Báo cáo tóm tắt về tình hình nghiên cứu, xây dựng dự án Luật, đại diện Bộ Công an cho biết, chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ khẳng định sự cần thiết phải xây dựng, ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ song song với Luật GTVT đường bộ và cùng trình Chính phủ, Quốc hội vào Kỳ họp thứ 10 tới.
Hiến pháp và luật pháp cũng rất rõ ràng về hai lĩnh vực và phân công rõ chức năng, nhiệm vụ của từng lĩnh vực: TTATGT - trật tự, an toàn xã hội - an ninh, trật tự thuộc về quốc phòng - an ninh - nội chính; xây dựng, phát triển đường bộ, vận tải đường bộ thuộc về kinh tế - kỹ thuật - công nghiệp.
Bộ Công an đã nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, báo cáo đánh giá tác động, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ theo đúng các trình tự, thủ tục của Luật Ban hành VBQPPL, hiện đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến nhân dân, đồng thời đã có ý kiến của các bộ, ngành, địa phương…
Bám sát đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu xây dựng Luật, trên cơ sở khoa học, pháp lý và thực tiễn, Bộ Công an xác định nguyên tắc Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ điều chỉnh những nội dung về TTATGT đường bộ, bảo đảm an ninh, trật tự trên đường bộ và xác định rõ trách nhiệm chính của ngành Công an trong công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, tách bạch với những nội dung về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đường bộ do ngành GTVT chịu trách nhiệm chính.
Nguyên tắc về phạm vi điều chỉnh của Luật đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân và các bộ, ngành, UBND địa phương trong các lần lấy ý kiến và Chính phủ cũng đã đồng ý với nguyên tắc này.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, thống nhất chủ trương sẽ báo cáo Chính phủ cho ý kiến và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.