83%; ước thực hiện đến hết năm 2023 tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 174/181 xã, đạt 96,1%...

Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2022 ước tăng 7,09%, 6 tháng đầu năm 2023 tăng 5,79% so với cùng kỳ. Các sở, ngành, cơ quan đã phối hợp với Điện lực Lạng Sơn hoàn thành lưới điện nông thôn, hoàn thành các tiêu chí điện còn thiếu của các xã phấn đấu về đích nông thôn mới, đầu tư khởi công một số công trình phục vụ cho thu hút phát triển khu, cụm công nghiệp,...

Về nông nghiệp, tổng diện tích gieo trồng năm 2022 ước đạt 94.031ha, tổng sản lượng lương thực 304.944 tấn, đạt 101,33% kế hoạch; trong giai đoạn 2021 - 2023 đã hoàn thành sửa chữa nâng cấp 10 hồ chứa, góp phần bảo đảm an toàn hồ đập; lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá tiếp tục đạt được nhiều kết quả.

Xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành 21/50 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 42% so với mục tiêu đề ra (dự kiến năm 2023 có thêm 10 xã đạt chuẩn), 10/25 xã nông thôn mới nâng cao mới (dự kiến năm 2023 có thêm 5 xã); giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đạt 3% đáp ứng mục tiêu đề ra.

Đối với một tỉnh miền núi, điều kiện KT-XH còn khó khăn, xin ông cho biết những khó khăn, vướng mắc mà tỉnh đã và đang gặp phải trong quá trình triển khai các CTMTQG?

- Đến thời điểm hiện tại, việc thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nói chung và CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cụ thể như: Kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của 3 CTMTQG năm 2022 cơ bản đạt theo kế hoạch đề ra, tuy nhiên còn ở mức thấp, các chỉ tiêu quan trọng đánh giá tính bền vững chưa cao, đặc biệt là chỉ tiêu về thu nhập, chỉ tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo, các chỉ tiêu thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản còn ở mức cao, đặc biệt là ở nhóm hộ nghèo.

Chưa có hướng dẫn thống nhất của Trung ương về tổ chức, biên chế, nhiệm vụ của bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo; chưa rõ nội dung quy định về kinh phí, cơ chế hoạt động, điều hành của Ban Chỉ đạo ở cấp tỉnh.

Tỉnh Lạng Sơn tiếp tục triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia với tinh thần “bám trên, sát dưới”, tỉnh chủ động triển khai, đồng thời phải sâu sát cơ sở, không thụ động chờ chỉ đạo của cấp trên trong thực hiện nội dung các Chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; khắc phục tâm lý chủ quan, sợ sai không dám làm...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh.

Tại thời điểm giao kế hoạch vốn thực hiện năm 2022, vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện các CTMTQG, các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện của các cấp, ngành chưa đầy đủ trong quá trình lập, thẩm định, phân bổ kế hoạch vốn làm cơ sở xác định đối tượng, phạm vi, quy mô thực hiện. Nguồn vốn được phân bổ muộn ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm.

Nhu cầu nguồn lực để thực hiện 3 CTMTQG trên địa bàn rất lớn, nhất là vốn đầu tư phát triển; trong khi đó nguồn vốn phân bổ hỗ trợ còn hạn chế. Việc lồng ghép các nguồn vốn thực hiện bị hạn chế bởi các quy định về địa bàn thực hiện. Đồng thời nguồn thu ngân sách tỉnh còn hạn chế, nên việc cân đối, bố trí vốn đối ứng thực hiện 3 CTMTQG gặp khó khăn; việc huy động các nguồn vốn thực hiện các CTMTQG còn chậm so với nhu cầu kế hoạch vốn. Kết quả rà soát đến thời điểm hiện nay nguồn vốn sự nghiệp của một số dự án, tiểu dự án không bảo đảm giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2023 và vốn năm 2022 kéo dài sang do trùng lặp về đối tượng thực hiện, đối tượng chi giảm so với số liệu đã báo cáo đầu kỳ.

Riêng đối với CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn gặp một số khó khăn, cụ thể như: tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giữa các giai đoạn có sự khác biệt nhưng nhiều chính sách lại áp dụng đối tượng thực hiện giữa các giai đoạn như nhau nên việc triển khai thực hiện gặp khó khăn và bất cập; định mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng còn thấp (400.000 đồng/ha/năm) nên người dân chưa quan tâm, chú trọng vào công tác quản lý bảo vệ rừng, không tha thiết tham gia nhận hỗ trợ khoán bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên; việc bố trí lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho cùng một đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ 1 CTMTQG trên 1 lớp học cũng gặp nhiều khó khăn; cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải tuyển sinh nhiều loại đối tượng và thực hiện thanh quyết toán từ nhiều CTMTQG khác nhau trên một lớp học; việc hỗ trợ, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị khó triển khai thực hiện do điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn hạn chế, địa bàn xa trung tâm; sự liên kết, hợp tác giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp chưa nhiều, năng lực quản lý chưa cao, thiếu vốn, thiếu khoa học kỹ thuật...

Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lạng Sơn có nhiều khởi sắc. (Ảnh: Mai Linh/VOV)

Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lạng Sơn có nhiều khởi sắc. (Ảnh: Mai Linh/VOV)

Trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn có những giải pháp gì để khắc phục hạn chế, cũng như định hướng cho việc triển khai chương trình?

- Với đặc thù có 83,91% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số, tỉnh Lạng Sơn xác định việc thực hiện các CTMTQG nói chung và CTMTQG phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021 - 2025. Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tiếp tục thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu theo kế hoạch, tỉnh Lạng Sơn đề ra 5 giải pháp như sau:

Một là, tiếp tục tăng cường, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, huy động người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia vào các CTMTQG, lồng ghép nguồn vốn, huy động nguồn lực từ các tổ chức chính trị - xã hội, nguồn lực xã hội hóa, sự vào cuộc tích cực của nhân dân để hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, tập trung thực hiện, duy trì các chỉ tiêu bền vững như các chỉ tiêu thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, các chỉ tiêu về thu nhập người dân nông thôn, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn sang nông nghiệp bền vững và các ngành công nghiệp, dịch vụ.

Hai là, tập trung chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành hệ thống văn bản cơ chế chính sách, hướng dẫn thuộc phạm vi của tỉnh, bảo đảm hoàn thành 100% văn bản cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện các CTMTQG thuộc thẩm quyền của tỉnh.

Ba là, tổ chức thực hiện rà soát tổng thể mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch vốn thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025: trong năm 2023 tập trung rà soát đánh giá khả năng thực hiện các chỉ tiêu giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2023; đề xuất phương án thực hiện, phương án huy động nguồn lực ngoài kế hoạch vốn đã được phê duyệt để triển khai thực hiện hoàn thành mục tiêu; trường hợp xác định không đạt mục tiêu nhiệm vụ được giao kịp thời báo cáo Bộ, ngành Trung ương theo quy định.

Bốn là, tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tập trung cao độ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bám sát công việc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG, bảo đảm phấn đấu tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn cao nhất theo chỉ đạo của Chính phủ; chủ động rà soát, nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn, trên tinh thần những nội dung nào đã rõ, phù hợp với thực tiễn thì triển khai ngay, không chờ đủ các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh mới bắt đầu triển khai; tập trung đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn thực hiện các CTMTQG đã được giao, trong đó cần quan tâm chỉ đạo giải ngân nguồn vốn sự nghiệp đối với những nội dung đã rõ, đã có hướng dẫn thực hiện; bảo đảm tỷ lệ huy động, lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chương trình.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các Chương trình; nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo các CTMTQG các cấp để nắm bắt ngay những khó khăn, vướng mắc, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm