Lễ hội “Kiệu bay” - phiêu du tại làng biển

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lễ hội Xa mã - rước kiệu - còn gọi là lễ hội thi kéo ngựa gỗ ra đời cách đây khoảng 300 năm.
 Kiệu thánh có thể “bay” khắp chốn, không biết trước điểm dừng. (Ảnh Lê Tân)
Kiệu thánh có thể “bay” khắp chốn, không biết trước điểm dừng. (Ảnh Lê Tân)

Xa mã tái hiện cảnh rèn luyện, tập trận của binh sĩ xưa. Tiếng hò reo của những người tham gia đội kéo xe, của người xem tái hiện lại tiếng quân reo, ngựa hý, vó ngựa đạp cùng chiêng trống vang lên khi tập duyệt binh sĩ và xung trận đánh giặc của 2 vị Thành hoàng. Lễ hội là kết tinh thần thượng võ, hùng tráng, dũng cảm, nhanh nhẹn của người dân miền biển Hoàng Châu, huyện Cát Hải (Hải Phòng).

Lễ hội mùa gió nam, mong mùa ra khơi no ấm

Theo người dân địa phương, Lễ hội Xa mã - rước kiệu đã có cách đây khoảng 300 năm. Sau nhiều năm trì hoãn vì hoàn cảnh xã hội, Lễ hội Xa mã - rước kiệu đã được phục dựng vào năm 1992.

Lễ hội diễn ra từ mùng 9 tháng 6 âm lịch và kéo dài trong 3 ngày. Đây là dịp kỷ niệm ngày dựng đình và tri ân 2 vị thành hoàng làng là Đô nguyên soái và Phó nguyên soái có công trừ hải tặc, dạy dân nghề đánh cá. Qua các thần phả, sắc phong và các văn bia hiện còn lưu giữ tại đình làng Hoàng Châu, Lễ hội rước kiệu và chạy Xa mã độc đáo của làng Hoàng Châu được tổ chức vào mùa gió nam, mưa lũ nhiều, nhằm tưởng nhớ đến Thành hoàng và các bậc tiền hiền của làng. Ngư dân ven biển Cát Hải cầu mong thần linh biển cả - thủy thần bảo trợ cho mùa ra khơi đánh bắt cá được an toàn, bội thu.

Do đặc điểm cuộc sống gắn bó với biển, mảnh đất Hoàng Châu gắn với đời sống tâm linh và những phong tục độc đáo. Dân làng cho rằng, cứ vào dịp hội làng là những vị thần có công khai sinh lập làng, đi quanh làng để thăm thú, xem sự phát triển đổi mới của quê hương và phù hộ độ trì cho dân làng được no ấm, bình an, mùa màng bội thu trong năm.

Làng Hoàng Châu có 12 dòng họ, chia thành 2 giáp Đông và giáp Tây cùng nhau tổ chức Lễ hội. Đội Nam quan, Nữ quan tham gia Xa Mã - Rước kiệu (đội phù giá) là những nam thanh, nữ tú (giai tân, gái tân), khoẻ mạnh, có lối sống lành mạnh. Trước ngày hội 1 tuần, họ phải ăn chay, gia đình không có tang trở. Đây là những người đại diện của từng xóm tham gia vào nghi thức tế thần.

Mùng 10 là ngày chính hội, đại nghinh thần, đại tế của đình làng Hoàng Châu. Sáng sớm, Chủ tế và Cai đám ra đình thắp hương xin phép các vị Thánh thần cho làng vào lễ hội. Đội Nam quan mặc đồ tế thực hiện các nghi thức lễ trước long đình. Hai Cai đám (của hai giáp) sắp đồ lễ hoa quả cho Chủ tế, Chào vua vào lễ Thánh. Chủ tế thực hiện các nghi thức lễ tế truyền thống, quỵ gối, phủ phục 4 vái rồi làng mở chiêng trống, xin phép thần linh cho làng an toàn, may mắn trong lúc Xa mã - Rước kiệu.

6 Đình phe, 4 người cầm cờ, 2 người cầm chiêng, tay cầm cờ thần, đầu chít khăn mỏ rìu đỏ, áo thụng vàng, thắt đai đỏ, quần bó ống, vái thánh thần và reo hò rước 2 ông xa mã ra ban, chiêng trống cùng đội nam quan, nữ quan (đội hình phù giá) vào rước lần lượt kiệu long đình, Long ngai Đức Đô nguyên soái, Phó nguyên soái, Long ngai hai vị Đức vua Đông Hải bản lộ đô thống đại vương và Đức vua bà Nam Hải càn quý nương quốc mẫu đại vương (thường gọi là long ngai, kiệu Chào) và kiệu Thánh mẫu Liễu Hạnh ra trước cửa đình để bắt đầu cho nghi lễ Xa mã - Rước kiệu vào lúc 10 giờ.

Nghi lễ rước kiệu bay mang đậm sự tín ngưỡng tâm linh, độc đáo để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân và du khách.

Nghi lễ rước kiệu bay mang đậm sự tín ngưỡng tâm linh, độc đáo để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân và du khách.

Trong rước kiệu đình Hoàng Châu, vai trò của những Đình phe rất quan trọng. Theo các cụ cao tuổi, Đình phe cầm cờ múa trước khi rước kiệu để ngăn thế lực hắc ám tranh chỗ ngự trên kiệu của các Thánh. Hơn thế, trong lúc rước kiệu, nếu thấy có kiệu rước nào mệt, không thể tiếp tục được nữa nhưng các Thánh vẫn ngự và bay tiếp thì chỉ Đình phe mới có thể dừng kiệu lại được và đổi vai để cho đám phù giá khác vào thay hoặc dừng hẳn kiệu lại. Như vậy, sự có mặt của Đình phe có thể được coi là một trong những nét đặc sắc riêng có của Lễ hội đình Hoàng Châu.

Nghi lễ rước kiệu bay mang đậm sự tín ngưỡng tâm linh, độc đáo để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân và du khách. Kiệu rước như có thánh thần hiển linh, nên lúc di chuyển nhanh như bay, lúc lại ung dung, điềm tĩnh. Kiệu còn đi lùi, quay vòng khiến những trai tráng rước kiệu như bay theo. Phía sau các cỗ kiệu là cả một đoàn người chạy theo, hò reo khiến không khí đám rước càng thêm náo nhiệt.

Xa mã - ảo huyền ước vọng và huyền tích

Nghi lễ kéo Xa mã có thể nói là nghi lễ độc đáo, mà không ở đâu có được làm du khách mê đắm. Xa mã tái hiện cảnh rèn luyện, tập trận của binh sĩ xưa.

Xa mã mang dáng dấp một đôi ngựa chiến có đầy đủ dây cương, yếm hoa. Người chỉ huy tay cầm cờ nhỏ có màu sắc để phân biệt với đối phương. Cuộc thi có hai đội tham gia chia làm hai Giáp, đại diện cho giáp Đông và Tây. Mỗi giáp từ 15 - 20 người, gồm: 3 Đình phe và các trai đinh. Trang phục giáp Đông màu đỏ, giáp Tây màu vàng. Ngựa giáp Đông chạm nổi biểu tượng “Hổ phù”, “Long mã”, mang tính “dương” - chỉ mặt trời. Ngựa giáp Tây chạm biểu tượng “Hổ phù”, “mặt nguyệt”, mang tính âm - chỉ mặt trăng. Mỗi giáp kéo một ông ngựa.

Đôi Xa mã đình Hoàng Châu là một cặp âm dương, phản ánh ước vọng cầu sinh sôi, phát triển của người dân. Giáp nào thắng thì năm đó cả làng được may mắn. Xa mã được đội nam quan chằng néo chắc chắn để khi chạy ngựa không làm tổn hại đến Xa mã.

Hai ông Đình phe đứng trên Xa mã. Một ông tay ôm cổ ngựa tay rung lục lặc để tạo khí thế xung trận. Một ông ngồi khom lưng phía cuối xa mã múa cờ thần các trai đinh thì chia đều làm đôi để phân bổ theo hai bên dây kéo. Người cầm đầu dây (người cầm chịch) và người cầm chiêng gõ tưng bừng.

Xa mã hay còn gọi là thi kéo ngựa gỗ lại tái hiện lại cảnh rèn luyện, tập trận của binh sĩ thời xưa mang lại sự hào hứng cho Lễ hội. (Ảnh Lê Tân)

Xa mã hay còn gọi là thi kéo ngựa gỗ lại tái hiện lại cảnh rèn luyện, tập trận của binh sĩ thời xưa mang lại sự hào hứng cho Lễ hội. (Ảnh Lê Tân)

Tiếng hò reo của những người tham gia đội kéo xe, của người xem tái hiện lại tiếng quân reo, ngựa hý, vó ngựa đạp cùng chiêng trống vang lên khi tập duyệt binh sĩ và xung trận đánh giặc của 2 vị Thành hoàng. Xa mã của hai giáp sẽ chạy ngược chiều, đối nhau theo vòng tròn của sân cỏ đình làng. Xa mã giáp Đông sẽ di chuyển từ Đông sang Tây; Xa mã giáp Tây sẽ di chuyển ngược lại từ Tây sang Đông. Quy định của cuộc chơi, bên nào muốn giành giải thưởng của làng phải kéo ngựa chạy đủ ba vòng, không chạm vạch.

Giáp nào đưa ngựa trở lại sân đình trước giáp đó thắng cuộc. Phần thưởng được trao cho đội thắng chỉ là lộc phẩm của Hội Đình. Cả bên thắng, bên thua cùng hòa đồng trước sự cổ vũ reo hò của dân làng và du khách thập phương.

Trong nghi lễ kéo Xa mã, cả người xem và người chơi có cảm giác rất hưng phấn, như được tham gia một buổi tập trận thực sự. Tiếng hò reo vang lên khắp nơi. Tiếng chiêng, tiếng trống liên hồi sục sôi dồn dập. Đây thật sự là một nghi lễ mang đầy tính thượng võ, đậm đà bản sắc văn hóa dân gian của người dân địa phương.

Sau khi Xa mã - Rước kiệu, trong khuôn viên đình tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: kéo co, cầu thùm dưới nước, bắt vịt dưới nước, bịt mắt bắt vịt trên sân đình, chọi gà, thi cờ người, thi đan lưới...

Lễ hội Xa Mã kết thúc, nhân dân Hoàng Châu lại trở về với công việc chài lưới đánh cá hàng ngày, với một niềm tin mới, hy vọng mới.

Lễ hội Xa mã - Rước kiệu đình Hoàng Châu là dịp người dân bày tỏ lòng tri ân sâu sắc, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tới các vị Thành hoàng làng, các vị tiền nhân, anh hùng dân tộc đã “Hộ quốc tý dân”, tiễu trừ giặc, giữ yên bờ cõi; dạy dân nghề nghiệp để mưu sinh. Lễ hội tổ chức vừa thỏa mãn nhu cầu tâm linh, vừa thể hiện ước mong được thần linh phù trợ cho biển yên sóng lặng, cuộc sống ngư dân no đủ, buông thuyền khơi xa cá khoang đầy ắp.

Thông qua Lễ hội, người dân Hoàng Châu còn giáo dục cho các thế hệ con em truyền thống quý báu của cha anh; giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, yêu lao động và sản xuất. Lễ hội còn là nơi lưu giữ nguồn sử liệu quý giá, giúp các nhà nghiên cứu lịch sử có thêm các cứ liệu về những nhân vật lịch sử được nhiều triều đại sắc phong, nhân dân tôn kính thờ phụng.

Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội Xa mã – Rước kiệu đình Hoàng Châu được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL ngày 08/5/2017.