Càng công khai, minh bạch càng thể hiện trách nhiệm cá nhân
Theo LS Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám Đốc, Công Ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật Sư TP Hà Nội), trước đây các quy định pháp luật về hoạt động này có nhưng chưa chặt chẽ, đầy đủ dẫn đến việc áp dụng trong thực tiễn chưa đầy đủ và phù hợp. Bộ Tài chính đã dự thảo Thông tư Hướng dẫn Chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội từ thiện, dự thảo này sẽ góp phần trong việc quản lý hoạt động từ thiện được minh bạch, công khai, khách quan và thể hiện tính trách nhiệm trong việc từ thiện của cá nhân.
|
Tuy nhiên, các quy định mới này cũng sẽ vô tình là trở ngại khiến các mạnh thường quân đứng ra kêu gọi từ thiện băn khoăn hơn vì các quy định ràng buộc xung quanh. Mặc dù vậy, hoạt động từ thiện thường xuất phát từ cái tâm của con người, nếu thật sự thực hiện bằng cái tâm, thì chắc chắn, sau bài học từ những “lùm xùm”, những người thật lòng thật tâm muốn giúp đỡ các hoàn cảnh khó sẽ rút ra bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn chứ không phải quay lưng.
Dự thảo Thông tư có quy định trường hợp tiếp nhận tài trợ bằng tiền, cá nhân người vận động phải mở riêng tài khoản cho mục đích xã hội, từ thiện tại ngân hàng theo quy định, là một quy định cần thiết để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng trong hoạt động từ thiện hiện nay. Bởi khi một cá nhân sử dụng tài khoản của mình mở tại ngân hàng để huy động, kêu gọi tiền từ thiện, thì tài khoản đó dưới góc độ pháp lý vẫn chỉ là một tài khoản tiền gửi cá nhân thông thường.
Việc công khai số dư tài khoản, lịch sử hoạt động tiền ra, tiền vào của tài khoản thuộc quyền quyết định của cá nhân hoặc người được cá nhân ủy quyền. Trong khi đó, pháp luật chỉ quy định trong một số trường hợp đặc biệt, cơ quan nhà nước có quyền can thiệp, yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng cá nhân. Do đó, việc sử dụng tài khoản cá nhân để huy động tiền từ thiện rất khó kiểm soát về tính minh bạch, khách quan. Đặc biệt khi số tiền kêu gọi từ thiện quá lớn, nếu không được công khai, minh bạch và kiểm soát chặt chẽ thì tình trạng trục lợi từ hoạt động từ thiện hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Minh bạch sẽ giúp hoạt động từ thiện đi vào nền nếp và đúng luật
Theo Luật sư Hà Huy Từ (Công ty Luật Hà Huy, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính đã nêu ra một số quy định tương đối chặt chẽ về hoạt động xã hội, từ thiện của các tổ chức, đơn vị, cá nhân theo quy định pháp luật. Ví dụ như: trường hợp tiếp nhận tài trợ bằng tiền, cá nhận người vận động phải mở riêng tài khoản cho mục đích xã hội, từ thiện tại ngân hàng theo quy định, không được nhận tiền tài trợ cho mục đích xã hội, từ thiện vào chung tài khoản sử dụng chi tiêu cá nhân của người vận động. “Quy định này là đúng với mục đích phân tách rõ các tài khoản ngân hàng của người vận động để thuận tiện cho việc hạch toán cũng như để cơ quan chức năng xem xét, kiểm tra khi cần thiết”. –LS Từ đánh giá.
|
Tuy nhiên, ở khía cạnh bản chất, LS Từ cho rằng tách bạch tài khoản không phải là mà vấn đề chính, mà người vận động có thực sự công tâm, liêm chính, không “xà xẻo” tiền từ thiện của những người đóng góp mới là vấn đề quan trọng.
Vị LS này nói rằng, cho dù người vận động có lập tài khoản riêng biệt dành riêng cho việc nhận tài trợ bằng tiền, nhưng người đó có mục đích xấu, động cơ vụ lợi, khi lòng tham nổi lên họ cũng sẽ nghĩ ra cách để trục lợi tiền từ thiện, vì thế, việc cơ quan chức năng thực hiện giám sát hoạt động của người vận động cực kỳ quan trọng để minh bạch hóa hoạt động xã hội, từ thiện.
“Tôi nghĩ Dự thảo Thông tư cần đưa ra khuôn khổ pháp lý hai vấn đề chính: thứ nhất là cơ quan chức năng thực hiện giám sát hoạt động của người vận động ở mức độ, phạm vi, thời điểm nào, thứ hai là cần có quy định cụ thể để nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát, có chế tài cụ thể nếu cơ quan chức năng thông đồng, móc ngoặc với người vận động để “xà xẻo” tiền hỗ trợ”- LS Từ kiến nghị.
Ngoài ra, để đưa hoạt động xã hội, từ thiện từng bước đi vào nề nếp, vừa đúng luật, vừa nhân văn thì Dự thảo Thông tư cần đưa ra nhiều quy định cụ thể hơn nữa để làm rõ, sắc nét như 4 cạnh của 1 hình vuông, đó là: cá nhân, tổ chức đóng góp - người vận động - người nhận hỗ trợ - cơ quan giám sát. Cần quy định rõ hơn, chi tiết hơn về quyền, nghĩa vụ, cơ chế giám sát, bị giám sát của 4 chủ thể này và đặt 4 chủ thể này trong mối quan hệ biện chứng, hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau không thể tách rời. Tất nhiên, việc xây dựng các quy định của Thông tư cần được đặt trên nền tảng các quy định về cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.
Góp ý cho Dự thảo mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến, LS Từ kiến nghị, việc ban hành kèm theo Thông tư cần phải có các biểu mẫu ngắn gọn, dễ làm, dễ thực hiện, dễ kiểm tra. Những thủ tục nhiêu khê, phiền hà ảnh hưởng xấu đến hoạt động từ thiện cần được bãi bỏ. Bởi vì hoạt động hỗ trợ, từ thiện là hoạt động vừa mang tính nhân văn, vừa mang tính cấp thiết, cần sự chung tay, góp sức kịp thời, mạnh mẽ của cộng đồng, của nhiều thành phần, tầng lớp trong xã hội.
“Xét về tổng thể, việc ban hành Thông tư của Bộ Tài chính có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần đưa hoạt động xã hội, từ thiện của cá nhân vào khuôn khổ pháp luật để kiểm tra, giám sát, nhưng tuyệt đối không nên đưa ra những quy định cứng nhắc, đặt nặng tính kiểm tra, giám sát khắt khe quá mức khiến cho cá nhân e ngại thậm chí không dám đứng ra làm người vận động”- Luật sư Hà Huy Từ nhấn mạnh.
Quy định về tài khoản riêng và sổ ghi chép là rất cần thiết
Diễn viên Hà Hương, người có kinh nghiệm trong hoạt động thiện nguyện. Hồi tháng 2, chị cùng các tình nguyện viên nhận được sự ủng hộ của dư luận khi giải cứu thành công hơn 40 tấn nông sản cho bà con nông dân ở Hải Dương. Trước đó, cả gia đình chị cũng dành nhiều thời gian để làm mũ chắn giọt bắn để gửi tặng lực lượng tuyến đầu chống dịch.
|
Khi được hỏi về các đề xuất mới của Bộ Tài chính liên quan đến việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các HĐXHTT, diễn viên phim "Phía trước là bầu trời" cho rằng: Những quy định về tài khoản riêng và sổ ghi chép trong quá trình các các nhân vận động làm từ thiện này như Bộ Tài chính đề xuất là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Diễn viên Hà Hương: Chúng ta cần phải rút ra bài học kinh nghiệm xương máu cho công tác từ thiện sau những sự kiện ồn ào vừa rồi. Rõ ràng, cơ quan quản lý cần đưa ra công cụ, chế tài rõ ràng để quản lý hoạt động thiện nguyện một cách hiệu quả hơn. Hy vọng các quy định trong Dự thảo sẽ sớm được ban hành. Nếu không chúng ta tốn rất nhiều công sức để xây dựng ra xong lại để đó không thực hiện thì rất là phí.
Về cá nhân tham gia vận động, quyên góp từ thiện, tôi nghĩ rằng đã đến lúc cần thay đổi cả tư duy của con người thực hiện cũng như các chương trình từ thiện. Với cá nhân làm công việc thiện nguyện cần cố gắng rõ ràng, minh bạch trong việc tiếp nhận, sử dụng nó để một mặt vừa đỡ tai tiếng, mặt khác có minh bạch thì việc huy động nguồn lực này sẽ còn tốt hơn. Thực tế đồng tiền từ thiện nó quý giá lắm, nó giúp được cho rất nhiều người đang có hoàn cảnh khó khăn xung quanh chúng ta.