Lào Cai có thể trở thành một trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và khu vực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Lào Cai cần c hú trọng đầu tư hạ tầng logistics, kho, bãi, nhất là ở Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, tạo thuận lợi cho phát triển lưu thông hàng hóa và khai thác hiệu quả kinh tế cửa khẩu, góp phần xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc và xa hơn nữa là Đông Âu
Lào Cai có thể trở thành một trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và khu vực

Đủ tiềm năngđể trở thành một cực tăng trưởng của vùng và cả nước

Sáng 30/8/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lào Cai về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại và việc triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, Lào Cai là tỉnh biên giới được xem như “phên dậu của Tổ quốc”. Nằm ở vị trí trung tâm khu vực trung du, miền núi phía Bắc, thuộc khu vực 2 hành lang kinh tế lớn (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Lào Cai - Hà Nội - Lạng Sơn), Lào Cai được xác định là cửa ngõ kết nối Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Lào Cai còn có hạ tầng giao thông kết nối phát triển đa phương thức cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không (trong tương lai gần có đường hàng không); giàu tài nguyên khoáng sản với nhiều loại khoáng sản quý, chất lượng cao và trữ lượng lớn (apatit, sắt, đồng,…)

"Lào Cai có điều kiện thuận lợi và hội tụ đầy đủ tiềm năng, lợi thế để trở thành một cực tăng trưởng của vùng và cả nước, nhất là về phát triển năng lượng sạch, công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, kinh tế cửa khẩu, giao thương hàng hóa, dịch vụ logistics; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa" - Bộ trưởng Bộ Công Thương đánh giá.

Đáng chú ý, trong 7 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu (theo số liệu của Tổng cục Thống kê) tăng gấp hơn 2 lần (cả nước tăng 15,7%); kim ngạch nhập khẩu tăng 50% (cả nước tăng 18,5%). "Như vậy nguyên liệu để sản xuất, xuất khẩu đi thế giới qua cửa khẩu này ngày càng tăng, đây là một tín hiệu rất đáng mừng" - Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.

Tuy vậy, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực Công Thương của tỉnh còn có những hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục. Ví như cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp còn thiếu cân đối (tỷ trọng công nghiệp chế biến còn thấp; trong khi tỷ trọng của công nghiệp khai thác cao; khai thác cao nhưng giá trị gia tăng nhỏ và vấn đề môi trường cũng là vấn đề thách thức.

Thị trường nội địa sức mua thấp (một phần do quy mô dân số nhỏ, trong đó khoảng 66% là người dân tộc thiểu số) nhưng theo Bộ trưởng Diên, nếu có cách làm hiệu quả hơn thì đây không chỉ đáp ứng nhu cầu của tỉnh Lào Cai mà phải là nơi hội tụ, trở thành chợ của khu vực.

Gợi mở để Lào Cai phát triển mạnh hơn

Từ góc độ ngành Công Thương, Bộ trưởng Diên đánh giá, Quy hoạch tỉnh Lào Cai được phê duyệt từ khá sớm so với các địa phương khác (tháng 3/2023). Tuy nhiên, Quy hoạch Vùng mới được phê duyệt tháng 5/2024 và nhiều Quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt cùng thời điểm hoặc sau khi Quy hoạch của Tỉnh được phê duyệt; bởi vậy chắc chắn sẽ có nhiều Quy hoạch ngành, Quy hoạch vùng chưa được cập nhật trong Quy hoạch tỉnh.

Vì vậy, tỉnh cần khẩn trương, chủ động rà soát Quy hoạch tỉnh để điều chỉnh, cập nhật Quy hoạch vùng, Quy hoạch ngành, Quy hoạch ngành quốc gia cho đồng bộ với Quy hoạch của mình; đồng thời, xây dựng Quy hoạch và Kế hoạch sử dụng đất, nhất là kế hoạch sử dụng đất trong kỳ cũng phải đồng bộ.

Ngoài ra, Lào Cai cần khẩn trương triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn. Theo đó, đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh được quy hoạch 28 MW điện mặt trời mái nhà; 30 MW điện sinh khối; 1MW điện rác; 25 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 223,5MW; 01 dự án Nhà máy Nhiệt điện đồng phát Đức Giang, công suất 100MW; 11 dự án lưới điện; 26 điểm mỏ khoáng sản; 03 dự án chế biến đất hiếm.

“Lào Cai có nhiều điều kiện để triển khai các dự án, nếu triển khai được thì không chỉ nâng năng lực sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn mà còn đánh thức tiềm năng của địa phương, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Đặc biệt, với ngành khoáng sản, cần quan tâm chỉ đạo để không chỉ khai thác mà chú trọng chế biến sâu” - Bộ trưởng Diên nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, Lào Cai cần chú trọng phát triển công nghiệp chế biến sâu một số sản phẩm nông sản có thế mạnh của tỉnh như chè, quế, dược liệu… nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu và đáp ứng yêu cầu các thị trường khó tính (như Mỹ, châu Âu).

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thăm cửa khẩu quốc tế Kim Thành

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thăm cửa khẩu quốc tế Kim Thành

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, Lào Cai có tỷ lệ che phủ rừng khá cao (gần 60%) nên cũng cần chú trọng khai thác tốt thế mạnh này để hình thành và phát triển thị trường mua bán tín chỉ carbon giúp các doanh nghiệp trong tỉnh, trong Vùng có chứng chỉ xanh để sản xuất và xuất khẩu.

"Tuy nhiên, Lào Cai là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn trong cả nước nên trong định hướng sản xuất và xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ của tỉnh cần lưu ý quy định chống phá rừng của châu Âu, sẽ áp dụng từ tháng 1/2025; theo đó châu Âu sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm được sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng thuộc 7 nhóm hàng nông sản (chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ và sản phẩm từ gỗ), vì vậy sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển ngành công nghiệp chế biến lâm sản, dược phẩm, đồ gỗ của tỉnh" - Bộ trưởng lưu ý.

Đặc biệt, Bộ trưởng Diên cho rằng, Lào Cai cần chú trọng đầu tư hạ tầng logistics, kho, bãi, nhất là ở Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, tạo thuận lợi cho phát triển lưu thông hàng hóa và khai thác hiệu quả kinh tế cửa khẩu, góp phần xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc và xa hơn nữa là Đông Âu.

Đọc thêm