Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc nói việc đề xuất quy định "dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ" đã được nghiên cứu kỹ. Sau đại dịch COVID-19, loại tội phạm sử dụng công cụ hỗ trợ và vũ khí thô sơ như dao để cướp ngân hàng đang nổi lên, trong khi trước đó ít xảy ra. "Các nước quy định rất chặt chẽ việc quản lý hung khí là dao. Việt Nam cần sớm sửa đổi nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn", Thượng tướng Ngọc nói.
Đồng tình với đề xuất quy định dao là vũ khí thô sơ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới nêu số liệu trong 40.000 vụ án (giết người, bắt cóc, cướp, ma túy, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ...) được phá trong thời gian qua, có 58% liên quan sử dụng dao làm công cụ gây án.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cơ quan soạn thảo cần phân tích, làm rõ mối liên hệ giữa tỷ lệ gia tăng tội phạm với việc sử dụng dao có tính sát thương cao để tăng tính thuyết phục của đề xuất này. "Cần cụ thể về cơ chế quản lý với dao có tính sát thương cao để vừa bảo đảm quản lý nhà nước, phòng ngừa tội phạm mà không làm ảnh hưởng đời sống sinh hoạt và lao động hàng ngày của người dân", đại diện cơ quan thẩm tra nêu.
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được Quốc hội khóa 14 thông qua ngày 20/6/2017, tại Kỳ họp thứ 3 và được sửa đổi, bổ sung một số điều ngày 25/11/2019 tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14. Theo quy định hiện hành, vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.
Diện được trang bị vũ khí thô sơ, gồm: Quân đội nhân dân; Dân quân tự vệ; Cảnh sát biển; Công an nhân dân; Cơ yếu; Kiểm lâm, Kiểm ngư; An ninh hàng không; Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan; Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động; Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh.