Lắp đặt thiết bị ghi, in kết quả tại cột đo xăng dầu: Thực sự cần thiết?

(PLVN) - Theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ, từ ngày 1/7/2019 cột đo xăng dầu phải có thiết bị ghi, in kết quả đo để in và cung cấp kết quả đo cho khách hàng khi có yêu cầu. Tuy nhiên theo doanh nghiệp, thực tế việc lắp đặt thiết bị trên chưa phục vụ nhu cầu của người dân, chỉ làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Công cụ bảo vệ người tiêu dùng

Cụ thể, nội dung lắp đặt thiết bị ghi, in kết quả tại cột đo xăng dầu được đề cập tại Thông tư số 08/2018/TT-BKHCN ngày 15/6/2018 sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 6 Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN ngày 25/8/2015 quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ban hành.

Thiết bị ghi, in kết quả đo phải đảm bảo các yêu cầu về đo lường sau: Không có cơ cấu, chức năng tác động làm thay đổi kết quả đo, đặc tính kỹ thuật đo lường của cột đo xăng dầu; kết quả đo phải đảm bảo đủ thông tin rõ ràng, minh bạch để người có quyền và nghĩa vụ liên quan kiểm tra việc thực hiện phép đo, phương tiện đo, lượng hàng hóa.

Kết quả đo in ra từ cột đo xăng dầu là tài liệu, chứng cứ để kiểm tra, giám sát, khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về đo lường nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Ngoài ra, việc gắn thiết bị ghi, in kết quả đo để in và cung cấp kết quả đo cho khách hàng khi có yêu cầu không chỉ bảo vệ người tiêu dùng mà còn giúp cho công tác quản lý, kiểm tra được số lượng đầu vào, đầu ra của các cây xăng dễ dàng hơn, tránh trường hợp nhập lậu và bán xăng, dầu chất lượng kém ra thị trường.

Doanh nghiệp nói người dân không có nhu cầu

Mới đây, theo phản ánh của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai, quy định về việc lắp đặt “Thiết bị ghi và in kết quả đo” của các trạm kinh doanh xăng dầu nói trên thực tế chưa phục vụ nhu cầu của người dân, chỉ làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp, trong khi người dân khi đổ xăng không có nhu cầu lấy chứng từ này.

Mặt khác, qua nghiên cứu thì chứng từ in không có giá trị pháp lý, nếu có tranh chấp giữa người mua và người bán thì các cơ quan pháp luật cũng khó xử lý vi phạm của các trạm kinh doanh xăng dầu; vì nếu tranh chấp về chất lượng thì khi đổ xăng, trong xe vẫn còn lượng xăng tối thiếu, nên nếu bảo là xăng của trạm kinh doanh xăng dầu không đảm bảo chất lượng thì khó xác định. Còn về số lượng thì người tiêu dùng phải giám sát trong quá trình đổ xăng (xăng khi đổ vào bình rồi thì khiếu nại cũng khó xử lý).

Do đó, cộng đồng DN ở Đồng Nai đề nghị xem xét sửa đổi Thông tư 08/2018/TT-BKHCN vì quy định này chỉ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp nhưng không đảm bảo tính pháp lý để xử lý vi phạm của các trạm kinh doanh xăng dầu.

Trả lời vấn đề trên, Bộ KH&CN cho rằng, mục tiêu quy định trên là công khai, minh bạch, bảo đảm văn minh thương mại, bảo vệ uy tín của DN, bảo đảm sẵn sàng cung cấp kết quả đo cho khách hàng khi có yêu cầu, giúp người tiêu dùng có chứng cứ, tài liệu để khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật đo lường, chất lượng của thương nhân bán lẻ xăng dầu gây thiệt hại cho người tiêu dùng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền có đủ chứng cứ, tài liệu để xử lý khiếu nại, tố cáo, xác định thu lợi bất chính do vi phạm về đo lường trong kinh doanh xăng dầu.

Ngày 7/5/2019, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng thuộc Bộ KH&CN đã có Công văn số 1216/TĐC-ĐL về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư số 08/2018/TT-BKHCN gửi Sở KH&CN và Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nội dung Công văn số 1216/TĐC-ĐL đã phản ánh trong thời gian qua các DN kinh doanh xăng dầu đã tích cực triển khai thực hiện quy định với nhiều loại hình phương tiện, thiết bị ghi, in kết quả đo khác nhau như sau:

- Gắn máy in với cột đo xăng dầu để ghi, in kết quả đo và cung cấp kết quả đo cho khách hàng khi có yêu cầu.

- Sử dụng hệ thống quản trị chuyên dụng điều khiển, vận hành máy tính kết nối với cột đo xăng dầu để ghi, in và sẵn sàng cung cấp kết quả đo cho khách hàng khi có yêu cầu (như hệ thống quản trị hàng hóa EGAS của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; hệ thống tự động cấp phát nhiên liệu sử dụng thiết bị định danh vòi bơm và nhận diện phương tiện của Công ty Cổ phần Vật tư TKV – Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam…).

- Lắp đặt thiết bị đọc thẻ (máy Pos) để khách hàng thanh toán bằng thẻ ngân hàng kết hợp với dịch vụ nhắn tin để cung cấp thông tin kết quả đo cho khách hàng (ví dụ: lượng xăng dầu, thời điểm giao dịch, số tiền giao dịch…) qua tin nhắn trên điện thoại di động của khách hàng.

- Lắp hệ thống camera tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ghi hình ảnh, thông tin về giao dịch của khách hàng để trích xuất, cung cấp kết quả đo, thông tin, hình ảnh về giao dịch khi khách hàng yêu cầu.

- Có sẵn mẫu phiếu kết quả đo để ghi và cung cấp kết quả đo cho khách hàng khi có yêu cầu.

- Sẵn sàng cung cấp cho khách hàng hóa đơn giấy, hóa đơn điện tử,…

Với việc triển khai các loại hình phương tiện, thiết bị ghi, in kết quả đo nêu trên, DN đã thực hiện đúng yêu cầu và mục đích của quy định tại Thông tư số 08/2018/TT-BKHĐT đồng thời giúp ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm về đo lường trong kinh doanh xăng dầu.

Từ những lập luận trên, Bộ KH&CN đề nghị Hiệp hội DN tỉnh Đồng Nai phối hợp tuyên truyền, phổ biến quy định tại Thông tư số 08/2018/TT-BKHĐT và kinh nghiệm triển khai thực hiện của các DN trong thời gian qua tới DN kinh doanh xăng dầu trên địa bàn địa phương. 

Đọc thêm