Lập đề nghị xây dựng nghị định theo quy trình chính sách: Đề xuất chỉ áp dụng với nghị định “không đầu”

(PLO) - Sau hơn 2 năm thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, công tác xây dựng, ban hành VBQPPL đã được các bộ, ngành, địa phương tuân thủ và thực hiện tương đối nghiêm như việc chuẩn bị hồ sơ trình, bảo đảm thời hạn trình; việc đăng Công báo, đăng tải VBQPPL trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật… Đặc biệt là việc thực hiện quy định soạn thảo và ban hành VBQPPL, trong đó có quy trình lập đề nghị xây dựng VBQPPL, được thực hiện tương đối tốt.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Luật năm 2015 đã bổ sung quy trình lập đề nghị xây dựng VBQPPL (xây dựng, đánh giá, thẩm định, thông qua chính sách) trước khi soạn thảo VBQPPL đối với 6 loại văn bản: luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh.

Qua 2 năm triển khai quy định này, ở Trung ương, các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm định thực hiện tương đối nghiêm chỉnh trình tự, thủ tục, hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL, dự án, dự thảo VBQPPL, từng bước hạn chế được việc ban hành VBQPPL tràn lan, thiếu định hướng chính sách. Thực hiện nhiệm vụ quy định trong Luật năm 2015, Bộ Tư pháp đã thể hiện rõ quan điểm về việc dự án, dự thảo VBQPPL đủ điều kiện hoặc chưa đủ điều kiện trình. 

Còn tại địa phương, nhiều nơi đã tuân thủ nghiêm túc quy trình xây dựng chính sách đối với nghị quyết của HĐND cấp tỉnh. Theo đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã dần thực hiện quy trình lập đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND, đồng thời ban hành quyết định thông qua chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết. Công tác thẩm định của Sở Tư pháp cũng từng bước được cải thiện. Tình trạng sao chép các quy định của luật, pháp lệnh và văn bản của các cơ quan nhà nước Trung ương từng bước được hạn chế.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy định này, nhiều bộ, ngành, địa phương cho rằng phạm vi các loại VBQPPL cần phải lập đề nghị theo quy định của Luật năm 2015 là quá rộng. Nhiều văn bản như nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh chỉ quy định về biện pháp tổ chức thi hành văn bản của cấp trên, không quy định chính sách mới nhưng vẫn phải lập đề nghị xây dựng văn bản, làm hạn chế khả năng phản ứng nhanh của Chính phủ và chính quyền địa phương đối với những vấn đề cấp bách của xã hội.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Lê Thị Kim Dung thẳng thắn chỉ ra, quy trình của 2 giai đoạn lập đề nghị xây dựng nghị định và tổ chức soạn theo nghị định là giống nhau. Các chính sách và nội dung dự thảo đều thực hiện lấy ý kiến bộ, ngành, Bộ Tư pháp đã thẩm định và đã được Chính phủ thông qua tại giai đoạn lập đề nghị. Song quá trình soạn thảo lại lặp lại các nội dung như nhau gây mất thời gian cho cơ quan chủ trì soạn thảo. 

Để tháo gỡ vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Võ Văn Tuyển cho biết đang nghiên cứu đề xuất thu hẹp phạm vi các loại nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh phải lập đề nghị xây dựng. Ngoài ra, quy định rõ hơn các nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh phải lập đề nghị. 

Cụ thể, dự kiến giảm một số loại nghị định của Chính phủ phải lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách (ví dụ như các nghị định về biện pháp cụ thể để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; các nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các nghị định để thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên).

Đồng thời, giảm một số loại nghị quyết của HĐND cấp tỉnh phải lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách (ví dụ như nghị quyết về biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật. VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật năm 2015). Bên cạnh đó, sẽ rà soát để giảm bớt nội dung cần đánh giá tác động cho phù hợp với tính chất của từng loại văn bản, nhất là văn bản của địa phương cũng như bổ sung định nghĩa khái niệm “chính sách” nhằm xác định rõ và đúng những gì thực sự tác động đến xã hội, người dân, doanh nghiệp để giảm bớt những vấn đề cần phải đánh giá tác động.

Tán thành đề xuất này, Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Đinh Dũng Sỹ lý giải, với những nghị định được giao trong luật mà phải lập đề nghị theo quy trình chính sách đã phát sinh nhiều băn khoăn “tại sao phải lập” nên chỉ yêu cầu lập đề nghị đối với nghị định “không đầu”. Đối với chính quyền địa phương, nghị quyết của HĐND phải lập đề nghị bởi liên quan đến thẩm quyền được luật giao (về phí). Mặt khác, phải quán triệt tinh thần địa phương chủ yếu là thi hành pháp luật, chứ không trao cho địa phương nhiều thẩm quyền trong xây dựng pháp luật. 

Đọc thêm