Đây là năm học đầu tiên sau nhiều năm, học sinh phổ thông không phải tập dượt hàng tháng trước khai giảng, và các em được tham dự một ngày lễ của riêng mình đầy ý nghĩa…
Cùng một thời khắc chào cờ, hát Quốc ca
Trong hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị Bộ GD-ĐT chọn một ngày khai giảng thống nhất trên toàn quốc với nội dung gọn nhẹ, tránh rườm rà, nhất là tránh để học sinh tập luyện nhiều tiết mục văn nghệ, đứng ngoài trời để nghe hay chào đón các đoàn đại biểu... Thay vào đó, tất cả các trường trong cả nước sẽ chọn cùng một thời khắc để chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca. Phần phát biểu trong Lễ khai giảng ngắn gọn, có ý nghĩa đối với thầy, trò.
Theo số liệu dự báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2015 - 2016 có 22.300 học sinh, sinh viên bước vào năm học mới. Trong đó, bậc học mầm non có 4.500.000, bậc phổ thông có 15.000.000, trung học chuyên nghiệp 340.000, đại học, cao đẳng trên 2.200.000.
Hơn một tuần qua, tại các trường học, thầy giáo, cô giáo cùng học sinh hăng say tập luyện các tiết mục trình diễn trong Lễ khai giảng. Khác với mọi năm, năm nay cả thầy và trò đều không phải tập dượt nghi lễ đi đứng, xếp hàng có phần nặng nề; thay vào đó là không khí nhộn nhịp với tiếng nhạc vui tươi, học sinh trong trang phục đồng diễn màu sắc thể hiện ca khúc do mỗi lớp tự chuẩn bị với ca từ gần gũi, thân thương phù hợp với lứa tuổi.
Theo hiệu trưởng các trường học, do năm nay nhà trường không chủ động mời khách đến dự nên những nhiêu khê về khâu chuẩn bị, đón tiếp, hoặc những phát biểu dài dòng đều không có trong buổi lễ. Tại Hà Nội, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, Lễ khai giảng năm học mới của các trường học tại Hà Nội diễn ra đồng loạt vào sáng ngày 5/9. Khai giảng sẽ có chủ đề “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường”, nội dung tập trung việc đón học sinh đầu cấp. Thời gian Lễ khai giảng chỉ diễn ra từ 7h30 đến 8h30.
Có thể nói, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhận được sự ủng hộ của thầy, trò và toàn xã hội. Bởi trước đây, Lễ khai giảng thường được kéo dài suốt đầu tháng 9 và gần như trường nào cũng giống trường nào với các lễ đón lãnh đạo các cấp, những bản báo cáo thành tích của nhà trường và các em không được “đi chệch” khỏi “đường ray” thành tích ấy.
Thế nên, trong một lá thư mong ước về Lễ khai giảng, cậu học trò Đặng Nhật Anh, học sinh lớp 7C Trường THCS Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội) viết “Năm nào khai giảng cũng giống nhau. Học sinh đã không còn xa lạ với một kịch bản mà chúng em đã thuộc từ lâu. Em mong cô hiệu trưởng hãy bắt nhịp cho cả trường hát một bài, mong các thầy cô đừng đọc báo cáo thành tích. Xin thầy cô hãy dành nhiều thời gian để nói về động lực, ước mơ, hoài bão và chia sẻ những câu chuyện thú vị. Đặc biệt, chúng em không phải tập khai giảng trước đó nhiều ngày, chỉ mong buổi lễ diễn ra nhẹ nhàng, là ngày hội giao lưu giữa thầy và trò, giữa những học sinh mới và cũ”…
Lời phát biểu sẽ chưa đầy 1 phút
Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, khác với mọi năm, năm nay phần đón học sinh với việc diễu hành của từng lớp sẽ rút xuống. Mỗi lớp sẽ chỉ cần chọn ra 4 bạn gồm 2 nam, 2 nữ cầm cờ hoa, biển lớp đi diễu hành một lần. Các em sẽ không phải tập dượt như trước đây, vừa mất thời gian vừa có phần nặng nề.
Lời tuyên bố khai giảng của thầy sẽ chỉ ngắn gọn trong chưa đầy 1 phút. Trọng tâm của Lễ khai giảng vẫn là những tiết mục văn nghệ, những ca khúc về tình yêu quê hương, đất nước hay các ca khúc, tiết mục nhảy hiện đại. Và bản thân thầy Bình cũng đang ấp ủ sẽ dành tặng một món quà tinh thần nào đó thật ý nghĩa để kỉ niệm ngày khai giảng sẽ theo các trò suốt cuộc đời.
Thầy Đinh Đoàn - Hiệu trưởng Trường THCS Xã Đàn, quận Đống Đa, Hà Nội, ngôi trường chuyên biệt đầu tiên của Hà Nội cũng cho rằng Lễ khai giảng không phải là dịp kể lể thành tích của nhà trường. Thầy Đinh Đoàn chia sẻ: “Sẽ không còn là “diễn văn khai giảng” mà sẽ là lời chào năm học mới thật ngắn gọn nhưng đầy cảm xúc của thầy hiệu trưởng”.
Tại Trường THPT Lương Thế Vinh, PGS Văn Như Cương từ nhiều năm nay vẫn gây xúc động bởi những thông điệp, những lá thư đầy cảm xúc ông dành cho học trò của mình trong ngày khai trường. Mặc dù trước nhiều ý kiến cho rằng ngày khai trường không còn là một buổi sáng “đầy sương thu và gió lạnh” bởi năm học mới hiện đã bắt đầu cả tháng trước đó, nhưng PGS Văn Như Cương bày tỏ: “Theo tôi, ngày khai giảng vẫn diễn ra như ngày chúng ta quy định, là ngày 5/9 hàng năm. Nên coi ngày này cũng giống như những ngày lễ khác”.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển:
Năm học tiếp tục đổi mới thi, đổi mới chương trình – sách giáo khoa
Năm học 2015-2016 sẽ tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là triển khai những yêu cầu mới của chương trình – sách giáo khoa. Tuy chúng ta đang xây dựng chương trình và từng bước triển khai những yêu cầu mới nhưng những vấn đề đã đúng, được khẳng định thì triển khai ngay không cần đợi chương trình - sách giáo khoa mới. Đó là những vấn đề trực tiếp liên quan nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông như đổi mới thi, kiểm tra đánh giá, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, dạy theo công nghệ lớp 1…