Lễ hội Nghinh Ông năm 2023 diễn ra trong hai ngày 27-28/11, với các hoạt động như, Lễ Cung thỉnh các vị thần linh, cầu an, cầu siêu, lễ kiến quân, nghinh Thần Nam Hải... Cùng với đó là các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao như: Chương trình nghệ thuật khai mạc chào mừng Lễ hội, giải bóng đá, cầu lông, giải chạy việt dã, trò chơi dân gian, trưng bày hình ảnh tư liệu về biển đảo, Lễ hội Nghinh Ông và danh thắng huyện đảo Kiên Hải...
Lễ hội cũng có các gian hàng giới thiệu, quảng bá du lịch, sản phẩm OCOP và khảo sát sản phẩm, dịch vụ Du lịch Biển đảo... Đây là những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương nhằm tôn vinh nét văn hóa đặc trưng của ngư dân vùng biển đảo Kiên Hải.
Đông đảo người dân và du khách đến tham quan lễ hội Nghinh Ông tại huyện Kiên Hải. |
Lãnh đạo huyện Kiên Hải chia sẻ: Lễ hội Nghinh Ông 2023 tiếp thêm sức mạnh cho Kiên Hải có những bước bứt phá, thay đổi, phát triển kinh tế-xã hội; đặc biệt từ khi huyện đảo Kiên Hải được Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang quyết định công nhận đảo Nam Du và Lại Sơn là hai khu du lịch địa phương.
Đồng thời, những nét đẹp văn hóa, truyền thống của vùng biển đảo nơi đây được giới thiệu đến người dân và bạn bè quốc tế; trong đó có lễ hội Nghinh Ông. Qua đó, giới thiệu những hình ảnh, nét đặc trưng, truyền thống lịch sử, văn hóa của vùng biển đảo Kiên Hải, một “Hạ Long phương Nam” đến với du khách trong và ngoài nước.
Bắt đầu từ năm Quý Sửu 1913, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ là nét phong tục, tập quán tốt đẹp trong hoạt động sản xuất ngư nghiệp của người dân địa phương.
Lễ hội còn là dịp để các nhà đầu tư gặp gỡ, giao lưu, tìm kiếm cơ hội và cùng với địa phương khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng biển đảo này.
Chiều cùng ngày, tại xã Lại Sơn, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang tổ chức Tọa đàm Trao đổi Kết nối Sản phẩm và Du lịch với hơn 20 doanh nghiệp, đoàn lữ hành trong tỉnh và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Ông Nguyễn Việt Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang cho biết, tọa đàm nhằm quảng bá hình ảnh du lịch Kiên Giang kết hợp giới thiệu điểm đến hấp dẫn. Bên cạnh đó, địa phương cũng xây dựng sản phẩm mới, thương hiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; Sản phẩm đặc trưng địa phương, liên kết hợp tác phát triển, kết nối tour, tuyến du lịch của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trên địa bàn tỉnh với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Tàu cá neo đậu nhiều ở khu vực lăng Ông Nam Hải (ấp Thiên Tuế, xã Lại Sơn). |
Tại buổi Tọa đàm, các doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm phát triển du lịch vùng biển, đảo về du lịch xanh bền vững, quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng, giá cả dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời kiến nghị, địa phương có những chính sách ưu đãi đặc thù để thu hút đầu tư du lịch; Các doanh nghiệp du lịch cần đoàn kết, chia sẻ, hợp tác, có tiếng nói chung trong phát triển, quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch vùng biển đảo thực hiện công nghệ số, Chuyển đổi Số…
Ông Lê Bình Trị - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kiên Hải, cho biết huyện có 23 đảo lớn nhỏ. Hai năm trở lại đây, du lịch Hòn Sơn phát triển, mỗi năm đón khoảng 200.000 lượt du khách đến tham quan, du lịch, trải nghiệm. Hòn Sơn, Nam Du sở hữu cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ, nhưng chưa có đa dạng sản phẩm du lịch, ít doanh nghiệp du lịch lớn đến đầu tư, chủ yếu là người dân địa phương làm du lịch.
Thời gian tới, địa phương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan có giải pháp bình ổn giá dịch vụ, xử lý rác thải sinh hoạt và những mặt hạn chế để góp phần phát triển du lịch.