“Khủng hoảng” vì lịch khai giảng bị “chốt” cứng

(PLO) - Khung kế hoạch thời gian học của năm học 2015-2016 có thay đổi không nhiều so với năm học trước nhưng việc “chốt” ngày khai giảng vào ngày 5/9/2015 đã khiến cho nhiều trường tiểu học và THSC, THPT lâm vào tình trạng đổ vỡ kế hoạch khai giảng đã được chuẩn bị công phu.
Lễ khai giảng được tổ chức công phu có thể bị ảnh hưởng bởi quy định cứng
Lễ khai giảng được tổ chức công phu có thể bị ảnh hưởng bởi quy định cứng
Khung kế hoạch thời gian học của năm học 2015-2016 được ban hành kèm theo Quyết định số 2797/QĐ-BGDĐT ngày 3/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, thời gian học của năm học 2015-2016 cơ bản không thay đổi so với năm học 2014-2015. Học sinh của các trường mầm non, các cấp học của giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên sẽ tựu trường sớm nhất là ngày 1/8 và muộn nhất là 25/8/2015.
Riêng đối với ngày khai giảng của năm học mới 2015-2016, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thay đổi và việc thay đổi này đã khiến nhiều trường dở khóc, dở cười. Thậm chí, nhiều cơ sở giáo dục còn không biết nên hiểu quy định về thời gian khai giảng theo quy định của Bộ GĐ &ĐT như thế nào cho đúng.
Tại Điều 1 của Quyết định số 2797/QĐ-BGDĐTquy định, thời gian tổ chức khai giảng là “vào dịp Ngày toàn dân đưa trẻ tới trường – ngày 5/9”. So với thời gian khai giảng của năm học 2014-2015, thì nội dung này có thay đổi. Thời gian khai giảng năm học 2014-2015 được Bộ GĐ&ĐT quy định trong Quyết định số 1955/QĐ-BGDĐT ngày 25/5/2014 như sau: “Tổ chức khai giảng vào tuần cuối tháng 8 và tuần đầu tháng 9. Khuyến khích các nhà trường tổ chức khai giảng vào Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường 5/9”. Quy định này được cho là “mềm mại”, dễ thực hiện và tạo sự chủ động cho mọi cơ sở giáo dục.
Ngược lại, quy định ngày khai giảng của năm học 2015-2016 không chỉ cứng nhắc mà còn đã tạo ra sự khó hiểu, khó thực hiện. Nếu theo đúng ngôn từ quy định mà Bộ đưa ra thì các trường được tổ chức khai giảng vào dịp Ngày toàn dân đưa trẻ tới trường (5/9), nghĩa là được tổ chức khai giảng trước và sau ngày 5/9 chứ không nhất thiết là phải khai giảng vào đúng ngày 5/9. 
Nhưng cũng có cách hiểu khác là các trường buộc phải thực hiện khai giảng vào đúng ngày 5/9 vì trong văn bản của Bộ đã chỉ rõ đây ngày khai giảng. Thực tế thì có nhiều địa phương (như Phú Yên, Quàng Nam, Bình Dương) đã căn cứ vào quy định tại của Bộ GĐ &ĐT để “chốt” luôn ngày khai giảng là 5/9 cho các cơ sở giáo dục phổ thông. Thực tế thì quy định “cứng” kiểu này đã khiến cho các cơ sở giáo dục điêu đứng vì kế hoạch khai giảng được chuẩn bị trước đó đã bị đảo lộn tất cả.
Lý giải về việc không hợp lý trong lịch khai giảng này, một giáo viên tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho rằng, ngày 5/9 hàng năm là ngày toàn dân đưa trẻ tới trường nhưng không cố định vào một ngày cụ thể trong tuần. Có thể, ngày 5/9 sẽ rơi vào ngày Thứ Bảy hoặc Thứ Sáu, không thuận tiện cho việc khai giảng và đến lớp của trẻ vì tạo ra sự không liên tục trong việc đến lớp (khai giảng rồi lại nghỉ). Do đó, việc “chốt cứng” lịch khai giảng sẽ khiến cho các trường không chủ động trong công tác tổ chức khai giảng phù hợp với tình hình thực tế của trường hoặc địa phương.
Hơn nữa, đối với các cơ sở giáo dục có tổ chức phương tiện đưa, đón học sinh thì việc tổ chức một buổi khai giảng sẽ phải chuẩn bị rất chu đáo, đặc biệt là phương tiện đón và trả học sinh. Nếu không chủ động được thời gian để chuẩn bị công tác này thì việc khai giảng có thể không thực hiện tốt, thậm chí còn gây nguy hiểm cho học sinh.
Có vẻ như quy định cứng nhắc về lịch khai giảng của năm học 2015-2016 mà Bộ GĐ &ĐT đưa ra cũng không được nhiều địa phương đồng thuận. Nhiều địa phương đã đưa ra lịch khai giảng riêng, không như quy định mới của Bộ. Theo Quyết định 911/QĐ-UBND ngày 6/8/2015 của UBND tỉnh Hà Nam ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2015-2016 của tỉnh này thì thời gian tổ chức khai giảng được quy định là “Tổ chức khai giảng vào tuần cuối tháng 8 và tuần đầu tháng 9. Khuyến khích các nhà trường tổ chức khai giảng vào Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường - ngày 5/9” (như quy định của Bộ GĐ&ĐT năm học 2014-2015). Còn tại An Giang, ngày khai giảng của địa phương này là ngày 31/8 (Thứ Hai).
Theo Luật sư Nguyễn Minh Anh, Công ty Luật TNHH Trí Minh, nếu hiểu thực sự đúng câu chữ của quy định này thì ngày 5/9 là ngày “toàn dân đưa trẻ đến trường” nên việc khai giảng vào “dịp” 5/9 có nghĩa là trước hoặc sau ngày này chứ không nhất thiết là chính xác ngày 5/9. Nhưng chính quy định của Bộ GĐ &ĐT đã tạo ra sự lúng túng không đáng có đối với các trường và sự không đồng nhất trong cách hiểu giữa các địa phương. 
Lẽ ra Bộ nên sử dụng lại quy định của năm học 2014 -2015 là phù hợp nhất, vì vừa tạo sự chủ động, linh hoạt cho các trường theo kế hoạch cũng như khả năng tổ chức lễ khai giảng của họ và theo cả tình trạng thời tiết của địa phương vì không phải ngày 5/9 của địa phương nào cũng có thể tổ chức được lễ khai giảng. Thiết nghĩ, Bộ GĐ &ĐT nên khẩn trương giải tỏa những vướng mắc này cho các cơ sở giáo dục vì ngày khai trường đang cận kề.