Lao đao vì thuốc lá lậu

5 năm trở lại đây, “bão” thuốc lậu khiến cho ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam nghiêng ngả bởi cuộc cạnh tranh không cân sức. Trung bình mỗi năm thuốc lá nhập lậu làm chảy máu ngoại tệ của đất nước hơn 200 triệu USD, thất thu thuế của nhà nước hơn 3.500 tỷ đồng.

5 năm trở lại đây, “bão” thuốc lậu khiến cho ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam nghiêng ngả bởi cuộc cạnh tranh không cân sức. Trung bình mỗi năm thuốc lá nhập lậu làm chảy máu ngoại tệ của đất nước hơn 200 triệu USD, thất thu thuế của nhà nước hơn 3.500 tỷ đồng.

Nguy cơ lớn cho một ngành công nghiệp trọng điểm

Ngày 13/6/2007 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 88/2007/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tổng thể ngành thuốc lá Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn tới năm 2020. Tại chiến lược này, Nhà nước ta thống nhất quan điểm không khuyến khích tiêu dùng sản phẩm thuốc lá, thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ quy định hạn mức sản lượng sản xuất, nhập khẩu, chính sách thuế để hạn chế tiêu thụ thuốc lá… Chiến lược đề ra mục tiêu doanh nghiệp (DN) trong nước phải duy trì sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường đồng thời hạn chế nhập lậu sản phẩm thuốc lá. Về vùng nguyên liệu, chiến lược đề ra mục tiêu đến năm 2010 diện tích trồng thuốc lá khoảng 39.200 ha, sản lượng 78.400 tấn/ năm. Đến năm 2020 ổn định diện tích trồng thuốc lá khoảng 40.300 ha, sản lượng 88.600 tấn/năm. Từ năm 2015, tất cả các đơn vị sản xuất thuốc lá sử dụng 100% nguyên liệu thuốc lá qua chế biến.

Hiện cả nước có gần 40 DN sản xuất thuốc lá, bao gồm 35 DN nội và 5 DN liên doanh với nước ngoài. Thống kê của Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cho thấy, năm 2009 toàn ngành nộp ngân sách 9.633,074 tỷ đồng (tăng 27,6% so với năm 2008). Thuế nhập khẩu các DN nộp cho nguyên, phụ liệu sản xuất thuốc lá là 584,718 triệu đồng. Tuy nhiên, do phải cạnh tranh với thuốc lá nhập lậu nên những năm gần đây, ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn, áp lực và chưa phát triển được đúng “tầm” mà chiến lược đề ra.

Thuốc lá lậu bị thu giữ.

“Giá thành sản phẩm của DN sản xuất thuốc lá trong nước tăng lên do nguyên phụ liệu đầu vào tăng (nguyên liệu tăng khoảng 50%, phụ liệu tăng 30-35%) cùng với sức ép quản lý thuốc lá phù hợp cam kết WTO và công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC)… khiến cho thuốc lá sản xuất trong nước không đủ sức cạnh tranh với thuốc lá nhập lậu”, ông Nguyễn Thái Sinh - Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam quan ngại. Theo phân tích của Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, số lượng thuốc lá lậu bị bắt giữ và tiêu hủy hàng năm chỉ khoảng 1% so với số lượng thuốc lá nhập lậu và đang được lưu thông, tiêu thụ trên thị trường nội địa. Nguyên nhân do việc xử phạt hành vi buôn lậu thuốc lá còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe và trấn áp đối với tội phạm buôn lậu nên hoạt động vận chuyển, kinh doanh thuốc lá lậu không những bị ảnh hưởng rất ít mà còn đang có chiều hướng gia tăng cả về quy mô và số lượng trên toàn thị trường nội địa. “Nếu như Nhà nước không có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn thuốc lá nhập lậu thì trong thời gian ngắn nữa ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam khó giữ được vị trí chủ yếu trên thị trường nội địa”, ông Nguyễn Thái Sinh khẳng định.

Giữ “sân nhà” bằng kiểm soát chặt

Tại Chiến lược phát triển ngành công nghiệp thuốc lá, Nhà nước khẳng định sản phẩm thuốc lá là mặt hàng hạn chế kinh doanh, thực hiện kiểm soát lưu thông, tiêu thụ thuốc lá trên thị trường, quản lý chặt chẽ việc bán buôn, bán lẻ và các sản phẩm thuốc lá. Trên thực tế, việc kiểm soát này chưa chặt chẽ đối với các loại thuốc lá nhập lậu. Thông qua các vụ phát hiện, bắt giữ thuốc lá nhập lậu có thể thấy 100% thuốc lá nhập lậu không có nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, không chế độ bảo quản hợp lý.

Thuốc lá lậu cũng không tuân theo chế độ nhãn hiệu hàng hóa, không có lời cảnh báo sức khỏe dưới bất kỳ hình thức nào, lưu thông trên thị trường không qua kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm. Với những yếu tố trên, nguy cơ về sức khỏe đối với người tiêu dùng thuốc lá lậu rất cao song thực tế thuốc lá lậu vẫn lưu thông mạnh mẽ trên thị trường, ở một số nơi, thuốc lá lậu chiếm thị phần rất lớn (70% ở Cần Thơ, 46% ở TP.Hồ Chí Minh…).

Lực lượng chức năng lý giải vấn nạn buôn lậu thuốc lá chưa giảm nhiệt là bởi nước ta có đường biên giới dài, lực lượng tham gia buôn lậu thuốc lá đông (phần lớn là người dân địa phương thiếu công ăn việc làm), việc truy quét các ‘đầu nậu” gặp khó khăn do quy định pháp lý để trấn áp đối tượng này còn nhiều bất cập. Thực tế đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, các lực lượng chức năng đã bắt giữ được nhiều vụ thu gom, vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu trên thị trường nội địa với số lượng lớn có giá trị hàng hóa tương đương hàng trăm triệu đồng nhưng không thể xử lý hình sự do không chứng minh được yếu tố biên giới. Ngược lại, khu vực biên giới, bọn buôn lậu thuê các đối tượng xé lẻ, đai vác hàng lậu qua biên giới với số lượng nhỏ. Khi bị bắt giữ cũng chỉ bi xử lý hành chính do giá trị hàng hóa vi phạm chưa đến mức xử lý hình sự.

Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định 76 xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thuốc lá, nâng mức xử phạt hành chính và áp dụng xử lý hình sự hành vi vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu. Nghị định 76 có hiệu lực từ ngày 1/9/2010 và trong thời gian qua, các địa phương đã tích cực “vào cuộc”, nhiều vụ buôn lậu, tàng trữ thuốc lá số lượng lớn đã bị triệt phá, điển hình là vụ triệt phá đường dây của đối tượng Lê Thị Lợi tại Hà Nội.

Bên việc khẩn trương, quyết liệt triển khai Nghị định 76, theo Hiệp hội thuốc lá Việt nam, Chính phủ cần sớm loại bỏ mặt hàng thuốc lá ra khỏi chính sách ưu đãi cư dân biên giới. Theo đó, sớm có quy định cư dân vùng biên giới không được phép mua bán, vận chuyển, kinh doanh qua biên giới mặ hàng thuốc lá điếu nhằm ngăn chặn các đối tượng buôn lậu lợi dụng chính sách này để tổ chức buôn lậu thuốc lá.

Thanh Lương

Đọc thêm