Lập 2 phòng khám nhạy cảm giới phục vụ bà con dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau 4 năm hoạt động, dự án “Tổ chức xã hội thúc đẩy cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số” đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng. 2 phòng khám nhạy cảm giới được thành lập với hơn 90.000 người tại hai huyện dự án đã được hỗ trợ tiếp cận dịch vụ...
Nhiều thanh niên và phụ nữ dân tộc thiểu số đã được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng cao.
Nhiều thanh niên và phụ nữ dân tộc thiểu số đã được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng cao.

Đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế

Theo bà Mai Thị Thanh Hằng, đại diện Dự án “Tổ chức xã hội thúc đẩy cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số”, dự án được triển khai từ năm 2017 - 2021 tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk và huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng và do Liên minh Châu Âu (EU) và tổ chức ActionAid Việt Nam tài trợ.

Mục tiêu tổng thể của dự án là tăng cường các hoạt động của các tổ chức nhân dân hướng tới nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng và nhạy cảm giới cho các nhóm đối tượng yếu thế ở các khu vực nông thôn và dân tộc thiểu số của Việt Nam.

Dự án Tổ chức xã hội thúc đẩy cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số được triển khai từ năm 2017 - 2021.

Dự án Tổ chức xã hội thúc đẩy cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số được triển khai từ năm 2017 - 2021.

Dự án đã huy động chính quyền địa phương, cộng đồng và các bên liên quan cải thiện các dịch vụ công về sức khỏe sinh sản và tình dục ở Việt Nam. Tại mỗi huyện dự án, việc phân bổ ngân sách địa phương cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đã tăng lên đáng kể trong hai năm qua.

Việt Nam có hơn 24,6 triệu thanh niên (tuổi từ 10-24), chiếm gần 1/3 tổng dân số, mặc dù tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai ở Việt Nam trong nhiều năm gần đây luôn đứng đầu khu vực và thế giới, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Phát biểu tại buổi tổng kết dự án sáng 6/12, ông Koen Duchateau, Trưởng Ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh Châu Âu khẳng định: “EU tiếp tục cùng Việt Nam theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững, tuân theo nguyên tắc bình đẳng, không để ai bị bỏ lại phía sau... Sau 4 năm thực hiện dự án, tôi thực sự thấy dự án quan trọng và tôi nhấn mạnh kết quả của dự án thông qua bảo hiểm y tế. Những đồng bào dân tộc thiểu số đã có điều kiện tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế”

Quang cảnh buổi hội thảo tổng kết dự án diễn ra trong sáng này (6/12).

Quang cảnh buổi hội thảo tổng kết dự án diễn ra trong sáng này (6/12).

Cũng tại buổi tổng kết dự án, ông Lê Sơn Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) cho biết, Dự án “Tổ chức xã hội thúc đẩy cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số” triển khai từ 7/2017 – 12/2021, được EU và ActionAid đồng tài trợ là một trong những chương trình góp phần thực hiện mục tiêu khó khăn này của Đề án 498 về ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2025.

Thành lập 2 phòng khám nhạy cảm giới hoạt động theo hướng bền vững

Dự án đã góp phần thay đổi năng lực của phụ nữ và thanh niên trong việc quyết định và đi đầu trong các vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của họ thông qua việc trao quyền cho họ với mạng lưới các Nhóm Phát triển Cộng đồng để được giáo dục và thúc đẩy quyền chăm sóc sức khỏe sinh sản tình dục.

Theo đó, các tổ chức xã hội được chính thức thành lập và đi vào hoạt động tại các địa bàn mục tiêu. Dự án đã thành lập 15 nhóm phát triển cộng đồng trong năm thứ 2, với 15 nhóm phát triển cộng đồng đã hoạt động được nâng cao năng lực tại 2 huyện Lâm Hà và Krông Bông.

2 phòng khám về nhạy cảm giới được thành lập và đi vào hoạt động.

2 phòng khám về nhạy cảm giới được thành lập và đi vào hoạt động.

Dự án cũng đã thành lập được 2 phòng khám về nhạy cảm giới và đi vào hoạt động. 2 phòng khám có đầy đủ với trang thiết bị hiện đại, trang trí bên trong thân thiện với người sử dụng và đội ngũ y bác sĩ có trình độ. Mỗi phòng khám được trang bị các thiết bị chuyên về sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục như hệ thống máy siêu âm màu, máy xét nghiệm sinh hóa, máy soi cổ tử cung, bàn khám sản và các trang thiết bị cũng như nội thất cần thiết (bàn ghế, bảng thông báo).

Đến tháng 6/2021, tổng số 8,977 phụ nữ và thanh niên đã sử dụng dịch vụ phòng khám, 1.500 phụ nữ và thanh niên được hưởng lợi từ các chuyến tư vấn tại thôn bản.

Là một trong những người hưởng lợi của dự án, bà Triệu Thị Sa ở xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: “Được tham gia dự án, tôi và các chị em trong buôn đã biết cách chăm sóc cơ thể mình và thảo luận chuyện này với chồng/bạn trai. Chúng tôi cũng biết chủ động đi khám sức khỏe định kỳ và học cách phòng tránh thai, bảo vệ sức khỏe của bản thân gia đình. Trước đây thì chúng tôi đều kệ hoặc âm thầm chịu đựng hoặc phải đi gần 100km nếu cần khám phụ khoa. Cảm ơn các bác sỹ và dự án!”

Đặc biệt, dự án đã thúc đẩy sự hợp tác nhiều bên giữa chính quyền địa phương và giới truyền thông cũng như cộng đồng trong việc thúc đẩy quyền chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục ở Việt Nam đã được chứng minh thông qua việc công nhận chính thức vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan khác nhau và tăng đáng kể phân bổ ngân sách cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong hai lĩnh vực dự án.

Đọc thêm