Tận mắt chiêm ngưỡng những cây ngũ quả độc đáo, những vườn cam canh rộng cả hecta trĩu quả, mới hay biệt danh “người có bàn tay ma thuật” dành cho lão nông Lê Đức Giáp là hoàn toàn xứng đáng.
Vườn cây ngũ quả ở xã Cao Viên
Tết đang đến gần, vì thế những ngày này vườn cam nhà lão nông Lê Đức Giáp (56 tuổi, ở thôn Bãi, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) thường có đông nghịt người đến hỏi mua cây cảnh và cam canh.
Nghe danh ông Giáp giỏi ghép cây, chúng tôi đã tìm đến vườn nhà ông để chiêm ngưỡng những tuyệt phẩm cây ngũ quả của ông. Tuy đã có những hình dung từ trước về loại cây đặc biệt này nhưng khi bước chân vào khu vườn, phóng viên vẫn không tránh khỏi cảm giác choáng ngợp trước những cây bưởi to mập đang treo trên mình những trái bưởi xanh và cả những trái phật thủ, cam canh, quất, quít.
|
Ông Giáp bên một cây ngũ quả |
Năm 2006, ông Giáp bắt đầu ghép cây ngũ quả nhưng do chưa có kinh nghiệm nên đã thất bại. Không chùn bước, ông quyết tâm tạo ra cây cảnh vừa có quả ngọt vừa có hoa, quả thơm, năm sau ông đã thành công.
Ông Giáp chia sẻ: Để tạo ra được những cây ngũ quả thì trước tiên phải có được những cây mẹ khỏe mạnh. Huyện Thanh Oai vốn nổi tiếng là nơi trồng cam canh ngon nên sự mạnh dạn của ông đã đem lại những kết quả bất ngờ. Trong vườn cây có hơn hai trăm gốc cam canh, ông Giáp đã chọn ra 100 gốc để ghép thành cây ngũ quả.
Cây ngũ quả được chọn từ những gốc cam (hoặc bưởi) được gieo bằng hột có độ tuổi nhất định, được đánh lên, trồng xuống nhiều lần để kích thích cây ra nhiều rễ phụ xung quanh rễ chính. Đó cũng chính là bí quyết để những cây cảnh khi đánh khỏi đất vào chậu vẫn phát triển bình thường như khi được trồng trong đất.
Đối với những quả ghép vào cây ngũ quả, tùy theo thị hiếu của khách hàng có thể lấy ngay tại vườn nhà ông hoặc do các “thượng đế” đem từ nơi khác đến rồi nhờ ông ghép vào cây mẹ. Để cả cây mẹ và quả khi ghép vào phát triển được thì phải chọn quả từ những cành tơ, bánh tẻ, dao ghép phải sắc và ghép nhanh để tránh quả bị mất nhiều nhựa. Do các loại quả có thời gian sinh trưởng khác nhau nên thời gian ghép quả cũng khác nhau, bưởi và cam được ghép vào tháng 5 còn quả phật thủ và quýt, quất được ghép vào tháng 9 âm lịch.
Tài đức vẹn toàn
Làng ông Giáp trước đây vốn nổi tiếng với nghề làm pháo. Sau khi lệnh cấm sản xuất và đốt pháo có hiệu lực, cuộc sống của những người nông dân vùng chiêm trũng trở nên khó khăn. “Cái khó ló cái khôn”, không cam chịu cuộc sống khó khăn, ông cùng với các anh em đã đi các vùng khác để học hỏi cách làm giàu. Quyết tâm vươn lên chiến thắng đói nghèo đã giúp ông gây dựng lên cơ nghiệp như ngày nay.
Năm 2002, nhà ông Giáp bắt đầu bán cam canh ra thị trường. Các sản phẩm ông tạo nên đã được gửi đi triển lãm ở các hội chợ trái cây. Đầu năm 2010, tại Festival Trái cây Việt lần thứ nhất năm 2010 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, dù không có mặt tại nhưng ông vẫn nhận được bằng khen "Nhà vườn sáng tạo" của Cục Trồng trọt.
Theo tính toán ban đầu từ bán cây ngũ quả, cam canh, cây giống và cây cảnh, năm nay ông có thể thu lãi ròng khoảng 600 triệu đồng.
Không chỉ có tài tạo ra một vườn cây ăn trái hút hồn người khác, ông Giáp còn được biết đến là một người tốt bụng. Lão nông này đã từng giúp những người nông dân khác cùng cảnh ngộ vươn lên làm giàu như nhà anh Thắng, anh Huấn ở Miếu Môn (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), anh Tình, anh Dũng ở Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) và nhiều người khác ở các vùng lân cận. Đến nay những người được ông giúp đỡ đều đã trở thành những hộ trồng trọt, làm kinh tế giỏi.
Một mùa xuân nữa đang tới. Trên mái tóc hoa tiêu của ông Giáp ngày càng có nhiều sợi bạc, nhưng trên khuôn mặt người nông dân này vẫn rạng rỡ những nụ cười, tấm lòng ông vẫn còn son, vẫn khát khao cống hiến những hoa thơm, trái ngọt cho đời.
Tuấn Nam