Lấy ý kiến triển khai xếp hạng năng lực nhà thầu xây dựng Việt Nam

(PLO) - Ngày 20/10/2017, tại Tp. Hồ Chí Minh, Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, chi nhánh phía Nam (VACC) tổ chức lấy ý kiến cho đề cương Đánh giá xếp hạng năng lực thầu xây dựng Việt Nam.
Ông Dương Văn Cận, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký VACC trình bày đề cương xếp hạng năng lực nhà thầu xây dựng Việt Nam. Ảnh: Võ Anh Tuấn.

Theo đề cương này, đối tượng được xếp hạng là thành viên chính thức của VACC phạm vi cả nước thuộc các lĩnh vực xây dựng, không phân biệt quy mô, vùng miền. Bảng xếp hạng được chia nhóm theo lĩnh vực thi công xây dựng, lấy giá trị sản lượng để chia thành các nhóm A, B, C, D.

Lĩnh vực đánh giá xếp hạng năng lực gồm xây dựng và tư vấn. Lĩnh vựcxây dựng được chia thành: dân dụng (nhà ở, công trình công cộng); giao thông (đường bộ, đường sắt, cầu, cảng, công trình hàng không, công trình biển, công trình ngầm ...); thủy lợi (đê, đập, kè, ...); công trình điện: thủy điện, nhiệt điện, đường dây và trạm; công trình công nghiệp VLXD: xi măng, công nghiệp VLXD khác; Các công trình công nghiệp khác.

Trong lĩnh vực xây dựng, bảng xếp hạng lại phân nhóm đối tượng thành Nhóm các nhà tổng thầu, Nhóm các nhà thầu chính và Nhóm các nhà thầu chuyên nghành (thi công và xử lý nền móng,gia công cơ khí,lắp đặt thiết bị,đường băng sân đỗ,hạ tầng kỹ thuật đô thị...).

Các nhà thầu sẽ được đánh giá dựa trên các chỉ tiêu: tài chính, kinh nghiệm quản lý – thực hiện hợp đồng và Chỉ tiêu lao động.

Chỉ tiêu tài chính sẽ dựa vào doanh thu bình quân hằng năm từ hoạt động xây dựng; tổng vốn doanh nghiệp; hiệu quả hoạt động SXKD bình quân 5 năm; các hợp đồng đã thực hiện xong và đang thực hiện được phần lớn giá trị. Chỉ tiêu kinh nghiệm quản lý và thực hiện hợp đồng gồm các công trình tiêu biểu đã thi công trong 5 năm gần nhất; số lượng và giá trị các hợp đồng đã hoàn thành toàn bộ và hợp đồng đã được ký kết từ những năm trước thời điểm kê khai đang thực hiện xong phần lớn (từ 50% giá trị khối lượng hợp đồng trở lên) trong 5 năm gần nhất; số năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Chỉ tiêu lao động gồm giá trị sản lượng tính trên đầu người bình quân hằng năm; tỷ trọng về số lượng lao động kỹ thuật/tổng số lao động bình quân năm; số cán bộ có trình độ đại học, trên đại học và công nhân kỹ thuật từ bậc 4/7 trở lên (gọi chung là lao động kỹ thuật) đang làm việc hợp đồng tại đơn vị (tính từ 1 năm trở lên).

Bảng xếp hạng được kỳ vọng là sẽ tôn vinh nhà thầu uy tín, tạo điều kiện để các nhà thầu khẳng định vị trí và phát triển, quảng bá thương hiệu trên thị trường; giúp Chủ đầu tư có dữ liệu thông tin để xem xét, khi tìm hay lựa chọn nhà thầu phù hợp; là cơ sở thông tin tin cậy để các nhà đầu tư nước ngoài tìm được nhà thầu phù hợp; và góp phần tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Đọc thêm