Tham dự Lễ công bố có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương; đại diện Đại sứ quán các nước tại Hà Nội, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ, các doanh nghiệp; lãnh đạo ĐHQG Hà Nội và các trường, viện, cơ quan thuộc/trực thuộc ĐHQG Hà Nội; các thế hệ nhà giáo, người lao động, các thế hệ lãnh đạo khoa, trường nhiều thời kỳ, các thế hệ người học…
Trước đó, ngày 23/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1124/QĐ-TTg về việc thành lập Trường ĐH Luật, thành viên ĐHQGHN trên cơ sở khoa Luật trực thuộc ĐHQG Hà Nội.
Việc thành lập Trường ĐH Luật không chỉ thỏa lòng mong đợi của nhiều thế hệ thầy và trò của nhà trường mà còn góp phần hoàn thiện mô hình phát triển của ĐHQG Hà Nội. Cùng với đó, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động đào tạo, nghiên cứu luật ở Việt Nam; góp phần thực hiện đầy đủ, hiệu quả chính sách tự chủ ĐH của Đảng, Nhà nước trong điều kiện, mô hình ĐHQG Hà Nội.
Sự ra đời của ĐH Luật cũng góp phần phát triển định hướng ĐH nghiên cứu và khuyến khích phát triển ĐH nghiên cứu thuộc lĩnh vực pháp luật trong điều kiện hiện nay của Việt Nam; tạo cơ hội tiếp cận giáo dục đại học bình đẳng cho mọi đối tượng tại Việt Nam và thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước…
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chúc mừng các thế hệ nhà giáo khoa Luật. Việc thành lập Trường ĐH Luật, theo Bộ trưởng, là sự ghi nhận những cố gắng của các thế hệ cán bộ, nhà giáo qua 46 năm không ngừng xây dựng, vun đắp, phát triển và nay đã bước vào chặng đường phát triển mới, với tên gọi mới, tầm vóc và khí thế mới.
|
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. |
Bộ trưởng cũng gửi lời chúc mừng ĐHQG Hà Nội khi đón nhận thành viên thứ 9 - Trường ĐH Luật. Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, mỗi một trường ĐH ra đời, việc làm thủ tục, xem xét các điều kiện, khả năng đều phải rất thận trọng. Nhưng 3 khối ngành là khoa học sức khỏe, sư phạm, khối luật, sự thành lập, tổ chức đào tạo, cấp phép đào tạo càng cần đặc biệt thận trọng. Các quốc gia trên thế giới đều thận trọng trong thành lập, đào tạo 3 lĩnh vực này bởi tác động trực tiếp đến con người, hoạt động xã hội, quyết định sự an nguy của cả xã hội, đất nước. Nhắc đến điều này, Bộ trưởng khẳng định thêm ý nghĩa sự ra đời của Trường ĐH Luật, ĐHQG Hà Nội; thể hiện sự trân trọng, sự khẳng định từ phía Chính phủ đối với nhà trường.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mong mỏi, Trường ĐH Luật, ĐHQG Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống, bề dày trong nghiên cứu khoa học, đào tạo để tiếp tục lớn mạnh, tỏa sáng trong tương lai. Đặc biệt, nhà trường cần quan tâm đến chất lượng đào tạo, làm sao đây phải là nơi có chất lượng tốt nhất, tiên phong nhất, mẫu mực nhất - đó là trách nhiệm đương nhiên của một thành viên trong một ĐH hàng đầu của đất nước. Cùng với đó, Bộ trưởng cũng mong nhà trường có những đóng góp thiết thực trong xây dựng các bộ luật.
Bộ trưởng cũng gợi ý, Trường ĐH Luật nên cân nhắc, trong giá trị cốt lõi của trường cần nhấn mạnh thêm yếu tố thượng tôn pháp luật, liêm chính, công minh, đổi mới sáng tạo và trách nhiệm quốc gia. “Đó mới là đặc sắc của Trường ĐH Luật thuộc ĐHQG Hà Nội.” - Bộ trưởng cho hay.
|
Trao quyết định bổ nhiệm cán bộ Trường Đại học Luật. |
Tại buổi lễ, ĐHQG Hà Nội cũng công bố các quyết định bổ nhiệm cán bộ Trường ĐH Luật. Theo đó, bà Nguyễn Thị Quế Anh được bổ nhiệm là Hiệu trưởng; hai Phó Hiệu trưởng là ông Trịnh Tiến Việt và ông Nguyễn Trọng Điệp.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, thay mặt Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng gửi đến các thầy cô dự buổi lễ, cũng như các thầy cô giáo trên cả nước dồi dào sức khỏe, bình an, hạnh phúc, thành công trong sự nghiệp trồng người. “Sự thành công của chúng ta trong sự nghiệp trồng người sẽ tạo thành thành công lớn của quốc gia, dân tộc” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.